Báo Đồng Nai điện tử
En

Dịch bệnh Covid-19 đang làm gia tăng áp lực với trường học

07:03, 10/03/2022

Đồng Nai là một trong những địa phương khá quyết liệt trong việc tổ chức cho trẻ em và học sinh trở lại trường. Tuy nhiên, do sự lây lan mạnh của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là biến thể Omicron nên đã ghi nhận nhiều ca nhiễm trong trường học.

Đồng Nai là một trong những địa phương khá quyết liệt trong công tác tổ chức cho trẻ em và học sinh trở lại trường thí điểm dạy học trực tiếp, sau đó dạy trực tiếp đại trà. Tuy nhiên, do sự lây lan mạnh của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là biến thể Omicron nên đã ghi nhận nhiều ca nhiễm trong trường học.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (TP. Biên Hòa) trở lại học trực tiếp. Ảnh: Công Nghĩa
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (TP. Biên Hòa) trở lại học trực tiếp. Ảnh: Công Nghĩa

Từ diễn biến thực tế của dịch bệnh Covid-19, Sở GD-ĐT đã phối hợp với các địa phương và nhà trường có những điều chỉnh kế hoạch dạy và học trực tiếp theo hướng linh hoạt, an toàn và hiệu quả.

* Phức tạp tình hình dịch bệnh trong trường học

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, việc trẻ em và học sinh toàn tỉnh đồng loạt trở lại trường học trực tiếp là một trong những nguyên nhân khiến số ca nhiễm mới Covid-19 tăng trở lại. Thêm vào đó là biến thể mới Omicron có sức lây lan nhanh hơn các biến thể trước đó. Sau 2 tuần đi học trực tiếp (từ ngày 14 đến 28-2), toàn tỉnh ghi nhận khoảng 10 ngàn ca nhiễm Covid-19 trong học sinh và giáo viên, thì từ ngày 1 đến 8-3 đã ghi nhận thêm hơn 12 ngàn ca nhiễm trong học sinh và trên 2 ngàn ca nhiễm là giáo viên.

TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, càng về sau số lượng ca nhiễm mới trong các cơ sở giáo dục lại càng có xu hướng tăng cao và nhanh hơn. Ở bậc mầm non và tiểu học có xu hướng ghi nhận ca nhiễm nhiều hơn các bậc học còn lại, do ở 2 bậc học này trẻ em và học sinh chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh Covid-19 cũng cho thấy, hầu hết các ca nhiễm chỉ ở thể nhẹ, có các biểu hiện thông thường như: ho, sốt, nhức đầu; trong số trên 20 ngàn ca nhiễm ban đầu trong học sinh thì chỉ có 5 trường hợp phải nhập viện, không có ca nào chuyển nặng và tử vong.

Về tình hình lây nhiễm Covid-19 trong trường học, TP.Biên Hòa là địa phương có nhiều cơ sở giáo dục, đồng thời có số học sinh đông nhất tỉnh, do đó tỷ lệ ca nhiễm Covid-19 trong trẻ em và học sinh cũng tỷ lệ thuận với nhau. Những ngày gần đây, bình quân mỗi ngày TP.Biên Hòa ghi nhận khoảng 1.500 ca nhiễm trong trẻ em, học sinh. Tiếp đến là H.Nhơn Trạch mỗi ngày ghi nhận 500 ca; các huyện: Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Thống Nhất ghi nhận trung bình 300- 400 ca/ngày. 

Bà Đỗ Thị Lan Đài, Chủ tịch HĐQT Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng cho biết, nhà trường có sĩ số học sinh/lớp chỉ 25-30 em, đây là một trong những yếu tố thuận lợi để duy trì khoảng cách giữa học sinh trong lớp. Tuy nhiên, thực tế tình hình lây lan Covid-19 tại các lớp vẫn khá phức tạp. Nhà trường đã xin chủ trương và đã được chấp thuận chuyển hoạt động dạy trực tiếp sang trực tuyến, vì số học sinh là F0 và F1 ở nhiều lớp chiếm trên 50% sĩ số. Nếu để các em tới trường thì tiếp tục lây lan thêm.

* Áp lực duy trì học trực tiếp

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết, hiện nay việc quyết định cho học sinh chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến tùy vào cấp độ dịch của mỗi phường, xã và do chủ tịch UBND phường, xã quy định. Theo đó, những phường có dịch ở cấp độ 3 (màu cam), trường học ở địa bàn đó sẽ chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến. Việc cho học sinh đi học trực tiếp trở lại vào thời điểm nào cũng do các địa phương quyết định khi tình hình dịch bệnh được cải thiện.

Học sinh Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ (H.Trảng Bom) sinh hoạt kỹ năng trên lớp. Ảnh: Công Nghĩa
Học sinh Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ (H.Trảng Bom) sinh hoạt kỹ năng trên lớp. Ảnh: Công Nghĩa

Sau 2 tuần học trực tiếp đại trà, ngày 1-3, TP.Biên Hòa đã trở thành địa phương đầu tiên cho học sinh của 19 trường từ mầm non đến THPT trên các địa bàn các phường: Bửu Long, Hiệp Hòa, Tân Hiệp tạm thời chuyển sang học trực tuyến do địa phương chuyển từ cấp độ 2 lên cấp độ 3 (vàng sang cam). Tiếp đó, từ ngày 8-3, căn cứ với cấp độ dịch, TP.Biên Hòa tiếp tục cho học sinh của các trường trên địa bàn 3 phường: Thanh Bình, Thống Nhất và Tân Mai chuyển sang học trực tuyến. Cũng từ ngày 8-3, các trường trên địa bàn 3 phường: Bửu Long, Hiệp Hòa, Tân Hiệp quay trở lại học trực tiếp sau 1 tuần học trực tuyến.

Còn tại H.Trảng Bom, địa phương được đánh giá tốt về thí điểm lẫn thực hiện đại trà dạy học trực tiếp cũng đã phải có những điều chỉnh linh hoạt kế hoạch dạy học trực tiếp ở nhiều xã do cấp độ dịch tăng lên. Cụ thể, ngày 3-3, H.Trảng Bom cho học sinh của 2 xã Trung Hòa và Đông Hòa chuyển sang học trực tuyến. Tiếp đó, ngày 8-3, huyện có 7 xã: An Viễn, Giang Điền, Quảng Tiến, Sông Thao, Trung Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa từ trực tiếp sang trực tuyến.

Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom Lê Ngọc Tiên cho biết: “Việc điều chỉnh kế hoạch dạy và học tại các trường đều được thực hiện theo đúng quy định về cấp độ dịch khi các xã nói trên chuyển từ vùng dịch cấp độ 2 (vùng vàng) sang cấp độ 3 (vùng cam)”.

Hiệu trưởng một số trường phải tạm cho học sinh chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến cho biết, việc phải điều chỉnh kế hoạch dạy và học liên tục là điều không mong muốn, dù nhà trường đã làm hết khả năng vừa dạy học, vừa phòng, chống dịch. Ngay cả đội ngũ giáo viên cũng lấy làm tiếc khi đi học trực tiếp được hơn 2 tuần đã phải quay lại dạy trực tuyến với áp lực lớn hơn cho cả giáo viên và học sinh nhưng hiệu quả lại không được như dạy trực tiếp.

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, tỷ lệ trẻ em và học sinh đi học trực tiếp của TP.Biên Hòa đạt 92%, nhưng những ngày gần đây, số ca nhiễm tăng, nhất là trong học sinh và giáo viên. Do đó, UBND TP.Biên Hòa đã điều chỉnh hoạt động dạy và học tương ứng với cấp độ dịch của từng phường, xã. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường trên địa bàn có cấp độ dịch ở cấp độ 3 (vùng cam) nhưng học sinh lại không hoàn toàn nằm ở phường trường đóng chân mà có thể ở rất nhiều phường khác nhau nên có khó khăn nhất định trong công tác quản lý.

Chị Đinh Thị Diệu Hoa, phụ huynh có con học tại Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh cho hay, hiện nay học sinh từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 nên mạnh dạn cho học sinh đi học trở lại một cách ổn định, trừ trường hợp dịch bệnh lên tới mức độ 4 (vùng đỏ). Hơn nữa, phải xem xét thật kỹ việc nâng cấp độ dịch của từng địa bàn, vì thực tế hiện nay rất nhiều người bị nhiễm Covid-19 nhưng không khai báo và tự chữa trị nên việc đánh giá mức độ dịch có thể không chuẩn xác.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH: Học trực tuyến: Trò thiệt thòi, thầy cô thêm vất vả

Ngành GD-ĐT và các địa phương đang phối hợp chặt chẽ khi ra quyết định nên học trực tiếp hay chuyển sang học trực tuyến ở những thời điểm khác nhau của dịch bệnh. Khi phải chuyển sang học trực tuyến thì trò thiệt thòi, thầy cô thêm vất vả. Do đó, không còn cách nào khác là phải tiếp tục nỗ lực để vừa duy trì học tốt trực tiếp lẫn cả trực tuyến nếu có học sinh bị cách ly hay cả trường phải tạm chuyển sang học trực tuyến vì địa bàn đóng chân trở thành vùng cam.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều