Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuỗi cửa hàng tiếp thị truyền thống dần thu hẹp

09:03, 07/03/2023

Trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển, các hệ thống chuỗi cửa hàng bán lẻ, tiếp thị… chịu nhiều sự cạnh tranh và dần thu hẹp để thay vào đó là các hình thức cửa hàng, gian hàng trực tuyến.

Trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển, các hệ thống chuỗi cửa hàng bán lẻ, tiếp thị… chịu nhiều sự cạnh tranh và dần thu hẹp để thay vào đó là các hình thức cửa hàng, gian hàng trực tuyến.

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm tại cửa hàng tiếp thị sản phẩm của một thương hiệu thời trang tại TP.Biên Hòa. Ảnh:  HảI Hà
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm tại cửa hàng tiếp thị sản phẩm của một thương hiệu thời trang tại TP.Biên Hòa. Ảnh: HảI Hà

Trên thực tế, xu hướng kinh doanh, tiếp thị sẽ nắm bắt những thói quen, xu thế tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ, hàng tiêu dùng dần có sự thay đổi trong cách tiếp cận khách hàng, nhất là từ sau đại dịch Covid-19.

* Nắm bắt thị hiếu tiêu dùng

Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, để nâng cao sức cạnh tranh, bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, các DN trong nước ngày càng chủ động xây dựng, đa dạng các kênh tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, khách hàng…

Phó tổng giám đốc Công ty CP Lothamilk (TP.Biên Hòa) Nguyễn Đức Tùng chia sẻ, công ty chủ động đa dạng các kênh tiếp thị để phát triển, mở rộng thị trường. Trong đó, phát triển các kênh tiếp thị ở các siêu thị, mở rộng kết nối với các nhà phân phối, các trạm dừng chân... Trong khi đó, các cửa hàng, showroom, giới thiệu, trưng bày sản phẩm thường chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Ngoài ra, công ty còn đẩy mạnh các kênh tiếp thị trực tuyến từ website đến mạng xã hội để thu hút khách hàng nhiều hơn.

Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức Đặng Tường Khanh (H.Định Quán) cho hay, hiện công ty tập trung vào các kênh tiếp thị kết hợp du lịch, trạm dừng chân, cũng như các kênh ở các chuỗi siêu thị lớn, các sàn thương mại điện tử. Trong khi đó, xu hướng các cửa hàng đại diện, showroom giới thiệu sản phẩm dần ít đi do chi phí mặt bằng, nhân sự lớn. Hiện công ty chỉ còn giữ văn phòng đại diện ở TP.HCM.

Vấn đề liên quan đến phát triển thương hiệu, xây dựng các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm đang trở thành một khâu quan trọng, thiết yếu trong chuỗi sản xuất và cung ứng hiện nay. Người tiêu dùng ngày nay quan tâm hơn tới các sản phẩm trong nước, nhiều sản phẩm nội có chất lượng, mẫu mã có thể cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm ngoại. Trong đó, mức độ phổ biến, “độ phủ” về thương hiệu của sản phẩm Việt ngày càng được chú trọng.

Chị Thu Hằng (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Trước đây, khi các chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị còn ít, tôi vẫn thường đến các cửa hàng tiếp thị, giới thiệu sản phẩm của các nhãn hàng, thương hiệu lớn mua hàng, thậm chí tìm đến các showroom ở TP.HCM để tìm mua sản phẩm. Tuy nhiên, hiện tại khi các chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị ngày càng mở rộng, các sàn thương mại điện tử phát triển, tôi có nhiều sự lựa chọn để mua sắm các mặt hàng hơn trước đây. Do đó, xu hướng mua sắm cũng đa dạng và tiện lợi hơn trước, không nhất thiết phải đến tận các cửa hàng, showroom truyền thống để mua sắm”.

* Linh hoạt giữa truyền thống và hiện đại

Thực tế, nhiều DN vẫn đang linh hoạt triển khai các kênh bán lẻ, dịch vụ giữa truyền thống và hiện đại, giữa trực tiếp và online. Việc triển khai này tích hợp nhiều tiện ích, xu hướng tiêu dùng mới để tiếp cận khách hàng đa dạng hơn, hướng đến những phân khúc khách hàng với tôn chỉ, phương hướng kinh doanh của DN.

Kết quả khảo sát người tiêu dùng trong tỉnh về các địa điểm có thể thường xuyên mua những sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất theo khảo sát của Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh (Ban chỉ đạo 264 tỉnh) tiến hành trong năm 2022. Đồ họa: Hải Hà
Kết quả khảo sát người tiêu dùng trong tỉnh về các địa điểm có thể thường xuyên mua những sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất theo khảo sát của Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh (Ban chỉ đạo 264 tỉnh) tiến hành trong năm 2022. Đồ họa: Hải Hà

Tổng giám đốc Tổ hợp Truyền thông và công nghệ sáng tạo Pencil Group (TP.HCM) Nguyễn Tiến Huy chia sẻ, Pencil Group đã triển khai nhiều dự án truyền thông, hợp tác với các nhãn hàng, thương hiệu hàng đầu trong và ngoài nước. Trên thực tế, các DN của ngành bán lẻ muốn tạo ra quy mô lớn thì vẫn cần sử dụng địa điểm. Bởi dù sao, thói quen mua sắm của người Việt vẫn là “văn hóa xe máy” - nghĩa là cứ tiện là tấp vào để mua sắm. Do đó, các DN bán lẻ lớn vẫn đang tập trung vào việc phát triển các địa điểm bán hàng trực tiếp.

“Tuy nhiên, đối với quy mô vừa và nhỏ, DN kinh doanh muốn cạnh tranh với các “ông lớn” thì phải có thị trường “ngách” để tạo được dấu ấn riêng về thương hiệu, cùng với đó phải đảm bảo tỉ trọng bán hàng trực tuyến phù hợp nếu muốn tối ưu vận hành” - ông Huy phân tích.

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, đối với các DN địa phương, nhất là các DN nhỏ và vừa, việc dành ra nguồn kinh phí cho hoạt động quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, bạn hàng hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Các chi phí về quảng bá thương hiệu, mở rộng các kênh phân phối sản phẩm chiếm tỷ lệ ngày càng cao so với lợi nhuận thu được. Điều này khiến cho các DN địa phương phải tính toán, xây dựng phương án kinh doanh, cũng như đầu tư phát triển các kênh phân phối phù hợp.

Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) Lê Bạch Long cho biết, hiện công ty tập trung vào hệ thống phân phối, tiếp thị vào các đại lý bán sỉ. Trong khi đó, đối với các kênh tiếp thị như cửa hàng giới thiệu truyền thống thường phải đầu tư nguồn vốn cao về mặt bằng, nhân sự nên công ty đã chủ động kết nối, linh hoạt các kênh tiếp thị, quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm, các hình thức tiếp thị trực tuyến…

Hải Quân

Tin xem nhiều