Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ điểm nghẽn cho xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi

10:03, 13/03/2022

Với mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững; sản xuất chăn nuôi trong nước thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Với mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững; sản xuất chăn nuôi trong nước thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Dây chuyền giết mổ, chế biến thịt gà xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản của Công ty TNHH Koyu & Unitek  (TP.Biên Hòa). Ảnh: B.Nguyên
Dây chuyền giết mổ, chế biến thịt gà xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản của Công ty TNHH Koyu & Unitek (TP.Biên Hòa). Ảnh: B.Nguyên

Bám sát mục tiêu chiến lược phát triển chăn nuôi trong giai đoạn mới của Thủ tướng Chính phủ, Đồng Nai tập trung phát triển bền vững ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao để cạnh tranh tốt khi bước vào sân chơi quốc tế.

* Xuất khẩu chưa xứng với tiềm năng

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đạt 440 triệu USD. Trong các sản phẩm thịt xuất khẩu, chiếm tỉ trọng lớn nhất là thịt gà. Thịt gà chế biến xuất khẩu năm 2021 đạt hơn 2,5 ngàn tấn, tăng gần 36,6% so với năm 2020. Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm này còn rất lớn khi Việt Nam đã đàm phán thành công xuất khẩu thịt gà chế biến sang Nhật Bản, Hồng Kông và các nước thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu... Tuy nhiên, khi so sánh, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 440 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu khoảng 3,4 tỷ USD, như vậy trong năm 2021, Việt Nam vẫn nhập siêu tới 2,96 tỷ USD.

Ngoài việc quan tâm xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, Đồng Nai còn đẩy mạnh thực hiện việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về sản phẩm an toàn của cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng Nai đã và đang tích cực triển khai nhiều đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm…

Phân tích số liệu về sản lượng chăn nuôi cũng như sản lượng và tổng giá trị xuất khẩu của ngành chăn nuôi, có thể thấy rằng xuất khẩu thịt và các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện tổng đàn gia cầm của cả nước đạt 523 triệu con, đàn heo 28 triệu con, đàn gia súc ăn cỏ 12 triệu con. Tổng sản lượng thịt này không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà cần mở rộng thị trường xuất khẩu để hạn chế khó khăn nguồn cung lớn hơn cầu khi thị trường tiêu thụ giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như hiện nay.

Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 căn cứ trên quan điểm phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển các chuỗi giá trị. Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn. Mục tiêu của chiến lược trên đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi trong nước thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Trong đó, nhiều mục tiêu cụ thể đến năm 2030 được đặt ra như: chăn nuôi công nghiệp chiếm 70% trên tổng đàn heo; chiếm khoảng 60% trên tổng đàn gà; cả nước xây dựng được ít nhất 20 vùng chăn nuôi an toàn cấp huyện…

* Nhanh chóng xây dựng chuỗi liên kết xuất khẩu

Ngoài việc chú trọng xây dựng cơ sở và vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, Đồng Nai đang tập trung xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu. Trong đó, các tập đoàn, doanh nghiệp, HTX chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong xây dựng chuỗi liên kết.

Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 22 doanh nghiệp chế biến thực phẩm từ thịt động vật trên cạn. Trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp này chế biến, cung cấp ra thị trường khoảng 30 ngàn tấn thành phẩm, tương đương với khoảng 45 ngàn tấn nguyên liệu tươi. Các sản phẩm chế biến rất đa dạng như: giò chả, chà bông, xúc xích, thịt nguội, jambon, xông khói... Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở có sơ chế, chế biến thực phẩm đều hình thành được chuỗi sản phẩm theo quy trình khép kín từ con giống đến chăn nuôi, giết mổ và bảo quản để chế biến. Những tập đoàn, doanh nghiệp có tiếng trong đầu tư sơ chế, chế biến gồm: Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (TP.Biên Hòa) đã phát triển hệ thống cửa hàng tiêu thụ rộng khắp cả nước; Công ty TNHH Koyu & Unitek (TP.Biên Hòa) đi tiên phong trong cả nước xuất khẩu mặt hàng thịt gà và sản phẩm chế biến từ thịt gà vào thị trường khó tính là Nhật Bản…

Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành) nhận xét, là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về ngành chăn nuôi, Đồng Nai đang là địa chỉ thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến thịt hiện đại, đạt chuẩn quốc tế với tham vọng không chỉ chiếm lĩnh được thị trường nội địa mà còn vươn ra xuất khẩu. Theo ông Quyết: “Hiện Long Thành Phát là HTX nuôi gà xuất khẩu duy nhất trên cả nước, sản phẩm của chúng tôi được doanh nghiệp tại địa phương bao tiêu để chế biến, xuất khẩu đi Nhật Bản. Thị trường xuất khẩu các sản phẩm gia cầm chế biến còn rất giàu tiềm năng mà cả người chăn nuôi và doanh nghiệp đang nỗ lực lực tham gia để có đầu ra bền vững hơn cho ngành chăn nuôi”.

Lê Quyên

Tin xem nhiều