Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo chất lượng chuyên môn khi vừa dạy học, vừa chống dịch

09:03, 03/03/2022

Hiện nay, tất cả các trường trong tỉnh đều đang nỗ lực hoàn thành tốt mục tiêu kép vừa tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid -19, vừa dạy học để hoàn thành chương trình năm học 2021-2022

Hiện nay, tất cả các trường trên địa bàn tỉnh đều đang nỗ lực hoàn thành tốt mục tiêu kép vừa phải tăng cường cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa dạy học để hoàn thành chương trình năm học 2021-2022. Trong bối cảnh đó, nhiều trường vẫn đầu tư sâu cho các hoạt động chuyên môn khác nhằm nâng cao “tay nghề” cho giáo viên, đồng thời sẵn sàng cho chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPTM) vào năm sau.

Giáo viên Trường THCS Nguyễn Công Trứ (H.Trảng Bom) đọc sách giáo khoa lớp 7 để chuẩn bị lựa chọn sách giáo khoa cho năm học 2022-2023
Giáo viên Trường THCS Nguyễn Công Trứ (H.Trảng Bom) đọc sách giáo khoa lớp 7 để chuẩn bị lựa chọn sách giáo khoa cho năm học 2022-2023. Ảnh: H.YẾN

Trong tình huống số ca F0 tăng, các trường đã tổ chức hình thức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến một cách nhuần nhuyễn, không để học sinh diện F0, F1 bị bỏ lại phía sau.

* Thích nghi dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến

Trường tiểu học Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu) có 586 học sinh với 18 lớp. Mặc dù số lượng học sinh không đông nhưng nhà trường vẫn khá vất vả trong công tác phòng, chống dịch. Khó khăn lớn nhất chính là nhà trường không có nhân viên y tế nên đành phải phân công nhân viên thư viện phụ trách thay phần việc của nhân viên y tế, chủ yếu là thực hiện test nhanh khi nghi ngờ có ca F0 trong trường học. Hiện nay, nhà trường tiếp tục cử thêm giáo viên tham gia tập huấn công tác test nhanh để hỗ trợ khi cần thiết.

Hiện nay, các trường đang tích cực tổ chức chuyên đề sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học giữa các tổ, khối; rà soát học lực của học sinh yếu kém sau khi kiểm tra học kỳ 1 và lên kế hoạch phụ đạo trực tiếp, trực tuyến để nâng cao chất lượng giáo dục; tích cực dự giờ thăm lớp giáo viên, nhất là giáo viên lớp 1, 2 và 6 để hỗ trợ, tư vấn cho giáo viên dạy chương trình GDPTM; chuẩn bị tốt mọi mặt đón chương trình GDPTM đối với lớp 3, 7 và 10 như: tình hình đội ngũ, cơ sở vật chất, đảm bảo tối thiểu thiết bị dạy học, lên kế hoạch chọn sách giáo khoa, phân công giáo viên dạy khối lớp 3, 7, 10 năm học 2022-2023.

Tính từ khi học sinh trở lại trường từ ngày 14-2 đến nay, trường này có 11 học sinh bị F0. Ngoài số F0, các trường hợp học sinh thuộc diện F1 cũng phải nghỉ học, cách ly tại nhà 1 tuần. Vì vậy, hiện nhiều giáo viên đang phải dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Thầy Nguyễn Văn Thành, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Phải kết hợp 2 hình thức dạy học cùng lúc nên giáo viên gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo kiến thức cho học sinh, giáo viên thường xuyên gửi bài lên nhóm Zalo của lớp, hướng dẫn thêm cho học sinh và xác định phải tích cực, thường xuyên ôn tập, củng cố kiến thức cho những học sinh học trực tuyến khi các em đến trường trở lại”.

Tại Trường THCS Võ Trường Toản (H.Vĩnh Cửu), trong tuần này, số lượng học sinh bị F0 tăng nhẹ. Tính đến ngày 2-3, toàn trường có hơn 20 học sinh F0, cộng với số lượng học sinh F1, trường này có hơn 70 học sinh phải học trực tuyến tại nhà. Để đáp ứng tốt nhất cho học sinh học trực tuyến, ngoài 4 phòng công nghệ thông tin được chuẩn bị từ trước, giáo viên của trường tích cực sử dụng máy tính xách tay để có thể linh động dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến tại tất cả các phòng học.

Cô Nguyễn Thị Hằng, giáo viên môn Toán Trường THCS Võ Trường Toản cho hay, lớp của cô chủ nhiệm hiện có 7 học sinh học online với nhiều lý do khác nhau. Hằng ngày, cô phải duy trì liên lạc với phụ huynh, học sinh để nắm bắt tình hình sức khỏe của học sinh; đồng thời, thông tin cho phụ huynh về việc tham gia học tập của học sinh tại lớp, trên mạng. Cùng với đó, cô thường xuyên gửi các thông tin, thông điệp về phòng, chống dịch Covid-19 để phụ huynh nắm bắt, phối hợp thực hiện.

Giáo viên Trường tiểu học Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu) dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến
Giáo viên Trường tiểu học Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu) dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ảnh:Tường Vi

Để dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, cô Hằng kê máy tính ở bàn học trên cùng của học sinh, đối diện với bảng đen sao cho học sinh học online ở nhà có thể quan sát được quá trình giảng bài của cô. Cô còn trang bị thêm loa trợ giảng để lớp nghe rõ hơn, trang bị thêm loa kết nối với máy tính để khi học sinh online phát biểu thì học sinh trên lớp cũng có thể nghe được.

Mỗi tiết học, bên cạnh soạn giảng cẩn thận, đầy đủ, cô còn phải đến lớp sớm để thử máy, kiểm tra đường truyền nhằm khắc phục kịp thời nếu có sự cố. Các bài giảng đều được lưu trữ trên ứng dụng Microsoft Teams để học sinh xem lại nếu không tham gia tiết học hoặc chưa hiểu bài.

* Nỗ lực nâng caochất lượng chuyên môn

Bên cạnh mục tiêu tranh thủ “thời gian vàng” để tập trung tối đa cho việc dạy học, các trường vẫn nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn khác nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ giáo viên.

Trường THPT Long Khánh (TP.Long Khánh) với hình thức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến
Trường THPT Long Khánh (TP.Long Khánh) với hình thức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến

Hiện nay, Trường THCS Võ Nguyên Giáp (H.Trảng Bom) đang tích cực chuẩn bị cho chuyên đề cấp huyện Khám phá nét đẹp văn hóa Đồng Nai qua nghệ thuật đờn ca tài tử. Đây là chuyên đề trong nội dung giáo dục địa phương với hình thức tích hợp liên môn, chủ yếu là môn Âm nhạc, Mỹ thuật.

Theo kế hoạch, ngoài nội dung thảo luận lý thuyết, hoạt động thực hành sẽ rất sôi nổi, cuốn hút với các hoạt động phong phú như: học sinh thi thuyết trình những hiểu biết về đờn ca tài tử bằng tiếng Anh và tiếng Việt; thi biểu diễn đờn ca tài tử (4 tiết mục); giao lưu với nghệ sĩ đờn ca tài tử của nhà hát nghệ thuật Đồng Nai; các tiết mục văn nghệ khác.

Theo cô Trịnh Thị Thoa, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Nguyên Giáp, nhà trường đã giao tổ bộ môn thực hiện và hướng dẫn học sinh chuẩn bị các nội dung để sẵn sàng cho chuyên đề sẽ được tổ chức trong tháng 3 này. Cô Thoa chia sẻ: “Việc thực hiện chuyên đề chính là tâm huyết của tổ chuyên môn, giúp học sinh trong trường hiểu được giá trị, bản sắc các môn nghệ thuật của địa phương; góp phần phát huy, bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Đồng thời, chuyên đề này cũng sẽ gợi mở các phương pháp, kỹ thuật dạy học phù hợp để áp dụng cho nội dung giáo dục địa phương được áp dụng trong chương trình GDPTM”.

Sau 3 tuần đi học trực tiếp, Trường THCS Hàng Gòn (TP.Long Khánh) ghi nhận có 4 trường hợp F0. Nhà trường tranh thủ thời gian học sinh đang học trực tiếp để dạy các tiết thực hành phòng khi dịch bệnh bùng phát các em phải học online vẫn đảm bảo được chuẩn kiến thức, kỹ năng. Để làm được điều này, các giáo viên phải xây dựng lại chủ đề và điều chỉnh kế hoạch giáo dục cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Trường THCS Hàng Gòn cũng cho giáo viên triển khai các chủ đề dạy học STEM và hướng dẫn học sinh hoàn thành sản phẩm STEM. Nhà trường cũng đã có kế hoạch tổ chức Ngày hội STEM nếu tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt.

Thầy Phạm Trọng Đức, Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho hay: “Chúng tôi duy trì sinh hoạt chuyên môn mỗi tháng 2 lần. Ngoài ra, nhà trường vừa đăng cai tổ chức hoạt động nghiên cứu bài học theo cụm trường. Theo đó, tất cả các trường THCS trên địa bàn TP.Long Khánh đã về trường để cùng nghiên cứu bài học với môn Thể dục nhằm đáp ứng yêu cầu chương trình GDPTM”.

Một hoạt động đang được các trường trên toàn tỉnh thực hiện đó là triển khai đọc, nghiên cứu và lựa chọn sách giáo khoa mới lớp 3, 7, 10.

Thầy Hoàng Công Thức, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cao Bá Quát (H.Trảng Bom) cho biết, ngoài bộ sách được phát, giáo viên của trường đã đọc sách mới thông qua đường link được cung cấp. Ngày 3-3, cùng với giáo viên toàn tỉnh, giáo viên của trường tham gia tập huấn sách giáo khoa mới bộ Cánh diều. “Khó khăn của chúng tôi khi thực hiện chương trình GDPTM là thiếu giáo viên bộ môn Thể dục và Mỹ thuật. Trường đã đề xuất với Phòng GD-ĐT huyện để tuyển dụng, chuẩn bị sẵn sàng cho năm học sau” - thầy Hoàng Công Thức nói.

Hải Yến

Tin xem nhiều