Báo Đồng Nai điện tử
En

Chờ khơi thông dự án du lịch sinh thái rừng

Ngọc Liên
08:05, 29/01/2024

Chỉ trong vòng hơn 2 tháng, UBND tỉnh đã tổ chức 3 cuộc họp để tháo gỡ vướng mắc đẩy nhanh việc triển khai Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí (Đề án DLST) của Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Tân Phú ở H.Định Quán. Thế nhưng, dự án chuyển động rất chậm.

Khách du lịch trải nghiệm tham quan rừng tại Khu du lịch Thác Mai - Bàu nước sôi. Ảnh: T.Mộc
Khách du lịch trải nghiệm tham quan rừng tại Khu du lịch Thác Mai - Bàu nước sôi. Ảnh: T.Mộc

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do khâu thẩm định, vướng về đất đai, xây dựng... Hiện chủ đầu tư dự án là Công ty CP The Coi Đồng Nai mong muốn những vướng mắc được tháo gỡ kịp thời để đẩy nhanh tiến độ. Dự án du lịch là "chìa khóa" để triển khai Đề án DLST dưới hình thức thuê dịch vụ môi trường rừng.

* Quan ngại các công trình phục vụ lưu trú, sinh hoạt giữa rừng

Một trong những nội dung quan trọng của dự án du lịch đang khiến cho đơn vị chủ rừng là BQL rừng phòng hộ Tân Phú chưa thể ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng với nhà đầu tư chính là việc thẩm định dự án du lịch. Trong đó, những hạng mục đầu tư công trình lưu trú, công trình phụ trợ, các tuyến giao thông kết nối các điểm du lịch trong rừng… đang là mối quan ngại của các sở, ngành chuyên môn do liên quan đến một số luật ở các lĩnh vực khác.

Rừng phòng hộ Tân Phú có tổng diện tích trên 18 ngàn ha, do BQL Rừng phòng hộ Tân Phú quản lý. Từ nhiều năm nay, nơi đây nổi tiếng với Khu du lịch Thác Mai - Bàu nước sôi bởi cảnh quan thiên nhiên đẹp, có hệ sinh thái đa dạng,  đặc biệt là Bàu nước sôi tự nhiên với nhiệt độ nóng quanh năm từ 50-60oC, có tác dụng thư giãn, phục hồi sức khỏe.

Theo đại diện Sở Xây dựng, dự án du lịch là dự án lâm nghiệp đặc thù do Sở NN-PTNT chủ trì thẩm định, trên cơ sở đó, các sở, ngành chỉ có ý kiến đóng góp và chủ đầu tư tự thẩm định dự án. Bên cạnh đó, đây là dự án nằm trong rừng nên các chỉ tiêu về quy hoạch xây dựng không có nên ngành xây dựng không xác định được vị trí mà chỉ có ngành Lâm nghiệp mới xác định theo vị trí, tọa độ ở rừng. Ngoài ra, số lượng công trình, chiều cao công trình như thế nào ngành Lâm nghiệp mới xác định được vì đó là dự án thực hiện trên cơ sở thuê môi trường rừng. Sở NN-PTNT cần khảo sát lại vị trí xây dựng có phù hợp với môi trường rừng hay không, đánh giá vị trí để có sự thống nhất trước khi đề xuất lãnh đạo tỉnh xem xét. Đồng thời, công trình phải có vị trí, quy mô, chiều cao cụ thể.

Theo Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Thế Vinh, dự án du lịch đã phát sinh một số vấn đề, do đó cần xem xét lại trước khi chủ rừng và nhà đầu tư ký kết thuê môi trường rừng. Cần xác định rõ thuê môi trường rừng và thuê đất là 2 khái niệm khác nhau. Do đó, nếu dự án có các công trình, hạng mục thì phải xem xét kỹ hơn, vì chỉ cần có dấu hiệu xây dựng bất kỳ một công trình nào trên đất rừng dù bằng vật liệu gì thì đã xác định công trình đó có vị trí, hình thể trên đất, đồng nghĩa với việc liên quan đến Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp và các quy định khác. Lúc đó, công trình trở nên phức tạp khi áp dụng các quy định.

* Tìm hướng đi cho dự án

Theo ông Đoàn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty CP The Coi Đồng Nai, công ty đã đề nghị tỉnh xem xét giải quyết những khó khăn liên quan đến công tác thẩm định và phê duyệt Dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí tại BQL rừng phòng hộ Tân Phú. Cụ thể là thực hiện các tuyến đường liên kết những điểm thuê môi trường rừng; xử lý thủ tục xây dựng; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; phương án xử lý khu đất thương mại dịch vụ theo quy định. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của sở, ngành, công ty sẽ điều chỉnh, bổ sung để sớm ký kết thuê dịch vụ môi trường rừng với đơn vị chủ rừng.

Đề án du lịch hướng đến nhiều giá trị, lợi ích về kinh tế, văn hóa, tạo việc làm cho từ 1-2 ngàn lao động địa phương và lân cận. Đề án chú trọng phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, tạo điều kiện, hỗ trợ dân cư địa phương phát triển hạ tầng tại các khu vực có tiềm năng.

Đại diện các sở, ngành cho rằng, họ chỉ có ý kiến liên quan đến lĩnh vực quản lý khi dự án đi vào triển khai, thực hiện. Dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí hiện còn nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến xây dựng các công trình.

Để tháo gỡ vướng mắc trên, các sở, ngành đề nghị chủ đầu tư và đơn vị quản lý rừng cùng bàn bạc, rút bớt các công trình dự kiến thực hiện trong rừng theo đề án đã được duyệt, sau khi điều chỉnh sẽ trình UBND tỉnh bổ sung cập nhật lại theo đúng các quy định.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi cho biết, sở sẽ tổng hợp các ý kiến của các sở ngành liên quan về dự án. Sau đó, Sở NN-PTNT sẽ tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tháo gỡ nhanh những vướng mắc liên quan đến dự án, song phải phù hợp với các quy định của pháp luật.

Ngọc Liên

 

Tin xem nhiều