Báo Đồng Nai điện tử
En

Tỷ giá USD liên tục biến động

Lam Phương
08:36, 24/10/2023

Tỷ giá USD liên tục biến động trong thời gian qua, có thời điểm giá USD tăng nóng trên thị trường, nhất là ở thị trường tự do. Điều này ảnh hưởng nhiều tới các doanh nghiệp (DN) xuất - nhập khẩu, đầu tư tài chính…

Tỷ giá USD liên tục có nhiều biến động trong thời gian gần đây. Ảnh: L.Phương
Tỷ giá USD liên tục có nhiều biến động trong thời gian gần đây. Ảnh: L.Phương

Tỷ giá USD trung tâm vào ngày 20-10 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam công bố ở mức 24.110 đồng/USD, tăng 51 đồng/USD so với đầu tháng 10-2023.

* Giá USD tăng cao

Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian gần đây, có thời điểm giá USD ở chiều bán ra tại các ngân hàng vượt mốc 24.700 đồng/USD, mức giá cao nhất từ đầu năm 2023 đến nay.

Đơn cử, vào sáng 20-10, tại Vietcombank, giá USD mua vào là 24.360 đồng/USD và bán ra 24.730 đồng/USD, tăng 240 đồng/USD so với thời điểm đầu tháng 10-2023. Tương tự, tại VietinBank, ghi nhận giá USD ở chiều mua vào là 24.310 đồng/USD và bán ra 24.730 đồng/USD, tăng 170 đồng/USD. Tại Techcombank, giá USD mua vào ở mức 24.388 đồng/USD và bán ra ở mức 24.730 đồng/USD, tăng khoảng 180 đồng/USD so với đầu tháng 10 vừa qua.

Theo nhiều DN, tỷ giá tăng cũng khiến cho DN đối mặt với nhiều hệ lụy liên quan như: chi phí vận chuyển, container hàng nhập khẩu bị đội lên; giá nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng tăng. Điều này khiến giá thành sản xuất tăng, nhiều DN phải gồng mình gánh lỗ trong khi chờ đợi tỷ giá “hạ nhiệt”.

Trong khi đó, tỷ giá USD trên thị trường tự do ghi nhận trong tuần qua ở mức cao. Tại các tiệm vàng lớn ở TP.Biên Hòa, đồng USD giao dịch (mua vào - bán ra) phổ biến quanh mức 24.400-24.800 đồng/USD. Theo anh N.L., nhân viên một tiệm vàng gần khu vực chợ Biên Hòa (TP.Biên Hòa), thời điểm này người dân tranh thủ đi bán USD vì đang “được giá”, nhiều người cho rằng thời điểm cuối năm khi kiều hối về nhiều, giá USD sẽ “giảm nhiệt” hơn.

* Nhiều tác động

Thông thường, tỷ giá tăng sẽ tác động lớn đến các hoạt động thương mại, dịch vụ. Các loại hàng hóa nhập khẩu sẽ đội thêm chi phí khiến sản phẩm trong nước tăng theo, áp lực sẽ đẩy về phía người tiêu dùng.

Tại Đồng Nai, nhiều mặt hàng chủ lực như: giày dép, dệt may, máy móc thiết bị, máy tính và linh kiện… phải nhập khẩu nguyên liệu từ 40-80%. Do đó, giá USD liên tiếp leo thang khiến giá thành sản xuất, giá vận chuyển hàng hóa xuất khẩu tăng 3-5%.

Bà N.T.D., chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh hàng nhập khẩu ở P.Tân Hòa (TP.Biên Hòa) cho biết, thường dịp này cửa hàng đã rục rịch chuẩn bị lên kế hoạch nhập hàng hóa, đồ dùng cho mùa mua sắm cuối năm, mùa Tết sắp tới. Tuy nhiên, tỷ giá USD gần đây tăng nhanh và mạnh, buộc cửa hàng phải tính toán kỹ, vì 100% hàng hóa kinh doanh của cửa hàng đều là hàng nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ nên tỷ giá có tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh buôn bán.

“Sức mua trong năm nay khá chậm vì kinh tế suy giảm, người dân thắt chặt chi tiêu, trong khi giá nhập hàng tăng vì tỷ giá USD tăng mạnh, khiến việc mua hàng khó khăn hơn. Tôi dự kiến sẽ nhập ít hàng phân khúc cao cấp, vì nhóm này có nguy cơ rủi ro cao; hàng tiêu dùng tầm trung vẫn nhập nhưng giảm khoảng 30%. Đồng thời, hàng bán tới đâu nhập tới đó, không trữ hàng nhiều để tránh tồn kho, tránh mất giá vì tỷ giá biến động mạnh” - bà D. chia sẻ.

Biến số tỷ giá không những tác động đến các khoản nợ vay của các DN, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhóm DN xuất - nhập khẩu. Nguyên nhân khiến các DN phải ghi nhận các khoản lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá thường đến từ việc tỷ giá thay đổi giữa thời gian ghi nhận giao dịch và thời gian thanh toán thực tế.

Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng chia sẻ, khi giá USD tăng mạnh thì hoạt động nhập khẩu nhiều mặt hàng, nguyên, vật liệu đầu vào của các DN phải gánh thêm một khoản chi phí để bù đắp khoản chênh lệch do biến động này. Ngoài ra, khi giá USD tăng thì chi phí về nhiên liệu, vận tải cũng tăng theo, trong khi đơn hàng cuối năm hiện vẫn chưa phục hồi sau những khó khăn của tình hình kinh tế.

Lam Phương

Tin xem nhiều