Báo Đồng Nai điện tử
En

Ứng dụng công nghệ để phát triển sản xuất hàng hóa

Bình Nguyên
08:29, 24/10/2023

Những năm qua, ngành Nông nghiệp Đồng Nai tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với lợi thế từng vùng và thị trường. Trong đó, tỉnh khuyến khích đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp trên cơ sở tổ chức lại sản xuất và triển khai có hiệu quả các chính sách kích cầu đối với cơ giới hóa (CGH) nông nghiệp; đẩy mạnh công nghiệp chế tạo máy, thiết bị phục vụ nông nghiệp.

Nông dân đầu tư máy thu hoạch lúa góp phần giảm chi phí trong sản xuất. Ảnh: B.Nguyên
Nông dân đầu tư máy thu hoạch lúa góp phần giảm chi phí trong sản xuất. Ảnh: B.Nguyên

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động thu hút, khuyến khích nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX và nông dân tích cực nghiên cứu, áp dụng khoa học - công nghệ, cơ giới vào sản xuất.

* Nhiều chính sách hỗ trợ

Sở NN-PTNT chủ động phối hợp với các ban, ngành, địa phương tham mưu tổ chức triển khai các chỉ đạo, văn bản phát triển CGH triển khai thực hiện đề án Đẩy mạnh CGH, giảm tổn thất trong nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tạo động lực tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong thời gian qua đã được ứng dụng rộng rãi và đa dạng.

Triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ cơ giới trong sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, các ngành chức năng của tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện một số mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về ứng dụng CGH trong sản xuất nông nghiệp thông qua việc lồng ghép các hoạt động khuyến nông, khuyến công, chương trình xây dựng nông thôn mới…

Cụ thể, chương trình đề án phát triển kinh tế trang trại đã thực hiện hỗ trợ 98 mô hình CGH nông nghiệp, bảo quản chế biến với tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ hơn 2,8 tỷ đồng. Chương trình đề án xây dựng và phát triển HTX Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ mô hình CGH nông nghiệp, bảo quản nông sản cho 43 HTX nông nghiệp với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Chương trình khuyến công đã hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến áp dụng trong sản xuất cho 10 cơ sở công nghiệp nông thôn áp dụng trong sản xuất chế biến thực phẩm, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, tổng kinh phí hỗ trợ gần 2,8 tỷ đồng. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, toàn tỉnh có 65 khách hàng được vay vốn với tổng doanh số cho vay hơn 41,5 tỷ đồng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI đánh giá cao sự cố gắng của các sở, ngành, đơn vị, chính quyền địa phương và nông dân chủ động ứng dụng CGH, tự động hóa vào sản xuất; góp phần thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ CGH nông nghiệp ở nông thôn. Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ các hoạt động thu hút, khuyến khích nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX và nông dân tích cực nghiên cứu, áp dụng khoa học - công nghệ, cơ giới vào sản xuất; ưu tiên phát triển tổ dịch vụ cơ giới nông nghiệp đến từng xã; quan tâm đầu tư CGH trong công nghệ bảo quản sau thu hoạch, trong chế biến nông sản. Ngành Ngân hàng hỗ trợ trong tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho CGH.

* Thành quả bước đầu

Kết quả, phục vụ sản xuất nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm sản toàn tỉnh hiện có khoảng 257,5 ngàn máy móc, thiết bị. Trong lĩnh vực trồng trọt hiện nay từ khâu làm đất cho đến khâu thu hoạch đã dần được CGH, đáp ứng cho khoảng 90% diện tích. Riêng đối với cây lúa, 100% diện tích đất trồng lúa đã được sử dụng các loại máy móc, thiết bị để làm đất. Các loại máy xay xát và máy thu hoạch đáp ứng trên 65% nhu cầu sản xuất; đã ứng dụng thiết bị máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật. Các loại cây trồng chủ lực ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây trồng gần 58 ngàn ha.

Đồng Nai là một trong những vùng chăn nuôi quy mô công nghiệp trọng điểm của cả nước, do đó các đối tượng sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi có nhiều cơ hội để tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới. Tỷ lệ CGH trong khâu chế biến thức ăn gia súc đạt trung bình 60%; hệ thống làm mát chuồng đạt 50%; có 21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín.

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Thắng, qua nhiều năm triển khai thực hiện, chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đã được các sở, ngành, địa phương triển khai tích cực, đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của sản xuất nông nghiệp và nhận được sự đồng tình cao của bà con nông dân. Việc triển khai chính sách tín dụng đã giúp các hộ dân, HTX, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc thực hiện CGH trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng bảo quản sau thu hoạch đối với các lĩnh vực trồng trọt, rau quả và thủy sản, giảm bớt thời gian lao động, nâng cao hiệu quả công việc, giảm bớt chi phí nhân công, từ đó nâng cao sản lượng và giá trị, hạn chế tổn thất trong sản xuất nông nghiệp. Chính sách hỗ trợ cũng tạo điều kiện khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở cơ khí chế tạo máy trong nước đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Thông qua nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại đã có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất, thúc đẩy phát triển thị trường, phục vụ sản xuất nông nghiệp, hình thành phát triển các vùng sản xuất hàng hóa lớn, khu chăn nuôi tập trung, phát triển giao thông, thương mại, dịch vụ góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều