Báo Đồng Nai điện tử
En

Thay đổi diện mạo cho đô thị Biên Hòa

Phạm Tùng
07:40, 20/01/2024

Hình thành đô thị có biểu trưng, có không gian xanh, các công trình tiện ích công cộng và khai thác hiệu quả cảnh quan đặc trưng dọc các tuyến sông, đặc biệt là dọc sông Đồng Nai là những mục tiêu được đơn vị tư vấn đưa ra trong phương án thiết kế đô thị tại Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa đến năm 2045.

Đô thị Biên Hòa hiện có rất ít các công trình xây dựng cao tầng để tạo điểm nhấn
Đô thị Biên Hòa hiện có rất ít các công trình xây dựng cao tầng để tạo điểm nhấn

Phương án này hướng đến mục tiêu tạo được sự chuyển biến, thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống, văn minh, hiện đại.

Đô thị chưa có bản sắc

TP.Biên Hòa là đô thị trung tâm của tỉnh, đồng thời là một trong các trung tâm công nghiệp, văn hóa, thương mại - dịch vụ, khoa học - công nghệ và đào tạo, đầu mối giao lưu quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như vùng Đông Nam bộ. Biên Hòa cũng là một thành phố lớn nằm ở cửa ngõ Đông Bắc của TP.HCM có vai trò đô thị đối trọng, hỗ trợ cho đô thị hạt nhân vùng là TP.HCM và là một trong ba cực của tam giác tăng trưởng TP.HCM - Đồng Nai - Vũng Tàu. Trong giai đoạn phát triển từ năm 2016 đến nay, Biên Hòa bước vào một vị thế mới là thành phố loại I trong hệ thống các thành phố của vùng Đông Nam bộ.

Tuy nhiên, trên thực tế, do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh nên đến nay, nhiều chỉ tiêu trong phát triển đô thị của TP.Biên Hòa vẫn chưa đáp ứng được. Ngoài ra, về mặt kiến trúc, không gian cảnh quan đô thị, TP.Biên Hòa vẫn được đánh giá là một đô thị chưa tạo dựng được các điểm nhấn, bản sắc riêng.

Đối với trục cảnh quan dọc sông Đồng Nai, đơn vị tư vấn đưa ra định hướng phát triển không gian là các khu đô thị sinh thái, công viên vui chơi giải trí với mật độ thấp, hài hòa với thiên nhiên.

Ông Đỗ Khôi Nguyên, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho hay, thực tế quá trình phát triển đô thị Biên Hòa xuất hiện một số bất cập, mâu thuẫn, đặc biệt sau khi thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đô thị loại I.

Về phía đơn vị tư vấn lập Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa đến năm 2045 cũng cho rằng, cơ cấu quy hoạch đô thị hiện nay của TP.Biên Hòa là chưa hợp lý. Nguyên nhân là do trên địa bàn thành phố có các khu quốc phòng lớn, các khu công nghiệp lớn bị phân tán nên hạn chế việc mở rộng phát triển đô thị và hình thành cơ cấu quy hoach hợp lý. Vùng ngoại thành chỉ có 1 xã gây khó khăn trong việc bố trí công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật và tạo lập vành đai xanh. Bên cạnh đó hệ thống các trung tâm phục vụ công cộng và các trung tâm chuyên ngành được bố trí phân tán, thiếu hệ thống và chưa đồng bộ, chưa có trung tâm lớn cấp vùng và tỉnh. Việc tổ chức và phát triển khu dân dụng còn nhiều bất cập.

Ngoài các điểm hạn chế nói trên, một “điểm yếu” trong quá trình phát triển đô thị Biên Hòa chính là việc thiếu các không gian cảnh quan đô thị cũng như các công trình tạo điểm nhấn đô thị.

Kiến trúc sư Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho rằng, TP.Biên Hòa là đô thị loại I, tuy nhiên, đi khắp thành phố thì rất khó để tìm được một công trình kiến trúc mang được nét đặc trưng riêng, tạo điểm nhấn. “Một đô thị phải có một trục đường, quảng trường hoặc công trình kiến trúc nào đó mang bản sắc riêng để không bị na ná với các đô thị khác. Chúng ta đã đầu tư nhiều nhưng chưa có được công trình nào tạo điểm nhấn, mang được nét đặc trưng riêng của đô thị Biên Hòa” - kiến trúc sư Lý Thành Phương chia sẻ.

Làm mới đô thị Biên Hòa

Trong Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa đến năm 2045 đang được triển khai thực hiện, đơn vị tư vấn xác định, về tính chất, đô thị Biên Hòa đóng vai trò là đô thị hạt nhân trong vùng và trong tỉnh. Đồng thời, sẽ được bổ sung tính chất trọng điểm về dịch vụ, du lịch và đổi mới sáng tạo của vùng và tỉnh. Xác định rõ vai trò đầu mối giao thông quan trọng của vùng thông qua đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai TP.HCM.

Khu vực dọc các tuyến sông chính được định hướng trở thành không gian phát triển vùng cảnh quan thiên nhiên cho đô thị Biên Hòa
Khu vực dọc các tuyến sông chính được định hướng trở thành không gian phát triển vùng cảnh quan thiên nhiên cho đô thị Biên Hòa

Từ mục tiêu đó, trong phương án thiết kế đô thị, đơn vị tư vấn cũng đưa ra phương án xây dựng các vùng kiến trúc, cảnh quan bao gồm: vùng cảnh quan thiên nhiên và vùng cảnh quan nhân tạo.

Trong đó, vùng cảnh quan thiên nhiên là khu vực dọc các hệ thống sông Đồng Nai, sông Cái, sông Buông, các không gian xanh lớn, khu vực cù lao Hiệp Hòa và các vùng sinh thái ngập nước, công viên cây xanh, công viên rừng trồng.

Vùng cảnh quan nhân tạo sẽ là các khu chức năng và các trung tâm chuyên ngành, các khu vực cửa ngõ đô thị, các công trình điểm nhấn trong đô thị.

Đối với khung thiết kế đô thị, đô thị Biên Hòa sẽ được phân chia 3 không gian phát triển là không gian các khu trung tâm; cửa ngõ đô thị và các trục không gian chính. Trong đó, không gian các khu trung tâm sẽ được định hướng phát triển dọc các tuyến phố chính, trung tâm khu đô thị. Cùng với đó, sẽ hình thành các cửa ngõ chính của đô thị phù hợp với các tuyến giao thông đối ngoại quan trọng của thành phố. Tạo dựng hình ảnh ấn tượng, hấp dẫn cho các khu vực này, tổ chức thiết kế đô thị riêng cho các cửa ngõ đô thị nhằm tạo được ấn tượng - hình ảnh đô thị.

Các trục, tuyến không gian chính được thiết kế tạo cảnh quan hấp dẫn, với các tiện ích công cộng thông minh, hiện đại, sinh thái, dễ tiếp cận, có hình ảnh đặc trưng riêng theo từng đoạn tuyến. Các trục cảnh quan dọc các trục đường chính đô thị sẽ định hướng xây dựng các công trình có tính chất thương mại - dịch vụ, công trình công cộng, vui chơi giải trí.

Một điểm mới trong phát triển đô thị Biên Hòa được đơn vị tư vấn đưa ra là đề xuất đầu tư xây dựng thêm các tòa nhà cao tầng nhằm tạo không gian đô thị hiện đại.

Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho rằng, việc định hướng xây dựng thêm các tòa nhà cao tầng là phù hợp với mục tiêu phát triển đô thị. Bởi hiện nay, TP.Biên Hòa dù là một thành phố lớn nhưng lại có rất ít các tòa nhà cao tầng...

Phạm Tùng

Tin xem nhiều