Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiến dịch Mậu Thân ở mặt trận Đồng Nai

Lâm Viên
07:34, 20/01/2024

Khi Mỹ tiến hành chiến lược Chiến tranh cục bộ ở miền Nam lên đỉnh cao nhất, thì những thắng lợi từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Quân dân Đồng Nai - “Miền Đông gian lao mà anh dũng” đã nhất tề hưởng ứng chủ trương của Trung ương Cục miền Nam, cùng với Sài Gòn và các đô thị lớn ở miền Nam viết nên những bản hùng ca oai hùng và thấm đẫm chất bi tráng. 56 mùa xuân đã qua đi, nhưng những tấm gương tập thể và cá nhân anh hùng với những hành động anh hùng mãi mãi đi vào sử sách của dân tộc, cùng hồn thiêng sông núi…

Tượng đài chiến thắng sân bay Biên Hòa - một địa chỉ đỏ ngay trung tâm thành phố
Tượng đài chiến thắng sân bay Biên Hòa - một địa chỉ đỏ ngay trung tâm thành phố

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 ở Biên Hòa có ý nghĩa lớn, góp phần buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán Paris, làm thất bại chiến lược Chiến tranh cục bộ và từng bước xuống thang chiến tranh tại Việt Nam. Điểm lại một số mặt trận tiêu biểu ở chiến trường Biên Hòa - Đồng Nai trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 để thấy rằng trong bối cảnh tương quan lực lượng và phương tiện chiến đấu của ta ít hơn Mỹ và tay sai nhiều lần, nhưng với quyết tâm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cách mạng đã tổ chức nhiều đợt tấn công vang dội, tạo tiếng vang trong và ngoài nước, làm tiêu hao một lượng lớn sinh lực, phương tiện, vật chất phục vụ chiến tranh của địch. Khí thế của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 vẫn như còn quanh đây…

Ở sân bay Biên Hòa - cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt

Biên Hòa được Mỹ và chính quyền Sài Gòn biến thành một thị xã “quân sự hóa”, vừa là hậu phương trực tiếp, là căn cứ an toàn, là tuyến phòng thủ phía Đông Bắc Sài Gòn mà địch cho rằng “Việt cộng không thể xâm nhập và tồn tại được”, vừa là cơ quan chỉ huy đánh phá cách mạng ở miền Đông Nam bộ.

Trên địa bàn Biên Hòa có sân bay Biên Hòa - một trong những sân bay quan trọng, hiện đại nhất của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, được hệ thống phòng thủ kiên cố, nhiều lớp. Từ sân bay Biên Hòa, không quân Mỹ - Sài Gòn mang bom đạn đi phục vụ càn quét, gây nhiều tội ác với đồng bào miền Nam.

Bảo tàng TP.HCM đã tổ chức chuyên đề triển lãm 55 năm ký ức Mậu Thân 1968 trong năm 2023 vừa qua. Triển lãm giới thiệu đến công chúng trên 200 hình ảnh, tư liệu, hiện vật gắn liền với các nhân vật, sự kiện trong từng mảng hoạt động của các lực lượng cách mạng ở Sài Gòn - Gia Định, góp phần làm sống lại ký ức hơn nửa thế kỷ về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Tại Biên Hòa, đúng vào giờ G (0 giờ) đêm 30 Tết Mậu Thân (ngày 31-1-1968), pháo tên lửa ĐKB của Trung đoàn 274, pháo binh Miền bắt đầu nổ súng rền vang báo hiệu cho cuộc tổng công kích. Trên 100 quả đạn liên tục bắn phá vào sân bay Biên Hòa, gây thiệt hại nặng cho sân bay, máy bay địch không thể cất cánh được. 

Lúc này, Đại đội 1 Đặc công U1 Biên Hòa và Trung đoàn 4 chủ lực miền đồng loạt nổ súng, đánh chiếm một góc sân bay Biên Hòa. Do lạ địa hình, nhiều đơn vị của Trung đoàn 4 bị lạc đội hình, không vào được sân bay; trong khi đó, địch phản công, máy bay lên thẳng Mỹ từ Bộ Tư lệnh dã chiến 2, từ sân bay Tân Sơn Nhất cất cánh lên phản kích mãnh liệt; các đơn vị xe tăng Mỹ từ Hóc Bà Thức kép lên hàn kín các lối ra.

Thư chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1968
Thư chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1968

Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt khi Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 Đặc công U1 Biên Hòa với lực lượng ít phải bám trụ để vừa chống trả máy bay, vừa chống trả lực lượng bộ binh, xe tăng địch đang siết chặt vòng vây. Phía ta đã dùng thủ pháo dù ném thẳng vào những chiếc máy bay của địch đang nằm trên sân, phá hủy 120 máy bay các loại. Đại đội 1 còn tiến vào được khu cư xá của giặc lái, chuyên viên kỹ thuật Mỹ, diệt và làm bị thương hàng trăm tên. Cuộc chiến đấu ác liệt, cam go và thiệt hại vô cùng nặng nề khi tập thể Đại đội 1 đã hy sinh, chỉ còn 2 chiến sĩ trở về.

Vụ nổ chấn động ở Tổng kho Long Bình

Sáng mùng 1 Tết (ngày 1-2-1968), ở khu vực Long Bình - nơi đặt kho hậu cần lớn nhất của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, dự trữ các loại bom đạn được đưa từ Mỹ sang để mang đi đánh phá phong trào cách mạng ở các nơi và được tổ chức một hệ thống phòng thủ vô cùng chặt chẽ, nhiều lớp, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 5 và đặc công Sư đoàn 5 tấn công vào bãi đậu trực thăng của Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh dã chiến 2, phá hủy nhiều máy bay trực thăng.

Người dân xem các tư liệu, hình ảnh tại triển lãm
Người dân xem các tư liệu, hình ảnh tại triển lãm

Còn ở hướng Bắc Tổng kho Long Bình, một đại đội của Tiểu đoàn 2 Đặc công U1 Biên Hòa do đồng chí Trần Văn Thái chỉ huy đã đột nhập vào kho Long Bình ở cao điểm 53, dùng thuốc nổ phá hủy 127 dãy nhà kho chứa bom, đạn của Mỹ. Tiếng nổ và đám cháy trong trận đánh này được ghi lại là kéo dài nhiều ngày liền, làm chấn động thị xã Biên Hòa và các vùng lân cận.

Trước khi tiến công đợt 2, thị xã Biên Hòa vẫn được Bộ Chỉ huy Miền xác định là một trong những địa bàn trọng điểm ở Đông Nam bộ nên đã cử hai cánh trinh sát điều nghiên nhưng đều bị phát hiện và hy sinh.

Vào đợt 3 của đợt tổng tiến công (tháng 8-1968), tại thị xã Biên Hòa trong các ngày 22, 23 và 30-8, pháo binh miền phối hợp với đặc công U1 Biên Hòa tiếp tục tấn công vào sân bay, kho Long Bình và Bộ Chỉ huy dã chiến 2, diệt nhiều phương tiện chiến tranh của địch.

Ở Đồng Nai, ngoài mặt trận Biên Hòa, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 còn nổ ra ở nhiều mặt trận khác như: Xuân Lộc - Long Khánh, Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu… Như trong đợt 1, sau 1 ngày tiến công quyết liệt ở mặt trận Biên Hòa, Trảng Bom; Hưng Lộc, Dầu Giây, Long Thành, Nhơn Trạch và tại chi khu Công Thành H.Vĩnh Cửu, lực lượng cách mạng đã tiêu diệt gần 10 ngàn quân Mỹ cùng tay sai; phá hủy làm hư hỏng 120 máy bay, hàng chục xe tăng, 127 kho bom cùng nhiều phương tiện chiến tranh. Dù vậy, ta cũng tổn thất đáng kể như trong đợt 2 của đợt Tổng tiến công khi Sư đoàn 5 có đến 1.600 chiến sĩ thương vong; lực lượng Đặc công U1 Biên Hòa có đến 500 chiến sĩ thương vong.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 của quân dân các địa phương đã chia lửa với các chiến trường, góp phần cùng quân dân toàn miền Nam gây cho địch những tổn thất nặng nề, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

Lâm Viên

Đồng chí PHAN VĂN TRANG, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa, nguyên Phó chính ủy Mặt trận Biên Hòa thời điểm ấy, trong nguồn sử liệu của tỉnh, cho biết: “Chiều 30 Tết Mậu Thân năm 1968, tại bìa rừng Sông Mây (Trảng Bom), sau khi quán triệt lần cuối mục đích, ý nghĩa của trận đánh, các lực lượng tham gia chiến dịch nhận lệnh hành quân tiến về các mục tiêu đã vạch trước. Đúng giờ giao thừa 0 giờ đêm 30 Tết nhằm ngày 31-1-1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đã diễn ra đồng loạt ở 36/44 tỉnh của miền Nam Việt Nam. Cuộc tổng tấn công đã thực sự làm rung chuyển Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, làm đảo lộn hoàn toàn thế chiến lược của Mỹ, đẩy địch vào thế bị động, bế tắc trên chiến trường, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, tìm một giải pháp thương lượng hòa bình với ta tại bàn đàm phán”.

Tin xem nhiều