Báo Đồng Nai điện tử
En

Hẹn với mùa Xuân

20:25, 08/02/2024

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về cũng là khi chúng ta kỷ niệm một sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc - Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Một sự trùng hợp hay và đẹp như cùng hẹn trước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người ở căn cứ Việt Bắc
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người ở căn cứ Việt Bắc

Xuân mới đang gõ cửa mọi nhà. Trời trong, mây nõn soi mình trên dòng sông Đồng Nai xanh thẳm, dòng sông bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên và ôm trọn trong vòng tay ấm cù lao Phố. Ai đó nói điểm hẹn của mùa Xuân là nơi gặp nhau của đất trời mây nước - ấy là nói về không gian. Còn có sự hẹn nhau trong tâm tưởng, trong khát vọng - ấy là ký ức lịch sử hào hùng về đất nước, dân tộc, về Đảng Cộng sản Việt Nam; về vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai hơn 325 năm hình thành và phát triển. Và hôm nay, Tết đến, Xuân về, cũng là khi chúng ta kỷ niệm một sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc. Một sự trùng hợp hay và đẹp như cùng hẹn trước, Giáp Thìn đến cùng với 94 mùa Xuân có Đảng.

Trong nắng ấm ngày Xuân, trong “tiết” kỷ niệm Ngày thành lập Đảng, chúng tôi suy ngẫm nhiều hơn về sự làm mới của thiên nhiên, đất trời, của mỗi tổ chức, cộng đồng và mỗi con người. Làm mới là một quy luật vĩnh hằng để tồn tại và phát triển. Trong đứng im có vận động. Trong vận động có sự chuẩn bị cho sự tiếp nối, đặng làm mới hơn những mùa Xuân mơ ước trong thời toàn cầu hóa.

Ngay từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ta, tháng 2-1930, đã thể hiện sự làm mới ấy. Cương lĩnh chỉ rõ những nhiệm vụ trước mắt, bám sát định hướng lớn là cách mạng dân tộc dân chủ Việt Nam tất yếu đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng đó, tầm nhìn xa đó, cho đến hôm nay, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2001) tiếp tục khẳng định con đường đi tới vì một đất nước hùng cường, dân giàu nước mạnh, người dân trên dải đất hiền hòa bên bờ sóng có chỉ số hạnh phúc ngày càng cao. Cái chỉ số ấy đòi hỏi sự kiên trì, liên tục loại trừ, xóa bỏ những gì cũ kỹ, xơ cứng. Bác Hồ của chúng ta ngay từ khi nước nhà giành độc lập đã nêu lên chân lý: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (“Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” - Báo Cứu quốc, số 69, ngày 17-10-1945).

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày 15-1-2024. Ảnh: TTXVN
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày 15-1-2024. Ảnh: TTXVN

Dù khi cách mạng còn trong trứng nước, hay khi đã thành công, Đảng nghĩ rộng, nghĩ xa về những bước đi, những chặng đường sắp tới. Cùng với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, luôn chăm lo giữ gìn cơ thể Đảng khỏe mạnh, cường tráng, để gánh trên vai sứ mệnh vẻ vang của dân tộc. Tư tưởng đổi mới và chỉnh đốn Đảng đã có từ rất sớm. Cuối năm 1947, sau 2 năm chính thể Việt Nam mới non trẻ, Bác Hồ đã thấy đây đó tệ lạm dụng quyền lực. Người viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc vào tháng 10 năm ấy, lần đầu tiên Bác dùng từ “chỉnh đốn Đảng”.  Cho đến trước khi đi “gặp Cụ Các Mác, Cụ Lênin”, Bác vẫn đau đáu về việc làm sao để Đảng ta thật sự trong sạch, xứng đáng là đạo đức, là văn minh. Trong đoạn văn ngắn chỉ có 57 từ của Di chúc, Bác đã dùng tới bốn chữ thật: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

 Ghi sâu lời dạy của Người, 3 đại hội gần đây, Đại hội XI, XII và XIII của Đảng, trong năm thứ nhất của nhiệm kỳ, Ban chấp hành Trung ương đều dành riêng một nghị quyết - Nghị quyết lần thứ 4 - về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Còn Nghị quyết Đại hội XIII nhấn mạnh trong một câu, có thể xem như một Tuyên ngôn của Đảng trong giai đoạn hiện nay: “Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện”.

Tại hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (tháng 5-2023), trong bài phát biểu bế mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là quy hoạch cán bộ cấp chiến lược: “Sớm xem xét, quyết định một bước quy hoạch Ban chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026-2031, làm cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với những cán bộ đã được đưa vào quy hoạch; nếu phát hiện có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì phải kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch”.

Cái mới trong công tác xây dựng Đảng là chỉnh đốn Đảng gắn liền với chỉnh đốn hệ thống chính trị, chống tham nhũng đi liền với chống tiêu cực; xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đồng thời chú ý xây dựng Đảng về văn hóa, đạo đức. Các nhà nghiên cứu đã phân tích kỹ điều này. Trong ngày Xuân, thiển nghĩ, không nên nói quá nhiều đến những khoảng tối, đến những vết thương cứ trở trời lại nhức buốt. Biện chứng ở đây là, thấy rõ căn bệnh trầm kha ấy và dũng cảm loại bỏ những khối u, những nhọt bọc chìm sâu trong thịt, trong da. Nhưng điều cơ bản nhất, cần thiết nhất là làm cho cơ thể khỏe lên, đủ sức đề kháng các loại virus nguy hại, độc tố xâm nhập từ bên ngoài. 

Điều ta hiểu biết chính là điều ta đã trải qua. Những cái tưởng như cũ kỹ nhưng sẽ luôn mới, khi mỗi người, mỗi tổ chức luôn nhận thấy cái hữu hạn của mình, tự làm mới mình mỗi ngày. Xây và chống tuân theo quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội, nó luôn cần đào thải và tiếp nhận nguồn năng lượng mới. Đảng ta nói đó là quy luật tồn tại và phát triển. Xây và chống không bó hẹp trong phạm vi tự phê bình và phê bình. Cao hơn, đó là làm giàu trí tuệ, làm giàu tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Thương yêu thật lòng thì nói rõ cho nhau biết điều đồng chí mình sai, mình lầm tưởng, thôi đừng vuốt ve, nịnh bợ. Đi liền với câu “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, người xưa nói “Dĩ chúng tâm, vi kỷ tâm”, nghĩa là lấy dân chúng làm tâm của mình, lấy lợi ích của mọi người làm lợi ích của mình, để gạt bỏ tham, sân, si.

Trung ương đã chỉ rõ những sai lầm, khuyết điểm đó trong các quy định gần đây: về sự nêu gương của cán bộ, đảng viên; về 19 điều Quy định đảng viên không được làm; về tiếp tục kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức, cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát; về việc miễn nhiệm, từ chức của cán bộ... Chưa bao giờ Đảng ta tập trung “luật hóa” đường lối, chủ trương cụ thể, thiết thực như thế, trong đó chú trọng các giải pháp thực hiện - giải pháp khả thi - đã quy định thì phải làm bằng được, không để “quyết tâm” ngủ quên trên bàn làm việc. Rồi trong quá trình luật hóa như thế, cái sai nào, cái xấu nào đã rõ thì xử lý ngay, không có sự nương nhẹ, chiếu cố, ngoại lệ. Cố nhiên, luật không thể nào phủ kín mọi ngóc ngách đời sống. Từ thế kỷ XIX, nhà lãnh đạo của nước Đức Otto von Bismarsk từng nói: “Luật chưa hoàn hảo mà quan chức có lương tâm thì vẫn tốt hơn là có luật hoàn hảo mà quan chức bất lương”.

Chúng ta dễ thống nhất một điều, việc phải đề ra quy định  “cấm” chuyện nọ chuyện kia cũng nhằm tạo ra dư địa rộng hơn, ủng hộ cán bộ dám nghĩ, dám làm, đi liền với bảo vệ. Bởi vì người dũng cảm lao ra khỏi “hầm trú ẩn” trách nhiệm cá nhân sẽ dễ bị trở thành “mục tiêu” đầu tiên của đối phương. Nhưng người cán bộ có lương tâm là người cần làm việc lớn, chứ không mộng làm “quan lớn”. Ở đâu cũng rất cần những cán bộ miệng nói tay làm, vội làm không vội hứa. Không có phép màu, cũng như không có cái “vòng kim cô” nào cả, chỉ có lương tâm, trách nhiệm và bản lĩnh. Mỗi tổ chức Đảng từ chi bộ thôn xóm, xưởng máy, xí nghiệp, cơ quan trở lên đều phải làm thật tốt việc bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người trung thực, bảo vệ người dũng cảm đi đầu, bảo vệ bằng sự công tâm và những quy định rất rõ chức trách, quyền hạn. Cầu toàn quá cũng dễ làm nảy sinh tư tưởng né tránh. Chớ nhìn mãi vào cái chưa có. Hãy nhìn vào cái đã có.

Đó cũng là điều trăn trở của Tỉnh ủy và các tổ chức Đảng ở Đồng Nai. Đầu năm 2023, Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị về: “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị”. Đây là sự cụ thể hóa các chủ trương, quy định của Trung ương, phù hợp với tình hình trong tỉnh: “Từng cán bộ chủ chốt phải dành thời gian đi cơ sở, bám sát địa phương, đơn vị được phân công phụ trách, thực hiện tốt các chế độ thông tin báo cáo; nắm chắc tình hình, chỉ đạo sâu sát, giúp các đơn vị, địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đề ra”; “Rà soát đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, kiên quyết miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ thiếu gương mẫu, làm việc kém hiệu quả”.

Có chuyên gia về chính trị học cho rằng, như thế là Đồng Nai đã có một triết lý hành động trong công tác Đảng. Nói giản dị hơn, cái triết lý ấy là: nói đi đôi với làm, nói hay về đạo đức không bằng thực hành đạo đức. Thì đây, bản Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quy định rõ về những việc cần làm, cần thay đổi phương pháp điều hành và khả năng hành động; những cái sai cần khắc phục, sửa chữa, bắt đầu từ “cái gốc” là công tác cán bộ.

Đó chính là cái mới, mang tinh thần của mùa Xuân mới. Xuân Giáp Thìn này càng phải mạnh mẽ hơn, mới hơn. Vượt vũ môn, cá chép hóa Rồng.           

      Tùy bút của Hải Đường

Tin xem nhiều