Báo Đồng Nai điện tử
En

Tư duy chiến lược - nhìn từ Biên Hòa

MAI SÔNG BÉ
19:39, 08/02/2024

Nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng - người được các nhà chính trị, giới học thuật gọi là kẻ sĩ Nam bộ, đã từng bày tỏ tình cảm về Biên Hòa: “Với tư cách là một người con khiêm tốn của Biên Hòa, bởi những kỷ niệm sâu sắc thời niên thiếu và học tập trên địa bàn này, với niềm tự hào chính đáng của một địa danh làm vui lòng Tổ quốc bằng những chiến công vang dội núi sông và thế giới...”.

Cảnh đổ nát ở sân bay Biên Hòa sau trận tiến công ngày 31-10-1964
Cảnh đổ nát ở sân bay Biên Hòa sau trận tiến công ngày 31-10-1964

1  Trước năm 1900, ở địa điểm ngày nay là Sở GD-ĐT Đồng Nai là bến tàu của nhà binh Pháp, có mấy chiếc thủy phi cơ lên xuống mỗi ngày. Người Biên Hòa thời ấy gọi là “những cục sắt bay”.

Vào khoảng thập niên 20 của thế kỷ trước, để chuẩn bị cho kế hoạch khai thác thuộc địa lần thứ 2 và răn đe, đàn áp phong trào yêu nước của người Việt Nam, thực dân Pháp tiến hành xây dựng sân bay quân sự rộng 3km2 mang tên sân bay Tân Phong, tọa lạc trên phần đất cao của 2 làng Bình Trước và Tân Phong. Sân bay này chỉ có một đường băng nền đất đỏ dài 600m làm nơi lên xuống của các loại máy bay có từ thời thế chiến 1. Đến khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ 2, họ cho mở rộng sân bay Tân Phong lên 4,2km2 và làm thêm đường bay thứ 2 dài 1.737m, rộng 46m. Từ đây, sân bay này gọi là sân bay Biên Hòa.

Đến khi người Pháp rút quân bàn giao sân bay Biên Hòa cho Việt Nam Cộng hòa, nhưng suốt mấy năm liền thiếu sự chăm sóc nên cỏ phủ đầy như một báo cáo của tỉnh Biên Hòa gửi phủ Tổng thống. Khi người Mỹ đến, phái bộ Viện trợ của Hoa Kỳ đề nghị chính quyền nâng cấp sân bay quân sự, nằm cách Sài Gòn 30km. Vào năm 1961, sân bay được mở rộng lên 20km2 và sau đó, năm 1963, tiếp tục mở rộng lên 49km2, đường băng bằng nhựa bê tông dài 3.050m, rộng 45m và một đường băng khác cũng được nâng lên 1.000m cũng bằng bê tông nhựa. Kèm theo đó là hệ thống điều khiển không lưu - ra đa hiện đại, giúp 2 chiếc máy bay có thể lên xuống cùng một lượt.

2  Ngày 25-10-1964, trong lúc người dân đang họp phiên chợ nổi ở ngã ba Giồng Sắn (nay là xã Phú Đông, H.Nhơn Trạch), nơi tiếp giáp của 3 con sông Ông Kèo, Ông Mai và Thị Vải thì 2-3 chiếc máy bay Skyraider cất cánh từ sân bay Biên Hòa vừa được nâng cấp bay đến bắn phá và ném bom làm chết 536 thường dân vô tội.

Trước đó không lâu, sau khi ngụy tạo câu chuyện vịnh Bắc bộ để Quốc hội Hoa Kỳ ra nghị quyết cho Tổng thống Lyndon B.Johnson lấy cớ ra lệnh ném bom miền Bắc từ Quảng Bình đến Quảng Ninh bằng kế hoạch mang mật danh “Mũi tên xuyên” đã được chuẩn bị từ trước, gây nên biết bao nhiêu tội ác với nhân dân miền Bắc. Lúc này, chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam có dấu hiệu sắp phá sản như nhận định của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi đồng chí Hoàng Văn Thái (Mười Khang): “Với trận Ấp Bắc, Mỹ thấy khó thắng ta, với trận Bình Giã, Mỹ cảm thấy thua ta…” (Thư vào Nam).

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi sĩ quan, phi công Trung đoàn 935 tại sân bay Biên Hòa   Ảnh: Huy Anh
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi sĩ quan, phi công Trung đoàn 935 tại sân bay Biên Hòa. Ảnh: Huy Anh

Theo lời kể của thiếu tướng Lương Văn Nho (Hai Nhã), một người con ruột rà của Biên Hòa: Vào mùa mưa năm 1964, đồng chí Tư Chi, tức thượng tướng Trần Văn Trà, lúc đó là Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam từ Bắc Tây Ninh xuống Chiến khu Đ, giao nhiệm vụ cho pháo binh miền Đông (U80) phải tập kích sân bay Biên Hòa, để góp phần bảo vệ hậu phương miền Bắc, trả thù cho đồng bào bị địch ném bom giết hại ở Giồng Sắn. Dù khó khăn đến cỡ nào cũng phải làm cho kỳ được và phải hoàn thành thắng lợi…

Là một người con ruột rà của Biên Hòa tập kết ra Bắc, sau thời gian học tập về pháo binh, háo hức được trở về miền Nam chiến đấu, nhận nhiệm vụ từ Tư lệnh Miền là một vinh dự lớn nhưng ông Hai Nhã rất lo. Vì đọc tập tài liệu do bên tình báo cung cấp, ông nhận ra sân bay Biên Hòa đã được mở rộng gấp hơn 10 lần so với những gì ông từng biết. Trong khi đó, khi kiểm tra lại “vốn liếng” của lực lượng pháo binh mới thành lập thì: thiếu người, thiếu súng, thiếu đạn…, trong tay chỉ có 2 khẩu cối 81 do Mỹ sản xuất và 2 khẩu cối 82 do Liên Xô sản xuất từ thế chiến thứ 2; đã thế, các máy đo đạc cũ kỹ của Nhật lại thiếu đường ngắm, ống nhòm, la bàn cũng không có, đạn cũng không đủ.

Thế là đạn cũng mượn; la bàn, ống nhòm cũng mượn; đạn 81, 82: mượn và chiếc ghe đưa bộ đội qua sông Đồng Nai cũng mượn; trinh sát trận địa nhờ anh Hai Cà - cho đặc công biệt động tiếp cận trinh sát và chiếc máy đo đạc mất đường ngắm được khắc phục lại bằng cách xin một sợi tóc của cháu Hà (con một đồng đội vừa hy sinh) gắn vào ống ngắm thế là ổn. Thấy được Miền giao nhiệm vụ lớn mà vũ khí “hẻo quá”, anh Hai Bứa (Hồng Lâm) gợi ý: “Bên tôi có 2 khẩu DK75 của Triều Tiên, anh em chưa biết sử dụng, bên anh lấy sử dụng thử”.

Đoàn Pháo binh miền Đông Nam bộ (U80) ra đời và xuất quân trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn như vậy, nhưng tinh thần quyết tâm, ý chí quyết thắng thì rất cao. Vì đây là trận đánh vào mục tiêu lớn do đích thân Tư lệnh Miền xuống tận Quân khu Miền Đông giao nhiệm vụ. Với những loại vũ khí như trên, các pháo thủ phải áp sát, bắn đạn cầu vòng vào mục tiêu. Mặc dù anh em trong tay có bản đồ 4 khu vực quan trọng của địch, là mục tiêu cụ thể được xác định nhưng sân bay quá rộng (hơn 40km2), lại được bảo vệ rất nghiêm ngặt với nhiều lớp hàng rào thép gai, bom mìn, chó becgie, pháo sáng và nhiều lực lượng tuần tiễu bên trong lẫn bên ngoài. Trong khi đó, lực lượng của ta phải áp sát mục tiêu bắn cầu vòng cự ly ngắn.

Khó khăn này vừa khắc phục lại xuất hiện khó khăn khác, nhưng nhờ sự phối hợp ăn ý với các đơn vị bạn và nhất là sự giúp đỡ của nhân dân và ý chí quyết thắng của các chiến sĩ pháo binh được động viên bằng ca từ của bài hát Hò kéo pháo đã tạo thêm năng lượng, động lực giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Với 136 quả đạn, trong đó có mấy chục quả cối 81 của đơn vị bạn, các chiến sĩ đoàn U80 đã bắn chính xác, phá hủy nhiều sinh lực địch, trong đó có các máy bay B57 là loại máy bay chiến lược lúc bấy giờ mà Mỹ mới đưa sang.

Các tướng lĩnh Quân đội Hoa Kỳ thị sát sân bay Biên Hòa sau trận pháo kích của Đoàn Pháo binh Biên Hòa ngày 31-10-1964
Các tướng lĩnh Quân đội Hoa Kỳ thị sát sân bay Biên Hòa sau trận pháo kích của Đoàn Pháo binh Biên Hòa ngày 31-10-1964

3 Sáng hôm sau (1-11-1964), các báo ở Sài Gòn đều rút những hàng tít lớn ở trang nhất: “Việt Cộng pháo kích sân bay Biên Hòa”; còn các hãng thông tấn lớn thế giới như: Reuters, AP, UPI, AFP ngay trong đêm đã loan tin sân bay quân sự Biên Hòa cách Sài Gòn 30km đã bị quân giải phóng tập kích.

Đài Hà Nội dẫn các nguồn nước ngoài đưa tin về sự kiện kể trên trong bản tin buổi trưa ngày hôm sau. Sau đó, trên Báo Nhân Dân, cơ quan của Đảng Lao động Việt Nam, nhà báo Chiến Sĩ có bài báo ca ngợi chiến công của quân dân địa phương tấn công có hiệu quả vào sân bay Biên Hòa. Cùng với phần tân văn nêu các sự kiện, con số, ý chí quyết tâm của lực lượng tham gia chiến đấu, còn có bốn câu thơ khen ngợi:

“Uy danh lừng lẫy khắp năm châu,

Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu

Thành đồng, trống thắng lay lầu Trắng

Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu”.

Từ một trận đánh diễn ra trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, vậy mà nhà báo Chiến Sĩ nhận định: “Lừng lẫy khắp năm châu”, “lay lầu Trắng” và đặc biệt, “Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu”. Với 7 chữ của câu thơ cuối, phải là người có tư duy dự báo, tầm nhìn chiến lược như nhà báo Chiến Sĩ - Hồ Chí Minh mới có thể đưa ra nhận định như vậy. Quả đúng như vậy, tháng 4-1975 đã làm một Điện Biên mới hơn cả Điện Biên: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cũng từ đây, chúng ta nhớ lại trong diễn văn mà Bác Hồ đọc tại lễ Quốc khánh mùng 2-9 tổ chức năm 1960 có đoạn: “Toàn dân đoàn kết bền bỉ đấu tranh thì chậm nhất 15 năm nữa, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà…”.

Như một nhà tiên tri: Đúng 15 năm sau, bằng chiến dịch mang tên Người, chúng ta đã thực hiện trọn vẹn giấc mơ “Bắc Nam sum họp một nhà”...        

 Mai Sông Bé

Tin xem nhiều