Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn chó thả rông, dập dịch bệnh dại:
Bài 2: Nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh dại

Phương Liễu
08:05, 15/12/2023

Theo nhận định của Viện Pasteur TP.HCM, Đồng Nai có nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại lớn nhất phía Nam khi liên tục xảy ra tình trạng người dân bị chó dại cắn phải đi tiêm phòng phơi nhiễm bệnh dại, trong đó có 3 ca tử vong.

Một người dân ở TP.Biên Hòa đi tiêm phòng bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai. Ảnh: P.Liễu
Một người dân ở TP.Biên Hòa đi tiêm phòng bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai. Ảnh: P.Liễu

* Chó thả rông, mầm gieo dịch bệnh dại…

Ngày 28-9-2023, tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại năm 2023, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Lương Tâm cho biết, Việt Nam đang nổi lên dịch bệnh dại khi tại các địa phương trong cả nước xuất hiện nhiều vụ người dân tử vong do bị chó dại cắn.

Có mặt tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Nai trong những ngày cuối tháng 11-2023, chúng tôi ghi nhận mỗi ngày ở đây tiếp nhận từ 60-80 người đến tiêm phòng bệnh dại do bị chó cắn. Trong số những người đi tiêm phòng bệnh dại có ông Trần Xuân Thiện (ngụ P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa) bị chó cắn vào buổi sáng sớm khi đi tập thể dục. Do không biết có phải chó dại cắn hay không, ông cứ đi tiêm phòng cho yên tâm.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai (thuộc Sở NN-PTNT), Đồng Nai hiện có từ 130-140 ngàn con chó được nuôi trong dân, trong đó 2/3 đàn chó được nuôi ở các vùng nông thôn. Hiện nay, mới chỉ có 51% tổng đàn chó được tiêm vaccine phòng bệnh dại. Cũng theo cơ quan này, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh phát hiện 18 ổ dịch bệnh dại trên chó tại 7 địa phương, đã tiêu hủy 24 con chó xác định mang mầm dại.

Thời gian qua, số người bị chó cắn trên địa bàn rất nhiều, trong đó không ít ca đã được xác định là có mầm bệnh dại. Chẳng hạn, chỉ trong ngày 22-8, đã có 4 người ở ấp Bình Lâm (xã Lộc An, H.Long Thành) bị chó dại của nhà ông Trần Hạnh Phúc cắn.  Mới đây, ngày 31-11, 2 cháu bé ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) đã bị chó nhà nuôi cắn và được gia đình đưa đi tiêm phòng. 2 ngày sau, con vật có biểu hiện bỏ ăn, sợ ánh sáng, cắn xé rất dữ tợn và ngày thứ 3 thì chết. Cơ quan chuyên môn tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và kết quả cho thấy con chó này dương tính với virus bệnh dại.

Từ tháng 12-2022 đến tháng 7-2023, Đồng Nai đã có 3 ca tử vong do bệnh dại, cả 3 ca đều bị chó cắn nhưng không tiêm phòng bệnh dại. Điều đáng nói, cả 3 ca đều ủ bệnh từ 4-7 tháng sau mới phát bệnh dại.

Cụ thể, trường hợp nạn nhân H.Q.P. (34 tuổi, ngụ TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) bị con chó lạ cắn vào cổ tay phải từ tháng 12-2022. Do vết thương nông, chảy ít máu và kinh tế eo hẹp nên anh P. không đi tiêm phòng. 4 tháng sau, anh P. có triệu chứng bệnh dại và tử vong sau đó, dù đã được đưa đến 2 bệnh viện lớn chữa trị.

Hoặc bệnh nhân N.T.Y. (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) bị chó nhà nuôi cắn vào vùng mặt từ tháng 8-2022 nhưng không đi tiêm phòng bệnh dại, 4 tháng sau (tháng 12-2022) thì bệnh nhân tử vong do bệnh dại.

Cá biệt, trường hợp anh T.V.P. (36 tuổi, ngụ xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) bị chó nhà nuôi cắn từ cuối tháng 12-2022, do không thấy chảy máu nên anh không đi tiêm phòng bệnh dại. Sau 7 tháng ủ bệnh, đến tháng 7-2023, anh phát bệnh dại và tử vong. Vào thời điểm anh bị chó nhà cắn, hôm sau vợ và 2 con nhỏ của anh P. cũng bị con chó đó cắn, nhưng nhờ cả 3 được đi tiêm phòng bệnh dại nên đã thoát “cửa tử”.

Theo nhận định của Giám đốc CDC Đồng Nai TS-BS Trần Minh Hòa, từ đầu năm 2023 đến nay, số người bị chó cắn phải tiêm phòng bệnh dại tăng cao đột biến. Nếu 10 tháng của năm 2022, toàn tỉnh có hơn 14,7 ngàn người đến các cơ sở y tế trên địa bàn tiêm phòng bệnh dại thì 10 tháng của năm 2023 số này đã lên đến gần 23 ngàn người (tăng 8,3 ngàn người). Phần lớn số người bị chó cắn tập trung ở các huyện: Thống Nhất, Long Thành, Định Quán, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Nhơn Trạch.

Ngày 2-11, tại lớp tập huấn về giám sát và điều trị dự phòng bệnh dại trên người được tổ chức tại Đồng Nai, Viện Pasteur TP.HCM đã nhận định Đồng Nai là địa phương có nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại lớn nhất phía Nam. Trước tình hình này, UBND tỉnh đã ban hành công văn về việc triển khai khẩn cấp các giải pháp phòng, chống dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và từng hộ dân nhằm chặn đứng nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại.

* Cần “phủ” vaccine phòng bệnh dại trên tổng đàn chó, mèo

Để chuẩn bị cho việc tiêm phòng bệnh dại cho chó khi đã được HĐND tỉnh phê duyệt 1 triệu liều vaccine cho 5 năm (bắt đầu từ năm 2024), Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai sẽ tổ chức khoảng 1 ngàn điểm tiêm phòng bệnh dại cho chó ở tất cả các địa phương, dự kiến sẽ tổ chức tiêm theo xã, phường kiểu cuốn chiếu mỗi nơi 1 ngày hoặc 1 buổi, vào những giờ thuận tiện cho người dân đưa chó đến tiêm.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề phòng dịch bệnh dại trên địa bàn, Trưởng phòng Chống dịch Chi cục Chăn nuôi và thú y (thuộc Sở NN-PTNT) Thân Văn Cẩn cho biết, từ năm 2013-2021, bệnh dại tại Đồng Nai gần như đã được thanh toán khi một thời gian dài không có ca nào tử vong do bệnh dại, số vật nuôi mang mầm bệnh dại gần như không xuất hiện. Thế nhưng, từ cuối năm 2022 đến nay, đã có 3 ca tử vong, số ổ dịch bệnh dại tiếp tục có xu hướng tăng. Số người bị chó dại hoặc nghi bị chó dại cắn cũng tăng, cho thấy dịch bệnh dại đang ở mức báo động.

Cũng theo ông Cẩn, trước đây, hàng năm ngành thú y đều tổ chức triển khai tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó với chi phí mua vaccine phòng, chống bệnh dại được ngân sách cấp. Sau này, việc tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó được chuyển từ ngân sách hỗ trợ sang xã hội hóa. Tuy nhiên, do nhiều người dân không quan tâm đến việc đưa chó đi tiêm bệnh dại đã tạo ra lổ hổng trong miễn dịch, gây bùng phát thành dịch.

Trong khi đó, việc phát hiện bệnh dại không dễ dàng, vì không thể tầm soát dịch bệnh dại qua các mẫu huyết thanh hoặc mẫu bệnh phẩm, mà phải xét nghiệm mẫu đầu chó mới xác định được có virus dại hay không.

Để dập dịch bệnh dại, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai Nguyễn Trường Giang cho biết, cần tập trung vào 3 giải pháp: thứ nhất,  “phủ” vaccine phòng bệnh dại trên tổng đàn chó mèo toàn địa bàn tỉnh; thứ hai, các huyện, thành phố tổ chức các điểm tiêm vaccine phòng bệnh dại và thành lập các đội bắt chó thả rông; thứ ba, tăng cường tuyên truyền người dân tự bảo vệ mình và vật nuôi bằng việc tuân thủ tiêm phòng bệnh dại cho chó, đưa chó ra đường phải có rọ mõm, dây xích, quản lý vật nuôi, không thả chó chạy rông, khi bị chó cắn phải đi tiêm phòng bệnh dại.

Để ngăn chặn dịch bệnh dại tiếp tục lây lan, Sở NN-PTNT đã giao cho Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác giám sát chủ động cảnh báo nguy cơ phát sinh dịch bệnh dại. Huy động toàn bộ lực lượng thú y để hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, vaccine, thiết bị để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Cụ thể, Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai đang tham mưu cho Sở NN-PTNT đề xuất tỉnh chi ngân sách mua vaccine phòng bệnh dại tiêm cho khoảng 80% tổng đàn cho trên địa bàn trong 5 năm (bắt đầu từ năm 2024) với 200 ngàn liều/năm. Giá mỗi liều khoảng 17 ngàn đồng. Sở cũng đã trình đề xuất này với UBND tỉnh và HĐND tỉnh.

Phương Liễu

Bài 3: Cần mạnh tay và kiên quyết

Tin xem nhiều