Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người lan tỏa yêu thương

08:03, 25/03/2023

Dù làm việc ở cơ sở bảo trợ xã hội công lập hay dân lập, mỗi cá nhân khi tham gia vào hoạt động này đều có điểm chung là chọn đồng hành cùng những người kém may mắn trong cuộc sống.

Dù làm việc ở cơ sở bảo trợ xã hội công lập hay dân lập, mỗi cá nhân khi tham gia vào hoạt động này đều có điểm chung là chọn đồng hành cùng những người kém may mắn trong cuộc sống.

Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Mộng Thu tặng quà cho người khuyết tật tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh nhân kỷ niệm Ngày Công tác xã hội 25-3-2023. Ảnh: S.Thao
Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Mộng Thu tặng quà cho người khuyết tật tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh nhân kỷ niệm Ngày Công tác xã hội 25-3-2023. Ảnh: S.Thao

Không chỉ dừng lại ở trợ giúp bữa ăn, chỗ ở mà những người làm công tác xã hội còn chăm lo đời sống tinh thần cho những hoàn cảnh kém may mắn.

* Chia sẻ tình thân

Hiện 98 cán bộ, viên chức và người lao động của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đang chăm sóc 312 người thuộc nhiều độ tuổi, tình trạng sức khỏe khác nhau. Còn 14 cơ sở bảo trợ xã hội dân lập đang nuôi dưỡng, chăm sóc 1,1 ngàn trường hợp trẻ em mồ côi, trẻ khuyết tật, người cao tuổi.

Theo Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Mộng Thu, những người làm việc tại các cơ sở bảo trợ xã hội (trong đó có Trung tâm Công tác xã hội tỉnh) làm việc vì cái tâm, lấy hạnh phúc của đối tượng chăm sóc là niềm vui của mình. Dù tiền lương nhận được so với công sức bỏ ra còn khiêm tốn song mỗi người đều gắn bó với công việc đã chọn.

Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm nay có chủ đề: Công tác xã hội Việt Nam - chuyên nghiệp, sáng tạo và phát triển. Dịp này, Bộ trưởng LĐ-TBXH đã có thư chúc mừng gửi đến những người làm công tác xã hội trong cả nước.

Trong số này có bà Đỗ Thị Hoàng Vỹ, hiện đảm nhận chăm sóc trẻ khuyết tật nhỏ tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Bà Hoàng Vỹ cho hay, trước đây, 3 anh em bà là trẻ mồ côi và được đưa về chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Khi trưởng thành, bà được lãnh đạo đơn vị giữ lại làm việc chăm sóc những trẻ mồ côi. Đến năm 1994, bà tìm được công việc bên ngoài và dọn ra ở riêng.

“Năm 2008, lãnh đạo trung tâm liên hệ và cho hay đang thiếu người chăm sóc trẻ khuyết tật. Tuy thu nhập không cao nhưng nghĩ trước đây anh em mình nhận được sự bao bọc của trung tâm mà trưởng thành nên tôi quyết định trở về” - bà Hoàng Vỹ kể.

So với những vị trí việc làm khác, công việc chăm sóc trẻ khuyết tật bị bại não, bại liệt, não úng thủy, trẻ sứt môi, hở hàm ếch rất vất vả. Bởi mọi việc từ ăn uống, vệ sinh cá nhân đều phải một tay người chăm sóc lo toan. Vậy nhưng bà Hoàng Vỹ đã có 15 năm liên tục gắn bó với công việc này.

Còn bà Hoàng Thị Ánh, nhân viên Phòng Chăm sóc trẻ khuyết tật nhỏ thì cho biết, năm 2012, khi cùng bạn vào thăm trẻ tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, nhìn các bé ở đây, bà có một cảm xúc đặc biệt rất khó tả. Đúng thời điểm này, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh thông báo tuyển dụng viên chức, vậy là bà đăng ký vào làm với tâm niệm: các cháu không có cha mẹ, người thân, vì vậy rất cần tình yêu thương, sự chăm sóc. “Cùng đợt với tôi còn có 8 người khác xin vào làm nhưng sau cùng còn mỗi mình tôi trụ lại đến nay đã 11 năm” - bà Ánh nói.

Phút dạo chơi của ni sư Thích Nữ An Quý, Giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội dân lập Hoa Sen Trắng (chùa Bửu Sơn, H.Định Quán) cùng trẻ em đang sinh sống tại đây
Phút dạo chơi của ni sư Thích Nữ An Quý, Giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội dân lập Hoa Sen Trắng (chùa Bửu Sơn, H.Định Quán) cùng trẻ em đang sinh sống tại đây

Đại đức Thích Chiếu Bổn, Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Làng Tre (xã Xuân Quế, H.Cẩm Mỹ) cho biết, năm 2008, Trung tâm Nhân đạo Làng Tre ra đời. 15 năm qua, trung tâm đã là nơi nương tựa cho gần 700 trường hợp kém may mắn. Hiện trung tâm đang nuôi dưỡng 230 trẻ em mồ côi, người cao tuổi, người khuyết tật.

Để có thể duy trì việc chăm sóc y tế, từng bữa ăn, giấc ngủ, lo việc học… cho những người sinh sống tại đây thật sự là áp lực rất lớn đối với đại đức Thích Chiếu Bổn. Bởi, chi phí mỗi tháng dao động từ 500-600 triệu đồng, rồi khi có trẻ hay người cao tuổi bị bệnh phải bố trí người chăm sóc tại bệnh viện, phân công người đưa đón trẻ em đi học, người nấu ăn - dọn dẹp. Để vượt qua những khó khăn đó, ngoài sự chung tay giúp đỡ vật chất từ cộng đồng thì quan trọng là cái tâm của mỗi người khi tự nguyện đến và làm việc tại trung tâm.

Đại đức Thích Nhuận Hành, Phó trưởng ban kiêm Chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam H.Cẩm Mỹ, nhìn nhận: “Gần 20 năm về trước, khi đại đức Thích Chiếu Bổn chia sẻ về dự định sẽ dựng nhà nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, tôi thấy khó lắm, bởi lúc đó tôi cùng đại đức Thích Chiếu Bổn mới đi những bước đầu trên đường tu tập. Vậy nên, khi đại đức Thích Chiếu Bổn thành lập Trung tâm Nhân đạo Làng Tre từ những dãy nhà đơn sơ nay thành từng dãy nhà kiên cố rồi duy trì hoạt động đến ngày nay là điều rất đáng trân trọng”.

* Cơ hội cho người kém may mắn

Nhờ có sự quan tâm của chính quyền trong việc hình thành Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, tạo điều kiện để các cơ sở bảo trợ xã hội được cấp giấy phép hoạt động đúng theo quy định và trên hết là sự yêu thương, quan tâm của mỗi người làm công tác xã hội đã góp phần mở ra cơ hội cho những hoàn cảnh kém may mắn.

Em Phạm Ngọc Bảo chia sẻ: “Sau khi cha mất, 4 chị em rất buồn, theo bạn bè sống lang thang. Nhưng may thay, 4 chị em được chính quyền địa phương và Sở LĐ-TBXH đón vào Trung tâm Công tác xã hội tỉnh để được chăm sóc, cho đi học. Thời gian đầu, mấy chị em thường hay bỏ trốn để đi lang thang. Rồi cô chú ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh lại tìm về và chỉ cho chị em điều hay lẽ phải và những mối nguy hiểm khi sống lang thang”.

Trẻ em mồ côi tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh được các cô chăm sóc, dỗ dành
Trẻ em mồ côi tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh được các cô chăm sóc, dỗ dành

Hiện Ngọc Bảo đang theo học Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai. “Vừa học nghề vừa học văn hóa, năm học nào em cũng được nhà trường khen tặng là học sinh tiêu biểu vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Ngoài thời gian học, em phụ giúp chăm mấy em nhỏ hơn. Em mong các em cố gắng học để sau này có cơ hội ổn định cuộc sống như mong muốn của các cô chú đang hàng ngày chăm sóc cho chúng em” - Ngọc Bảo cho hay.

Ngọc Bảo là một trong số 8 trường hợp từ 16-22 tuổi tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đang theo học tại các trường tại TP.Biên Hòa. 

Còn tại Cơ sở Bảo trợ xã hội cô nhi Thiên Bình (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa), theo bà Phan Thị Nhan, Phó giám đốc cơ sở, nơi đây đang chăm sóc 176 trẻ từ 4 tháng đến 20 tuổi và 24 trường hợp 90 tuổi trở lên. Từ năm 2009 đến nay, đã có 34 trẻ trưởng thành, tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học.

Tương tự, tại Cơ sở Bảo trợ xã hội dân lập Hoa Sen Trắng (chùa Bửu Sơn, H.Định Quán), trẻ em ở cơ sở đều được tạo điều kiện thuận lợi để đến trường. Hiện nơi đây chăm sóc, nuôi dưỡng 40 trẻ em, 28 người già neo đơn và người khuyết tật. Sau thời gian dài sống ở cơ sở, khi có thể tự lập, các em ra xã hội lao động, xây dựng gia đình.

Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh HOÀNG VĨNH QUANG cho hay, thời gian qua, trung tâm đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các tổ chức, cá nhân. Điều này góp phần vào việc chăm sóc tốt hơn cho các đối tượng. Mong rằng sự chung tay này của cộng đồng sẽ tiếp tục được duy trì để chăm lo tốt hơn cho những người kém may mắn.

Sông Thao

Tin xem nhiều