Báo Đồng Nai điện tử
En

Trồng sầu riêng trên vùng Núi Đỏ

An Nhơn - Minh Anh
08:30, 08/09/2023

Khu vực Núi Đỏ (thuộc KP.Núi Đỏ, P.Bàu Sen, TP.Long Khánh) trước kia vốn là vùng đất khó, vì nơi đây quá nhiều đồi dốc, sỏi đá và rất kén chọn các loại cây trồng. Tuy nhiên, bàn tay và khối óc nhạy bén của người nông dân đã biến vùng đất này thành những khu vườn trồng sầu riêng tươi tốt và cho năng suất cao.

Cán bộ P.Bàu Sen (TP.Long Khánh) đến thăm các hộ nông dân trồng sầu riêng tại vùng sỏi đá Núi Đỏ. Ảnh: AN NHƠN
Cán bộ P.Bàu Sen (TP.Long Khánh) đến thăm các hộ nông dân trồng sầu riêng tại vùng sỏi đá Núi Đỏ. Ảnh: AN NHƠN

Hiện mô hình trồng sầu riêng theo hướng VietGAP đã giúp cho nhiều hộ dân ở khu vực Núi Đỏ làm ăn thuận lợi và kinh tế gia đình ngày càng phát triển.

* Chọn sầu riêng làm cây trồng chủ lực

Từ trung tâm TP.Long Khánh, chúng tôi chạy xe máy khoảng 6km đến vùng đất Núi Đỏ. Trên đường đi, chúng tôi đã chứng kiến được sự đổi thay mạnh mẽ của vùng đất này. Các tuyến đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa vào tận hẻm khu dân cư, tạo thuận lợi cho người dân đi lại và giao thương hàng hóa. Dọc hai bên đường là những khu vườn sầu riêng xanh tốt, nhiều ngôi nhà mới kiên cố, khang trang được xây lên… Có được sự thay đổi này là do các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân đã nỗ lực không ngừng trong suốt nhiều năm qua.

Sinh ra và lớn lên tại quê hương Bàu Sen, ông Dương Thanh Minh (Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng KP.Núi Đỏ) am hiểu tường tận vùng đất Núi Đỏ. Ông Minh kể, sau năm 1975, một cộng đồng người Hoa đã tìm đến vùng đất Núi Đỏ định canh, định cư. Hàng ngày, họ đi khai hoang đất và trồng các loại cây ngắn ngày như: đậu, bắp, thuốc lá… để có thu nhập trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, Núi Đỏ lúc bấy giờ là một vùng đất khô cằn, sỏi đá với nhiều khó khăn, thiếu thốn. Khó khăn lớn nhất của người dân là nước, bởi mạch nước ngầm của khu vực này nằm sâu dưới lòng đất, trong khi xung quanh dày đặc sỏi đá thì sức người khó thể đào nổi giếng nước sâu. Do vậy, mỗi lần mùa khô kéo dài thì tình trạng thiếu nước cho sinh hoạt và tưới tiêu lại xảy ra khiến cây trồng khô héo rồi chết. Không thể tiếp tục bám trụ ở vùng đất khó, những người Hoa đã sang nhượng lại đất rẫy với giá rẻ và tìm đến nơi có nguồn nước để lập nghiệp.

Mùa sầu riêng năm nay, các nhà vườn trên địa bàn Núi Đỏ (P.Bàu Sen, TP.Long Khánh) đều được mùa, được giá. Năng suất đạt từ 20-30 tấn/ha, giá bán tại vườn khoảng 48 ngàn đồng/kg đối với sầu riêng Ri6 và khoảng 58 ngàn đồng/kg đối với sầu riêng Thái… Vì vậy, bà con nông dân nơi đây rất phấn khởi.

Để có được những khu đất bằng phẳng và tạo nên những vườn cây ăn trái tốt tươi như hôm nay là cả sự nỗ lực không ngừng của bà con nông dân trong suốt nhiều năm qua. Người dân đã ngày đêm bỏ công sức ra khiêng, vác đá rồi chất thành bờ tường nhằm tạo ranh giới giữa các hộ với nhau; đồng thời, san lấp, cải tạo phần đất cho bằng phẳng.

“Lúc bấy giờ, người dân đã biết sử dụng vỏ xe máy, xe đạp để chế ra dụng cụ khiêng đá. Đối với những hòn đá nặng 50-70kg thì 2 người khiêng, nhưng cũng có hòn đá to thì phải cần đến 5-7 người mới đủ sức khiêng. Sự nỗ lực đã được đền đáp, những vùng sỏi đá ngày nào đã được thay thế bằng những khu vườn bằng phẳng. Tuy nhiên, thời gian đầu chưa có điện, giếng nước nên bà con chủ yếu trồng những loại cây chịu khô hạn tốt như: tiêu, cà phê… để giải quyết cuộc sống khó khăn trước mắt” - ông Minh bộc bạch.

Đó là câu chuyện của nhiều năm về trước, còn Núi Đỏ bây giờ đã thay đổi rất nhiều. Đặc biệt, hơn 10 năm trở lại đây, từ chương trình xây dựng nông thôn mới, Nhà nước đã quan tâm và đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng như: điện chiếu sáng, điện phục vụ sản xuất, đường sá đi lại... Nhờ đó, người dân ở Núi Đỏ có cơ hội vượt khó, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Song song với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, người dân Núi Đỏ đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chặt bỏ những cây trồng kém hiệu quả (tiêu, cà phê…) rồi trồng cây sầu riêng có giá trị kinh tế cao (hiện sầu riêng trở thành cây trồng chủ lực của vùng đất Núi Đỏ). Bà con còn biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, những vườn sầu riêng ngày càng trở nên tươi tốt và cho năng suất cao, giúp người dân nơi đây thoát nghèo và vươn lên làm giàu, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên.

* Phát triển theo hướng bền vững

Khi đề cập đến việc được người dân trong vùng tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng KP.Núi Đỏ, ông Minh cho biết, cuộc sống trước đây của gia đình ông cũng gặp nhiều khó khăn và ông phải nỗ lực vươn lên bằng cách thuê đất đầu tư trồng cà phê. Lúc bấy giờ, nơi đây chưa có điện, giếng khoan nên việc trồng trọt chủ yếu dựa vào điều kiện khí hậu tự nhiên.

Mô hình trồng sầu riêng theo chuẩn VietGAP ở vùng Núi Đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao
Mô hình trồng sầu riêng theo chuẩn VietGAP ở vùng Núi Đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nhờ chí thú làm ăn cộng với thời tiết thuận lợi đã giúp ông Minh trúng liên tiếp mấy mùa cà phê nên có dư tiền để dùng vào mua đất mở rộng làm ăn. Tuy nhiên, lần này may mắn đã không đến với ông, vì cây cà phê thường xuyên bị bệnh, sâu đục thân gây hại và không đủ nước tưới nên năng suất không cao.

“Cuộc sống lúc bấy giờ rất khó khăn, thiếu thốn nên gia đình tôi quyết định bán bớt đất và chỉ giữ lại 1ha đất ở Núi Đỏ (chỗ ở hiện nay) để ổn định cuộc sống” - ông Minh tâm sự.

Sau này, điện lưới quốc gia kéo về đến tận các ngõ hẻm của khu Núi Đỏ đã giúp gia đình ông Minh có cơ hội đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp. Năm 2013, gia đình ông quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích 1ha trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng sầu riêng Ri6. Ông đã nhạy bén ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất bằng cách cho lắp đặt hệ thống tưới tự động, nhằm giúp việc chăm sóc cây trồng được thuận tiện, vừa giảm chi phí đầu tư.

Với việc ứng dụng giống mới và một số kỹ thuật trồng, chăm sóc tiên tiến đã thay đổi cuộc sống gia đình ông Minh. Đến nay, vườn sầu riêng của ông đã cho thu hoạch được 7 mùa, mỗi mùa đem lại khoản tiền lời tương đối lớn cho gia đình. Không chỉ làm lợi cho gia đình, ông còn chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ xung quanh cùng làm để vươn lên. Vì vậy, ông được người dân trong vùng tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng KP.Núi Đỏ từ nhiều năm nay.

Theo ông Minh, hiện đa số người nông dân vùng Núi Đỏ đều trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ và áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất như: đầu tư sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, phun thuốc tự động và hạn chế sử dụng phân hóa học. Mô hình này giúp cho cây sầu riêng phát triển ổn định và cho năng suất cao. Đặc biệt là sản phẩm làm ra đảm bảo sạch cho người tiêu dùng.

“Hiện sản lượng sầu riêng tại khu Núi Đỏ đạt trung bình khoảng 20 tấn/ha/năm nhưng cũng có người làm giỏi thì sản lượng tăng lên từ 25-30 tấn/ha/năm” - ông Minh tâm sự.

Chủ tịch Hội Nông dân P.Bàu Sen Phạm Thị Cẩm Nhung cho biết, hiện trên địa bàn P.Bàu Sen có 3 tổ hợp tác trồng sầu riêng. Nhiều năm qua, Hội Nông dân địa phương luôn hỗ trợ bà con nông dân để mô hình tổ hợp tác sầu riêng trên vùng sỏi đá phát triển bền vững. Cụ thể, Hội Nông dân phường hàng năm đều tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật chăm sóc cây trồng nhằm hướng dẫn cho bà con cách chăm sóc cây sầu riêng đạt năng suất cao.

Chủ tịch UBND P.Bàu Sen Đinh Sỹ Nghĩa cho biết thêm, hiện tổng diện tích trồng sầu riêng đang cho thu hoạch trên địa bàn P.Bàu Sen khoảng 180ha. Đa số các hộ nông dân đều tham gia tổ hợp tác và canh tác theo mô hình hữu cơ nhằm thực hiện quy trình VietGAP để tạo ra sản phẩm sạch cung cấp ra thị trường.

“Địa phương đang tích cực hỗ trợ bà con trong việc cấp mã vùng trồng. Bởi khi được cấp mã vùng trồng, người nông dân có nhiều lợi thế như sản phẩm làm ra được bán với giá ổn định và không còn lo bị ép giá hay không có nơi tiêu thụ…” - ông Nghĩa chia sẻ.

An Nhơn - Minh Anh

Tin xem nhiều