Báo Đồng Nai điện tử
En

Bối rối… dạy học tiếng Anh tăng cường

Công Nghĩa
09:54, 07/09/2023

Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn Đồng Nai chính thức triển khai Đề án Tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh từ năm học 2022-2023 trở đi.

 

Với đề án này, học sinh các cấp học sẽ có nhiều cơ hội học tiếng Anh với người nước ngoài với chi phí thấp hơn học ở các trung tâm ngoại ngữ. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều trường đang lúng túng tìm cách triển khai với rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, sắp xếp thời gian học, lựa chọn đối tác và nhất là tìm được sự đồng thuận của phụ huynh về mức học phí.

* Chưa làm đã thấy khó

Năm học này, Trường THCS Quyết Thắng (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) có 20 lớp, nhưng chỉ có 12 phòng học nên nhà trường phải tổ chức dạy học một số khối lớp vào buổi sáng, một số khối lớp vào buổi chiều và dạy cả vào ngày thứ bảy mới có đủ phòng học. Hơn nữa, theo Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, số tiết học/tuần đã khá cao, trung bình từ 29-30 tiết/tuần nên việc tăng cường thêm số tiết môn Tiếng Anh theo đề án của tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Khó từ cơ sở vật chất, thời gian, chưa kể đến chuyện mức học phí sẽ thu thế nào để phụ huynh có thể chấp nhận.

Tại  một trường tiểu học ở TP.Biên Hòa, nhiều giáo viên chủ nhiệm cho hay, phụ huynh học sinh rất quan tâm đến chuyện học tiếng Anh của con em. Nhiều em đã được cha mẹ đầu tư cho học tiếng Anh từ khi học mầm non ở trung tâm ngoại ngữ, thậm chí nhiều em học tiếng Anh ở trường và vẫn đi học thêm tiếng Anh ở bên ngoài, hay học thêm ở nhà giáo viên. Có thể thấy, nhu cầu học tăng cường tiếng Anh được đặt ngang hàng với các môn Toán, Tiếng Việt - là những môn chủ yếu của bậc tiểu học.

Nhu cầu được học tiếng Anh của học sinh khá cao, nhưng đứng trước đề án học tiếng Anh tăng cường của tỉnh ban hành, Ban giám hiệu trường này cho rằng khó thực hiện đề án dạy tăng cường tiếng Anh với điều kiện về cơ sở vật chất của nhà trường như hiện nay. Ban giám hiệu nhà trường cho biết, trường có 30 lớp từ lớp 1 đến lớp 5, nhưng chỉ có 15 phòng học. Để đảm bảo theo chương trình của Bộ GD-ĐT, các lớp của trường phải thay nhau học buổi sáng và chiều, đồng thời phải học luôn cả ngày thứ bảy thì mới hết chương trình. Việc học tiếng Anh tăng cường là cần thiết, nhưng chỉ thực hiện được khi có cơ sở vật chất để học 2 buổi/ngày.

Điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh của học sinh Đồng Nai xếp thứ 11/63 tỉnh, thành

Đồng Nai hiện có 2.075 giáo viên môn tiếng Anh, nhưng không phải tất cả giáo viên đều đạt chuẩn trình độ. Cụ thể, ở bậc tiểu học có 492/675 giáo viên đạt chuẩn (tỷ lệ 72,9%); bậc THCS có 712/854 giáo viên đạt chuẩn (tỷ lệ 83,4%); bậc THPT có 473/545 giáo viên đạt chuẩn (tỷ lệ 86,8%). Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và 2023, điểm trung bình môn tiếng Anh của học sinh Đồng Nai xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Với những trường có cơ sở vật chất tốt, việc triển khai dạy học tiếng Anh tăng cường cho học sinh đã được thực hiện từ nhiều năm nay, từ lúc đề án dạy tiếng Anh tăng cường của tỉnh chưa ra đời.

Hiệu trưởng Trường THCS Long Bình (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) Mai Thị Kim Lan cho hay, từ nhiều năm nay, ngoài chương trình dạy tiếng Anh của Bộ
GD-ĐT, những học sinh có nhu cầu có thể đăng ký học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài thông qua một trung tâm ngoại ngữ hợp tác với nhà trường vào buổi học không chính thức. Kết quả là trình độ tiếng Anh, nhất là khả năng nghe và nói tiếng Anh của học sinh được cải thiện khá tốt.

* Cần tháo gỡ nhiều điểm nghẽn

Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) Hồ Thị Lâm cho biết, học sinh của trường có điều kiện học bán trú 2 buổi/ngày và chỉ học từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần. Trong 1 tuần, các em được học môn Tiếng Anh tới 13 tiết, phần lớn số tiết các em được học với người nước ngoài. Vì vậy, nhiều em không chỉ có nền tảng từ vựng, ngữ pháp mà cả kỹ năng nghe, nói khá tốt. Nhiều em có thể tự tin sử dụng vốn tiếng Anh để giao tiếp với người nước ngoài, thi các chứng chỉ Anh ngữ quốc tế như: IELTS, Cambdrige… để du học.

Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Lưu Thị Hằng chia sẻ, ngành GD-ĐT thành phố coi trọng nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh cho học sinh từ bậc tiểu học. Mặt bằng kỹ năng tiếng Anh của học sinh thành phố có nhỉnh hơn nhiều địa phương khác, cơ hội học tiếng Anh dễ dàng hơn, nhất là ở môi trường giáo dục tư thục. Đề án dạy tiếng Anh tăng cường của tỉnh là một thuận lợi về mặt chủ trương cho các trường thực hiện, nhưng triển khai còn khó khăn khi nhiều trường thiếu lớp học để dạy 2 buổi/ngày, trong đó buổi còn lại sẽ học tăng cường tiếng Anh. Trong điều kiện trường lớp còn thiếu như hiện nay, thành phố sẽ cố gắng thực hiện ở những trường có điều kiện, mặt khác vẫn phải khuyến khích phụ huynh cho con học tăng cường bằng nhiều giải pháp khác.

Ngoài cơ sở vật chất, một trong những vấn đề đang được nhiều trường quan tâm hiện nay là nguồn cung và chất lượng giáo viên nước ngoài khi triển khai dạy học tiếng Anh tăng cường tại các trường học, nhất là những trường nằm xa các khu trung tâm. Nhiều trường gặp bối rối khi lựa chọn đối tác dạy tiếng Anh tăng cường sao cho phù hợp, đảm bảo chất lượng. Cần tránh chuyện chạy theo tiêu chí học với giáo viên người nước ngoài nhưng về chứng chỉ, bằng cấp, khả năng thực sự đến đâu thì không thể kiểm soát.

Trưởng phòng GD-ĐT TP.Long Khánh Trần Công Nghị cho hay, phụ huynh học sinh ở TP.Long Khánh “chịu chi” cho con em học tiếng Anh nên thành phố đã thu hút nhiều trung tâm Anh ngữ có thương hiệu về tổ chức dạy tiếng Anh. Nhiều trung tâm đã liên kết với các trường để dạy tiếng Anh tăng cường với mức phí từ 250-290 ngàn đồng/tháng. Để các trường dễ triển khai, tránh khuất tất trong lựa chọn đơn vị liên kết, thành phố giao cho các trường tự quyết định việc hợp tác với các trung tâm ngoại ngữ, tiêu chí đưa ra là phải có chất lượng và phụ huynh đồng thuận, tuyệt đối tránh tình trạng lợi dụng quen biết “ấn định” các trường phải hợp tác với trung tâm này, trung tâm kia mà không đảm bảo chất lượng.

Công Nghĩa


Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH:

Có điều kiện nên triển khai sớm

 

Khi tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đề án học tiếng Anh tăng cường, Sở GD-ĐT đã cân nhắc nhiều yếu tố và đặc thù của mỗi địa phương. Đề án chính là định hướng về chủ trương để các trường có thể mạnh dạn triển khai. Trường nào có điều kiện về cơ sở vật chất, nhất là đủ lớp học 2 buổi/ngày thì mạnh dạn triển khai khi tìm được tiếng nói đồng thuận với phụ huynh học sinh.

Phó hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu MA VĂN KHÁNH:

Chia sẻ cơ hội học tập tiếng Anh

 

Chúng tôi không chỉ dạy tiếng Anh cho học sinh các trường thuộc Hệ thống giáo dục Á Châu mà còn rất mong muốn đưa giáo viên người nước ngoài và chương trình dạy tiếng Anh tiên tiến chia sẻ cơ hội học tập với học sinh ở nhiều trường khác. Không dừng lại đó, chúng tôi còn mong muốn có thể hỗ trợ các trường nâng cao trình độ giảng dạy tiếng Anh cho giáo viên người Việt Nam của các trường.

Thành Nam (ghi)


 

Tin xem nhiều