Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai được tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách: Thêm vốn cho hạ tầng

07:01, 17/01/2023

Đồng Nai vừa được Quốc hội thông qua đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ 45 lên 50%. Khoản ngân sách điều tiết tăng thêm tương ứng hơn 2 ngàn tỷ đồng. 

Đồng Nai vừa được Quốc hội thông qua đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ 45 lên 50%. Khoản ngân sách điều tiết tăng thêm tương ứng hơn 2 ngàn tỷ đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (bìa trái) khảo sát thực tế khu dân cư Bửu Long (TP.Biên Hòa) và đánh giá dự án nhà ở xã hội tại đây
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (bìa trái) khảo sát thực tế khu dân cư Bửu Long (TP.Biên Hòa) và đánh giá dự án nhà ở xã hội tại đây. Ảnh: Ngọc Liên

Với nguồn vốn được tăng này, Đồng Nai bổ sung thực hiện các dự án quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông để tạo đột phá trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực.

* Cần vốn cho các dự án

Với số dân khoảng 3,2 triệu người, Đồng Nai đang rất cần nguồn lực ngân sách để cung cấp phúc lợi cho người dân và đầu tư hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Theo thống kê của Sở KH-ĐT, năm 2022, Đồng Nai có trên 200 dự án đầu tư công được triển khai với tổng vốn trên 13,6 ngàn tỷ đồng.

Với mục tiêu trở thành trung tâm kết nối, phát triển kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai đang triển khai nhiều dự án giao thông kết nối quan trọng của quốc gia, của vùng cũng như cấp tỉnh… Do đó, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án luôn được tỉnh có kế hoạch phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương triển khai. Tỉnh thực hiện họp định kỳ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, đẩy nhanh tiến độ.

Đồng Nai nằm trong tốp 5 địa phương dẫn đầu cả nước về thu ngân sách hàng năm. Thế nhưng, thời gian qua, Đồng Nai luôn được phân bổ ngân sách về địa phương thấp hơn so với nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội…

Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh có tốc độ phát triển nhanh, tỷ lệ dân số gia tăng cơ học hàng năm khá cao, cùng với nhu cầu thực hiện các dự án lớn tăng hàng năm. Đặc biệt, Đồng Nai là một trong 3 tỉnh chịu nhiều thiệt hại nặng nề cả về kinh tế lẫn đời sống xã hội trong đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào năm 2021 nên đang rất cần các nguồn vốn để địa phương phục hồi, phát triển kinh tế.

Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) đã phát biểu, dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã tác động đến các tỉnh, thành: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… khiến cho các chỉ tiêu kinh tế giảm. Đồng Nai phải sử dụng hơn 6 ngàn tỷ đồng để chống dịch. Người lao động đã rời khỏi địa phương để trở về quê. Kinh tế sa sút, các địa phương cần tăng nguồn vốn để khắc phục dịch bệnh nên rất cần nguồn vốn ngân sách để thực hiện nên tại kỳ họp, Đồng Nai đã đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết vốn ngân sách cho địa phương để thực hiện phục hồi kinh tế.

Theo đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng, việc tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách sẽ giúp Đồng Nai có thêm nguồn lực để phục hồi đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, y tế, cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng sức chống chịu của nền kinh tế. Kết hợp với các chính sách hỗ trợ và các gói kích thích thì việc tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách giúp địa phương phục hồi nhanh, góp phần tăng trưởng cho Vùng kinh tế phía Nam.

* Thêm cơ hội cho các dự án quan trọng

Với việc được Quốc hội chấp thuận tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Đồng Nai từ 45% lên 50%, Đồng Nai có thêm trên 2 ngàn tỷ đồng để đầu tư cho các công trình, dự án. Tuy số tiền không lớn nhưng sẽ giúp tỉnh có thêm nguồn kinh phí để bổ sung cho một số dự án của tỉnh trong thời gian tới.

Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công, nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, Đồng Nai sẽ ưu tiên bố trí vốn cho chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, các dự án liên vùng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân và bảo đảm phát triển hài hòa giữa các địa phương.

Theo Giám đốc Sở GT-VT Lê Quang Bình, trong năm 2023, Đồng Nai sẽ thực hiện nhiều dự án giao thông lớn như: đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3, các tuyến đường tỉnh kết nối với sân bay Long Thành… Những tuyến đường trên đều cần nguồn vốn lớn để đầu tư. Do đó, có thêm phần điều tiết ngân sách của Chính phủ cho tỉnh sẽ giúp Đồng Nai có thêm kinh phí đầu tư hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.

Đồng Nai là cửa ngõ giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp. Trong thời gian tới, dự kiến tỉnh sẽ thành lập và phát triển thêm khoảng 8 khu công nghiệp và dự kiến sẽ thu hút thêm hơn 400 ngàn lao động từ các nơi khác về sinh sống và làm việc. Vì thế, ngoài cần vốn cho các dự án giao thông kết nối thì tỉnh cần thêm nguồn vốn cho các dự án hạ tầng kỹ thuật khác như: trường học, y tế, công viên, hệ thống xử lý nước thải…

Theo Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bùi Xuân Thống, việc tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách lên 50% sẽ tạo điều kiện cho Đồng Nai đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bảo đảm sự tương xứng với quy mô dân số, nhu cầu phát triển hạ tầng, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông, nhà ở xã hội, y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội.


Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG: Khai thác thêm quỹ đất lợi thế

Từ nay đến năm 2030, Đồng Nai cần nguồn vốn rất lớn để đầu tư cho hạ tầng giao thông để tạo đột phá cho phát triển kinh tế của tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nguồn ngân sách nhà nước đã được điều tiết tăng thêm cho Đồng Nai nhưng vẫn không đáp ứng đủ. Tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương phối hợp với nhau đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ các khu đất lợi thế dọc những tuyến đường mở mới hoặc nâng cấp để đưa ra đấu giá. Đây sẽ là nguồn vốn chính để tỉnh đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật khác, đặc biệt là các dự án về giao thông. Nếu khai thác tốt nguồn vốn từ đất đai, Đồng Nai sẽ có thêm vài chục ngàn tỷ đồng.

Giám đốc Sở KH-ĐT NGUYỄN HỮU NGUYÊN: Chi đầu tư của Đồng Nai rất thấp

Nhiều năm qua, Đồng Nai luôn nằm trong tốp 5 các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu ngân sách nhà nước nhưng mức chi đầu tư cho các công trình của tỉnh chỉ đạt 20-25% so với thu ngân sách. Trong khi các tỉnh, thành khác mức chi cho đầu tư các công trình khoảng 60-70%. Đồng Nai có diện tích rộng với hơn 5,9 ngàn km2 và dân số khoảng 3,2 triệu người, với mức phân bổ ngân sách thấp không đủ để đầu tư cho các công trình công cộng. Tuy tăng thêm 5% phân bổ cho tỉnh nhưng chỉ trên nguồn thu nội địa, tương ứng hơn 2 ngàn tỷ đồng. Nguồn vốn này so với nhu cầu của tỉnh rất ít, vì mỗi năm tỉnh cần vài chục ngàn tỷ đồng để mở mới, nâng cấp các tuyến đường giao thông, dự án cấp, thoát nước, trường học, y tế…

Phó giám đốc Sở Tài chính ĐẶNG THỊ KIM THẮM: Cần thêm nhiều nguồn vốn cho các dự án

Đồng Nai nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp lớn vào thu ngân sách của cả nước. Do đó, Đồng Nai rất cần nguồn ngân sách lớn để thực hiện các công trình, cung cấp phúc lợi cho người dân trên địa bàn như: giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao… Đồng thời, tỉnh cần nguồn vốn để đầu tư phát triển, duy trì hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm tăng thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Những năm trước, nguồn vốn ngân sách trung ương phân bổ cho tỉnh ít, không đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương. Trong những năm qua, Đồng Nai có mức chi cho một người dân thấp nhất trong vùng tứ giác kinh tế và nhiều tỉnh, thành khác. Trung ương điều tiết thêm ngân sách sẽ giúp tỉnh có thêm nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật tạo động lực cho phát triển kinh tế.

Uyển Nhi (ghi)


Ngọc Liên

Tin xem nhiều