Báo Đồng Nai điện tử
En

Tín dụng đen "khủng bố" cả cơ quan công quyền

03:11, 07/11/2022

Thời gian qua, tình trạng các đối tượng "tín dụng đen" sử dụng các trang mạng xã hội đăng thông tin, hình ảnh nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, uy tín để gây áp lực đòi nợ khiến không ít người dân bức xúc.

Thời gian qua, tình trạng các đối tượng “tín dụng đen” sử dụng các trang mạng xã hội đăng thông tin, hình ảnh nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, uy tín để gây áp lực đòi nợ khiến không ít người dân bức xúc.

Hướng dẫn của Bộ Công an khi người dân bị người lạ gọi điện, nhắn tin “khủng bố” đòi nợ. Đồ họa: Trần Danh
Hướng dẫn của Bộ Công an khi người dân bị người lạ gọi điện, nhắn tin “khủng bố” đòi nợ. Đồ họa: Trần Danh

Không dừng lại ở đó, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” còn bất chấp, ngang nhiên “tấn công” vào các cơ quan công quyền để gây áp lực đòi nợ những cá nhân làm việc trong các cơ quan, đơn vị này. Thực tế trên một lần nữa cho thấy, các đối tượng (cá nhân, tổ chức) hoạt động cho vay “tín dụng đen” đã bất chấp, coi thường pháp luật, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Gây áp lực thông qua mối quan hệ của người vay

Theo các cơ quan chức năng, thời gian gần đây, các tổ chức tín dụng hoặc cá nhân sử dụng các app (ứng dụng) điện tử hoặc kênh thông tin trên mạng để cho vay tiền phát triển mạnh. Từ thực tế đó, hoạt động vay, mượn tiền đối với nhiều người dân cũng trở nên dễ dàng hơn, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường.

Tổng đài 156, xử lý cuộc gọi rác

 Bộ TT-TT vừa triển khai tổng đài 156 để tiếp nhận phản ánh thông tin của người dân về các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo; các cuộc gọi, tin nhắn rác. Theo đó, khi người dân nhận được cuộc gọi lạ có dấu hiệu lừa đảo, làm phiền thì gửi tin nhắn hoặc gọi điện tới tổng đài 156. Các doanh nghiệp viễn thông sẽ xác minh thông tin, từ đó yêu cầu xác thực lại thông tin thuê bao, xử lý vi phạm nếu thông tin thuê bao không đúng quy định.  

An An

Khi làm thủ tục vay mượn tiền theo kiểu “tín dụng đen”, ngoài việc người vay phải chịu một lãi suất cao còn phải “thế chấp” bằng những thông tin cá nhân, các mối quan hệ xã hội (số điện thoại, số căn cước công dân, hình ảnh cá nhân); đồng thời cung cấp thêm thông tin của nhiều người thân, người quen biết để các chủ nợ có thể liên hệ khi cần thiết.

Chính từ thực tế này, nhiều người sau khi vay chậm trả nợ hoặc không trả hết nợ, các đối tượng đã dùng những thông tin, hình ảnh, mối quan hệ cá nhân này để gây áp lực lên những người vay. Các đối tượng đã cắt ghép hình ảnh, đăng tải thông tin sai sự thật nhằm buộc những người thân, người quen của người vay tiền tham gia vào việc đòi nợ hoặc gây sức ép đối với các “con nợ” để cùng đòi nợ cho chúng.

Cụ thể vào giữa năm 2022, tại một trường THPT ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa), nhiều giáo viên cũng đã bị đối tượng lạ gọi điện uy hiếp, “khủng bố” bằng tin nhắn, gọi điện nhằm gây áp lực với các giáo viên để yêu cầu một phụ huynh có con học ở trường trả nợ.

Theo Ban giám hiệu nhà trường, sự việc tưởng chừng không có gì liên quan này lại gây hoang mang cho nhiều cán bộ, giáo viên của nhà trường. Đặc biệt, có thời điểm các đối tượng còn sử dụng hình ảnh, số điện thoại của các giáo viên đăng tải lên mạng theo chiều hướng xấu để gây áp lực.

"Tấn công" cả cơ quan công quyền

Không chỉ có các vụ việc nêu trên, thời gian gần đây, tại một số địa phương, nhiều cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị của nhà nước đã bị các đối tượng lạ gọi điện “khủng bố” để yêu cầu họ phải đòi nợ thay.

Tại P.An Bình (TP.Biên Hòa), theo một số cán bộ UBND phường, thời gian gần đây, nhiều cán bộ, công chức của phường đã bị đối tượng lạ gọi điện yêu cầu đòi nợ một cán bộ, công chức làm việc tại UBND P.An Bình.

 Chủ tịch UBND P.An Bình Phạm Hoàng Minh cho biết, các đối tượng này biết rõ họ tên, chức vụ và chỉ đích danh từng cán bộ lãnh đạo phường. Khi các cán bộ yêu cầu đối tượng tự liên hệ với người vay hoặc đến trực tiếp cơ quan để làm việc chứ không được làm phiền thì đối tượng không hợp tác, liên tục gọi điện, nhắn tin quấy phá.

Là người trực tiếp nhận điện thoại từ số máy lạ gọi yêu cầu đòi tiền giùm, trung tá Lê Hồng Hải, Trưởng Công an P.An Bình cho biết, đối tượng đã rất ngang nhiên khi gọi điện cho lãnh đạo địa phương và nhiều cán bộ đầu ngành của phường yêu cầu họ phải có trách nhiệm hối thúc một người làm việc trong phường phải trả nợ cho chúng.

Theo trung tá Lê Hồng Hải, qua yêu cầu của đối tượng, địa phương có xác minh thì xác định có một cán bộ làm việc tại UBND phường vay tiền của tổ chức bên ngoài. Việc vay mượn tiền là chuyện của cá nhân hoàn toàn không liên quan đến cơ quan. Hành vi của các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, để xử lý các hành vi này, phải là lực lượng công an cấp huyện trở lên mới có chức năng và các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, xử lý.

Tương tự, thời gian gần đây rất nhiều cán bộ từ lãnh đạo huyện đến một số phòng, ban của H.Thống Nhất đã bị các đối tượng lạ gọi điện thoại “khủng bố” để đòi nợ một cán bộ làm việc tại địa phương này.

 Trưởng ban Tuyên giáo H.Thống Nhất Lê Huy Thiêm cho biết, trong khoảng hơn 1 tháng qua, nhiều cán bộ, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy và nhiều cán bộ lãnh đạo huyện đã bị các đối tượng sử dụng khoảng gần 20 số điện thoại khác nhau gọi điện “khủng bố” để đòi nợ một cán bộ làm việc trong cơ quan này. Qua xác minh, người được các đối tượng đòi nợ cho biết hoàn toàn không có chuyện vay mượn tiền của ai.

“Trong các cuộc gọi, đối tượng đã đọc rõ nhân thân, lai lịch, vợ, chồng, con của các cán bộ để uy hiếp. Đặc biệt, có đối tượng còn dọa sẽ tung hình ảnh, thông tin đời tư của các cán bộ lên mạng xã hội nếu không có trách nhiệm đòi nợ cho chúng. Để tạo áp lực, có đối tượng còn cho rằng, lãnh đạo địa phương đã bao che cho cán bộ cấp dưới việc vay mượn” - ông Lê Huy Thiêm cho biết.

Sau khi nhận các cuộc gọi này, một số cán bộ cũng đã gọi lại vào các thuê bao gọi đến để xác minh thì hầu như không liên lạc được hoặc có đổ chuông nhưng không ai bốc máy.

Ông Lê Huy Thiêm cho biết thêm, với những cuộc gọi “khủng bố” này đã gây lo lắng và tác động đến tinh thần làm việc của một số cán bộ, công chức địa phương, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trật tự trị an. Trước tình trạng trên, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thống Nhất cho rà soát, nắm tình hình để có báo cáo gửi các cơ quan chức năng kiến nghị có biện pháp xử lý nghiêm, không để các đối tượng lộng hành và coi thường pháp luật nhởn nhơ hoạt động.

Trần Danh


Thượng tá NGUYỄN ĐÌNH KHUYÊN, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh:

Phải quản lý chặt các thuê bao điện thoại

Trong các vụ gọi điện xúc phạm danh dự, uy tín hoặc đòi nợ, “khủng bố” người khác, các đối tượng đều sử dụng “sim rác”. Để khống chế, ngăn chặn được tình trạng này, trước hết các nhà mạng và ngành thông tin - truyền thông phải siết chặt công tác quản lý sim, số điện thoại.

 Chính việc quản lý nhà nước về hoạt động đăng ký thuê bao còn lỏng lẻo, tình trạng “sim rác” vẫn được mua bán tràn lan nên các đối tượng tội phạm vẫn lợi dụng các kênh này để lừa đảo hoặc sử dụng vào mục đích “khủng bố”, đòi nợ, xúc phạm danh dự người khác một cách ngang nhiên.

 Luật sư NGUYỄN THỊ HỒNG TUYẾN, Đoàn Luật sư tỉnh:

Có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Dưới góc độ pháp lý, các cán bộ, công chức nhận điện thoại của các đối tượng này đều không phải là chủ thể tham gia trong giao dịch cho vay, do đó họ không có nghĩa vụ trả các khoản nợ cũng như không có quyền buộc người khác thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi mình không phải là bên cho vay hoặc người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Vậy nên, hành vi của các đối tượng là gọi điện thoại hoặc dùng lời lẽ đe dọa yêu cầu các cán bộ, công chức đòi nợ từ các cá nhân trong cơ quan này đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp các cuộc điện thoại này đến từ các công ty tài chính với mục đích đôn đốc, thu hồi nợ, theo các quy định của pháp luật có thể bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng. Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân thực hiện hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh tương ứng được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

Thành Vinh (ghi)


 

Tin xem nhiều