Báo Đồng Nai điện tử
En

Có nên quy hoạch quá nhiều đất ở?

07:09, 29/09/2022

Trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030, Đồng Nai sẽ có gần 30,16 ngàn ha đất ở. Với diện tích đất ở trên, có thể đảm bảo nơi ở cho hơn 10 triệu người dân. Nhiều người cho rằng, quy hoạch quá nhiều đất ở sẽ dẫn đến lãng phí nếu không thu hút người dân đến sinh sống.

Trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030, Đồng Nai sẽ có gần 30,16 ngàn ha đất ở. Với diện tích đất ở trên, có thể đảm bảo nơi ở cho hơn 10 triệu người dân. Nhiều người cho rằng, quy hoạch quá nhiều đất ở sẽ dẫn đến lãng phí nếu không thu hút người dân đến sinh sống.

Đoàn đại biểu HĐND tỉnh đi giám sát về đất đai tại H.Nhơn Trạch. Ảnh: H.Giang
Đoàn đại biểu HĐND tỉnh đi giám sát về đất đai tại H.Nhơn Trạch. Ảnh: H.Giang

Hiện nay, dân số của tỉnh hơn 3,2 triệu người, trong 8 năm tới không thể để tăng thêm gần 7 triệu người để “lấp đầy” diện tích đất ở các địa phương đã quy hoạch. Các khu dân cư xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật không thu hút được người dân đến sinh sống sẽ phải bỏ hoang, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

* Tăng quá nhiều đất ở

Trong Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, địa phương nào trên địa bàn tỉnh cũng tăng diện tích đất ở. Trong đó, 5 địa phương tăng nhiều đất ở là: Long Thành, Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch, Thống Nhất và Long Khánh. Theo lý giải của các địa phương thì trong những năm tới, các công trình giao thông cấp vùng được kết nối, cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa vào khai thác, nhiều khu công nghiệp được thành lập mới và mở rộng sẽ thu hút nhiều người dân từ các tỉnh, thành khác đến sinh sống.

Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Đỗ Chánh Quang cho hay: “Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã giúp cho thời gian di chuyển từ TP.HCM về Long Khánh chỉ gần 1 giờ. Sau đại dịch Covid-19, có xu hướng giãn dân ra các khu vực vùng ven thành phố. TP.Long Khánh rất phù hợp để đầu tư nhà ở vì có không khí trong lành, giao thông thuận lợi. Do đó, thành phố đã quy hoạch tăng thêm gần 900ha đất ở để đáp ứng nhu cầu của người dân”.

Từ nay đến năm 2030, H.Cẩm Mỹ cũng quy hoạch tăng thêm gần 1,5 ngàn ha đất ở, đáp ứng cho khoảng 490 ngàn người. Nếu 2 khu công nghiệp không sớm hoàn thành các thủ tục để thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút doanh nghiệp đầu tư, người lao động đến sinh sống và làm việc thì diện tích đất ở đã quy hoạch rất khó khai thác được hiệu quả theo mục tiêu đặt ra. Tương tự, các địa phương khác như H.Long Thành quy hoạch tăng gần 2,4 ngàn ha đất ở, H.Nhơn Trạch tăng thêm hơn 2 ngàn ha, H.Thống Nhất hơn 700ha.

Việc quy hoạch quá nhiều đất ở dẫn đến một hệ quả là nếu trong kỳ quy hoạch không thể triển khai thực hiện được sẽ dẫn đến quy hoạch “treo”, ảnh hưởng đến các địa phương và tỉnh, đồng thời không khai thác được các lợi thế của đất đai để phát triển kinh tế. Trong hơn 10 năm qua, Đồng Nai đã quy hoạch khá nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị (gần 300 dự án). Tuy nhiên, đến nay số dự án hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật và thu hút được người dân đến sinh sống rất ít. Có những khu dân cư tại H.Long Thành, H.Nhơn Trạch, H.Trảng Bom, TP.Biên Hòa đã hoàn chỉnh hạ tầng nhưng nhiều năm nay vẫn chưa thu hút được người dân đến sinh sống. Vì thế, hình thành nên các khu dân cư bỏ hoang được giới đầu cơ mua đi, bán lại để kiếm lời.

Theo Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức, các huyện, thành phố phải rà soát thật kỹ để bổ sung kế hoạch sử dụng đất cho các dự án phù hợp với quy định của pháp luật và nhu cầu của từng địa phương. Các dự án đưa vào quy hoạch phải triển khai được, tránh tình trạng kéo dài nhiều năm trở thành dự án “treo” ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

* Xem lại nguyên nhân quy hoạch đất ở quá nhiều

HĐND tỉnh vừa tiến hành giám sát về công tác quản lý đất đai tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, qua đó nhận thấy một thực trạng là quy hoạch đất ở tại các xã, thị trấn chưa phù hợp, tạo ra kẽ hở cho việc tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất tràn lan.

Khu đô thị xã Phước An (H.Nhơn Trạch) đã hoàn thành hạ tầng nhưng sau 15 năm chưa có người đến sinh sống
Khu đô thị xã Phước An (H.Nhơn Trạch) đã hoàn thành hạ tầng nhưng sau 15 năm chưa có người đến sinh sống

Đơn cử, ở các huyện: Trảng Bom, Định Quán và Nhơn Trạch, tại những khu vực có nhu cầu về đất thổ cư nhiều đã có dân cư hiện hữu đông đúc, gần đường giao thông lớn thì không quy hoạch đất ở; còn những khu vực sâu bên trong nơi hạ tầng kỹ thuật còn thiếu, yếu, người dân ít có nhu cầu ở lại quy hoạch đất ở nhiều. Do đó, một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng quy hoạch này để mua đất, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng rồi phân lô, bán nền, đẩy giá đất ở Đồng Nai tăng cao. Người mua bán đất chủ yếu từ nơi khác đến với mục đích “lướt sóng” đợi giá tăng sẽ bán ra.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Tạ Quang Trường đánh giá: “Sau khi tiến hành giám sát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tách thửa, đồng sử dụng đất đai ở một số địa phương và tỉnh thì thấy việc quy hoạch đất ở tại một số huyện chưa thực sự phù hợp. Có những khu được quy hoạch đất ở nằm sâu trong các khu đất rẫy đang sản xuất nông nghiệp, thiếu đường giao thông và các hạ tầng khác. Do đó, dù có quy hoạch và cho chuyển mục đích sử dụng thành đất ở cũng ít có người dân đến sinh sống”.

Hiện nay, Sở TN-MT đã cập nhật quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 trên DNAILIS công khai cho người dân biết về quy hoạch đất đai, dự án ở từng khu vực. Dựa vào quy hoạch trên, đi thực tế nhiều thửa đất, tờ bản đồ đã quy hoạch đất ở thì thấy hiện trạng là những nơi đồng không mông quạnh, dân cư thưa thớt, đường sá đi lại khó khăn. Một số người dân tại khu vực này cũng bất ngờ vì biết khu rẫy, vườn, ruộng của mình lại được quy hoạch đất ở.

Trưởng ban Kinh tế -  ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Kim Phước cho rằng, các địa phương nên làm chặt chẽ từ khâu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tính toán các loại đất cho phù hợp để khai thác được hiệu quả của đất đai, tránh tạo kẽ hở cho các cá nhận, tổ chức tách thửa tràn lan để chuyển nhượng kiếm lời.

Hương Giang

Tin xem nhiều