Báo Đồng Nai điện tử
En

Khai thác tốt ưu thế của các khu đô thị

09:03, 08/03/2022

Trong giai đoạn 2011-2020, Đồng Nai quy hoạch hơn 300 dự án khu đô thị (KĐT), khu dân cư (KDC) với diện tích khoảng 9,2 ngàn ha...

Trong giai đoạn 2011-2020, Đồng Nai quy hoạch hơn 300 dự án khu đô thị (KĐT), khu dân cư (KDC) với diện tích khoảng 9,2 ngàn ha. Sau 10 năm, số dự án hoàn thành không nhiều và phải chuyển qua giai đoạn tiếp theo. Tỉnh, các địa phương đã đưa ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ, khai thác ưu thế của những dự án KĐT, KDC.

H.Nhơn Trạch quy hoạch nhiều khu đô thị triển khai trong giai đoạn 2021-2030
H.Nhơn Trạch quy hoạch nhiều khu đô thị triển khai trong giai đoạn 2021-2030. Ảnh: P.TÙNG

Căn cứ vào dự báo tốc độ đô thị hóa trong những năm tới, Đồng Nai đã quy hoạch hơn 320 dự án KĐT, KDC để thực hiện từ nay đến năm 2030. Đây là lĩnh vực tỉnh dành nhiều quỹ đất để phát triển và tập trung ở những vùng sẽ phát triển công nghiệp.

* Lợi thế từ kết nối giao thông vùng

Hiện nay, Chính phủ, tỉnh đang tiến hành đầu tư nhiều công trình hạ tầng giao thông tại Đồng Nai nhằm mở rộng kết nối giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực phía Nam. Đồng Nai sẽ là đầu mối giao thông của vùng khi các dự án về sân bay, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương, đường vành đai 3, 4; đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu… Theo đó, từ Đồng Nai đi các tỉnh, thành khác sẽ rất thuận tiện, thời gian được rút ngắn 60-70% so với trước đây. Vì thế, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp (DN) rất muốn đầu tư các KĐT trên địa bàn tỉnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG, tỉnh sẽ lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực để thực hiện các dự án KDC, KĐT để tạo điểm nhấn cho các đô thị. Trong đó, sẽ chú ý đến kết nối giao thông, đầu tư các dịch vụ tiện ích đi kèm để thu hút người dân các nơi đến sinh sống. Trong năm 2022 và những năm tới, tỉnh cũng sẽ ưu tiên quỹ đất mời gọi doanh nghiệp đầu tư nhà ở công nhân, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu về nơi ở cho những người có thu nhập thấp.

Đến đầu tháng 3-2022, nhiều tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài đã đầu tư các KDC, KĐT ở Đồng Nai thông qua hình thức đăng ký thực hiện dự án, chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng dự án, đấu giá đất như: Nam Long, Kim Oanh, Đất Xanh, Novaland, Hưng Thịnh, FLC, Capital Land, Taekwang, Vingroup, Tuấn Lộc, Sun Group…

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam cho biết: “Khu vực phía Đông TP.HCM gồm: TP.Thủ Đức, TP.Biên Hòa, H.Long Thành, H.Nhơn Trạch… là nơi có nhiều tiềm năng để thu hút các tập đoàn trong nước, nước ngoài đầu tư các dự án bất động sản. Qua hơn 2 năm xảy ra dịch bệnh Covid-19, các nhà đầu tư vẫn tìm cách sở hữu các khu đất được quy hoạch đất ở tại các vùng trên để triển khai các dự án. Các tỉnh, thành đã trở lại trạng thái bình thường mới sẽ là cơ hội cho những DN đầu tư vào bất động sản. Dự kiến trong vài năm tới, thị trường bất động sản sẽ phục hồi và trở lại sôi động”.

Quỹ đất lớn dành cho phát triển các dự án KĐT tại TP.Thủ Đức (TP.HCM), TP.Biên Hòa không còn nhiều, trên đất hầu hết có người dân sinh sống nên thực hiện một công trình sẽ mất nhiều thời gian cho tái định cư và thu hồi đất. Do đó, các DN sẽ tìm đến những địa phương như: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Cẩm Mỹ và Long Khánh - những nơi quỹ đất còn nhiều và chủ yếu là đất nông nghiệp, dân cư thưa thớt nên việc bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ nhanh hơn.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh (TP.HCM) Nguyễn Nam Hiền cho hay: “Tại Đồng Nai, tập đoàn đang triển khai dự án chung cư cao tầng ở TP.Biên Hòa và dự tính sẽ tiếp tục đầu tư thêm dự án ở H.Nhơn Trạch”.

* Cần giải pháp thu hút người dân đến sinh sống

Các KĐT, KDC ở Đồng Nai từ khi khởi công xây dựng đã được khách hàng đặt mua bằng cách hợp đồng giữ chỗ, hợp tác đầu tư… Vì thế, có nhiều dự án khi chưa hoàn thành hạ tầng đã được đặt mua gần hết và người mua đa số là đầu tư. Do mua đầu tư nên khách hàng đợi sau một thời gian có lời sẽ bán lại nên có những lô đất, căn nhà được chuyển nhượng qua tay nhiều người, nhưng rất ít người đến sinh sống. Điều này dẫn đến hình thành các KĐT, KDC vắng bóng người dù nằm ở những vị trí gần trung tâm huyện. Việc này không chỉ xảy ra ở Đồng Nai mà là tình trạng chung của nhiều dự án bất động sản ở các tỉnh, thành khác.

Ông Trần Minh Anh, xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi làm công nhân phải thuê nhà nên rất muốn mua được lô đất trong KDC để làm nhà ổn định cuộc sống, nhưng đất trong dự án giá từ 2-3 tỷ đồng/lô, với thu nhập hiện nay của tôi và vợ sẽ không mua nổi. Do đó, tôi đang đợi tới đây có nhà ở bán cho người thu nhập thấp sẽ mua”.

Nhu cầu về nhà, đất ở tại Đồng Nai rất lớn, nhất là khu vực Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom nhưng chủ yếu là các đối tượng có thu nhập thấp. Vì vậy, các KĐT khi hoàn thành có giá bán từ 4-10 tỷ đồng/căn sẽ rất khó thu hút người ở, vì người có nhu cầu thực thì không đủ điều kiện, người đủ khả năng mua chủ yếu là đầu tư. Dự án xây dựng xong, nhà đầu tư bán sản phẩm thu hồi vốn, người mua không đến sinh sống, địa phương sẽ khó phát triển được kinh tế khu vực đó.

Khánh Minh

Tin xem nhiều