Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhộn nhịp mùa nấm tết

An Nhơn
08:21, 29/12/2023

Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thời gian này, bà con làng nấm Bàu Cối (ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) đang tất bật chuẩn bị cho mùa vụ nấm tết.

Chị Nguyễn Thị Huê (ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) tại cơ sở sản xuất phôi nấm của gia đình. Ảnh: A.Nhơn
Chị Nguyễn Thị Huê (ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) tại cơ sở sản xuất phôi nấm của gia đình. Ảnh: A.Nhơn

Thời tiết diễn ra thuận lợi, giá nấm đang nhích tăng dần lên, bà con nông dân hy vọng sẽ có một vụ thu hoạch nấm “được mùa, được giá” đế đón cái Tết sung túc, vui tươi, đầm ấm.

* Hy vọng mùa nấm tết được mùa, được giá

Một ngày cuối tháng 12-2023, chúng tôi đến tham quan cơ sở sản xuất phôi nhiều loại nấm với quy mô rộng hàng ngàn m2 của vợ chồng chị Nguyễn Thị Huê - anh Nguyễn Văn Luật tại ấp Bàu Cối. Lúc này, tại cơ sở có khoảng 20 lao động đang tập trung làm các công việc: đóng bịch, treo bịch, cấy phôi nấm, khuân vác nấm lên xe chở đi tiêu thụ... Mỗi người mỗi việc, ai cũng khẩn trương, không khí khá nhộn nhịp, hối hả.

Theo kinh nghiệm của những người trồng nấm, trong 1 năm, người nông dân có thể trồng được 3 vụ nấm mèo. Đối với vụ nấm ngày thường, sản lượng chỉ đạt khoảng 3-3,5 tạ nấm/10 ngàn bịch. Còn vụ nấm tết, sản lượng có thể tăng lên từ 4,5-5 tạ nấm/10 ngàn bịch, vì thời tiết cuối năm thường diễn ra thuận lợi cho cây nấm phát triển tốt.

Tiếp chuyện chúng tôi, chị Nguyễn Thị Huê cho biết, mùa nấm tết đã khởi động khoảng 2 tháng nay và đang vào giai đoạn cao điểm của công tác chuẩn bị mùa vụ. Những ngày này, nhu cầu trồng nấm của người dân tăng cao, nhất là nấm mèo nên cơ sở làm phôi nấm của gia đình cũng tăng hết công suất.

Ngày thường, cơ sở sản xuất của chị Huê sản xuất bình quân từ 7-8 ngàn bịch phôi nấm/ngày, nhưng dịp cuối năm gia đình chị phải tăng sản xuất từ 14-15 ngàn bịch/ngày để đáp ứng nhu cầu của các trang trại làm nấm tết trong vùng cũng như ngoài tỉnh. Ngoài các thành viên trong gia đình, chị còn phải thuê thêm khoảng 15 lao động địa phương đến làm việc với tiền công chi trả từ 6-12 triệu đồng/người/tháng, tùy theo tính chất công việc.

“Người nông dân thường gọi mùa nấm tết là vụ thuận hay là vụ chính trong năm, bởi thời tiết cuối năm thường mát mẻ và rất thích hợp cho cây nấm sinh trưởng, phát triển. Cho nên, bà con tập trung đầu tư lớn vào vụ này với hy vọng có mùa nấm được mùa, được giá, để đón cái Tết cổ truyền thật sung túc” - chị Huê chia sẻ. 

Rời cơ sở sản xuất phôi nấm của chị Huê, chúng tôi đến tham quan trang trại nuôi nấm mèo rộng hàng ngàn m2 của gia đình anh Đặng Văn Năm ở tổ 1, ấp Bàu Cối. Anh Năm là một trong những hộ gắn bó lâu năm với nghề nuôi trồng nấm và có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào phát triển mô hình trồng nấm tại địa phương. Hiện nấm mèo của gia đình anh trồng đang bắt đầu bung tai rất đều và đẹp mắt. Anh đã áp dụng kinh nghiệm nhiều năm trong nghề và kỹ thuật hiện đại vào chăm sóc cho nấm mọc rải đều để có thể cho thu hoạch lần lượt vào dịp trước, trong và sau Tết.

Anh Năm cho hay, gia đình anh hiện có 7 trại nấm, trung bình mỗi trại treo nuôi từ 10 ngàn bịch nấm trở lên. Riêng dịp Tết năm nay, gia đình anh đã đầu tư gần 200 triệu đồng để treo nuôi trên 50 ngàn bịch nấm mèo.

“Gia đình tôi hy vọng rất nhiều vào mùa nấm này, bởi khí hậu năm nay thuận lợi, thời tiết se lạnh sẽ giúp cho cây nấm phát triển tốt và đạt sản lượng cao. Hơn nữa, giá nấm mèo đang nhích tăng dần lên khoảng 90 ngàn đồng/kg. Trong khi nấm mèo chỉ cần có giá khoảng 80 ngàn đồng/kg là bà con nông dân đã có lời” - anh Năm bộc bạch.

Mùa nấm tết này, ông Nguyễn Tiến Hùng (ở ấp Bàu Cối) cũng đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để nuôi trồng 120 ngàn bịch nấm mèo trong khu trang trại của gia đình. Lần này, ông quyết định nuôi trồng nấm sớm hơn những năm trước để có sản phẩm kịp bán vào dịp trước Tết.

“Hiện gia đình đã nhận các đơn hàng mua nấm mèo từ miền Trung với giá trên 90 ngàn đồng/kg. Với mức giá hiện nay đã giúp cho gia đình có lời để đón Tết đầy đủ, vui vẻ” - ông Hùng phấn khởi chia sẻ.

* Phát triển làng nghề trồng nấm

Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Quang Lê Viết Long cho biết, nghề nuôi trồng nấm tại ấp Bàu Cối được hình thành từ năm 2000 và duy trì cho đến nay đã 23 năm. Đầu năm 2019, làng nấm ấp Bàu Cối chính thức được công nhận là làng nghề với tên gọi “Làng nghề nuôi trồng nấm Bàu Cối”. Hiện có 130 hộ làm nghề nuôi trồng nấm, trong đó tỷ lệ trồng nấm mèo chiếm tới 90%.

Làng nghề nuôi trồng nấm Bàu Cối đã tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn
Làng nghề nuôi trồng nấm Bàu Cối đã tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn

Thời gian qua, được sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp đã giúp cho mô hình trồng nấm ở Bàu Cối ngày càng phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực.

“Làng nghề nuôi trồng nấm đã tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, tạo thu nhập ổn định cho người làm nấm, góp phần đạt chỉ tiêu tăng thu nhập, đạt thu nhập trong tiêu chí nông thôn mới tại địa phương. Đặc biệt, từ khi làng nghề trồng nấm hình thành và phát triển thì các ngôi nhà tôn, lá trước đây đã được thay bằng các ngôi nhà xây kiên cố, khang trang. Đường giao thông nông thôn được bê tông thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản và mang lại diện mạo nông thôn mới, con người mới, sức sống mới ở địa phương” - ông Long cho hay.

Anh ĐẶNG VĂN NĂM (ngụ ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) chia sẻ: “Nghề làm nấm trải qua những lúc thăng trầm bởi sự ảnh hưởng của “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Tuy nhiên, cũng nhờ nghề này đã giúp cho nhiều gia đình vùng Bàu Cối vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống”.

Bên cạnh đó, làng nghề trồng nấm phát triển đã giúp cho người dân có việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo, góp phần giữ gìn an ninh trật tự ổn định, đảm bảo tại địa phương. Đặc biệt, công tác bảo vệ môi trường được đảm bảo vì xã có lập tổ tự quản về vệ sinh môi trường tại làng nghề do các đoàn thể của xã phụ trách. Tổ hoạt động thường xuyên và có nhiệm vụ hướng dẫn bà con thực hiện đúng về việc phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định, thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, đảm bảo thực hiện tiêu chí “xanh, sạch, đẹp và văn minh” khu dân cư kiểu mẫu ấp Bàu Cối và nông thôn mới kiểu mẫu xã Bảo Quang.

“Nghề nuôi trồng nấm rất đảm bảo về môi trường, vì người trồng chỉ sử dụng nước để tưới khi đã treo bịch nấm lên giàn. Nguyên liệu đóng bịch nấm từ mùn cưa, sau khi đóng bịch được hấp xử lý bằng hơi nước rồi cấy meo nấm, ủ, treo lên giàn, rạch bịch, tưới nước và thu hoạch. Quá trình nuôi trồng nấm đều diễn ra trong môi trường tự nhiên, không sử dụng chất kích thích hoặc thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi thu hoạch nấm xong, bịch thải ra bán cho người sản xuất nấm rơm; mùn cưa từ việc sản xuất nấm rơm sử dụng để bón cây, bịch ny-lông được thu gom và bán để tái chế” - ông Long cho hay.

Cũng theo ông Long, trong năm 2023, Làng nghề nuôi trồng nấm Bàu Cối cung cấp sản lượng ra thị trường ước đạt 1.650 tấn nấm các loại. Đặc biệt, mùa nấm tết năm nay diễn ra thuận lợi, thời tiết phù hợp cho cây nấm phát triển, giá cả đang ổn định ở mức cao nên bà con nông dân rất phấn khởi trông đợi vào mùa “bội thu” sắp đến gần.

An Nhơn

 

Tin xem nhiều