Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuất khẩu trái cây gặp khó khăn ngay từ đầu năm

Bình Nguyên
08:37, 30/03/2024

Năm 2023, xuất khẩu trái cây đạt kỷ lục cả về sản lượng và giá trị. Nhưng bước sang năm 2024, tình hình xuất khẩu trái cây gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, ngay từ tháng 1, xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc bị giảm sút; các thị trường xa như: Hoa Kỳ, châu Âu… cũng bị ảnh hưởng lớn do chi phí vận chuyển tăng cao.

Một doanh nghiệp tại huyện Thống Nhất đóng chuối xuất khẩu. Ảnh: B.Nguyên
Một doanh nghiệp tại huyện Thống Nhất đóng chuối xuất khẩu. Ảnh: B.Nguyên

Dự báo cả năm 2024, xuất khẩu trái cây tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, xuất khẩu trái cây vẫn có những điểm sáng vì nhiều thị trường khó tính đã và sẽ tiếp tục mở cửa cho trái cây Việt Nam.

* Phí vận chuyển tăng cao

Ngay từ đầu năm 2024, tình hình xuất khẩu trái cây đã đối mặt với khó khăn lớn. Cụ thể, ngay từ tháng 1, giá chuối cấy mô xuất khẩu rơi thẳng đứng, có thời điểm chỉ còn gần 2 ngàn đồng/kg. Giá các mặt hàng trái cây khác như xoài, thanh long… cũng giảm mạnh trong thời điểm này. Nguyên nhân là do xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị đình đốn, chủ yếu vì sức mua của người tiêu dùng chậm.

Với các thị trường xa, việc xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá vận chuyển tàu biển tăng cao, thời gian vận chuyển kéo dài. Theo một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu các mặt hàng trái cây, khu vực Vịnh Aden và Biển Đỏ xảy ra tình trạng tàu biển chuyên chở hàng hóa bị tấn công. Do đó, một số hãng vận tải biển dừng vận chuyển hàng hóa qua khu vực Biển Đỏ, chuyển hướng đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của châu Phi. Điều này khiến hàng hóa vận chuyển bằng đường biển giữa châu Á với châu Âu và Bờ Đông Bắc Mỹ mất nhiều thời gian hơn. Cước phí vận chuyển và phí bảo hiểm hàng hóa trao đổi giữa các khu vực này tăng thêm. Hiện tượng thiếu container rỗng có thể xảy ra cục bộ.

Các DN xuất khẩu chịu tác động không nhỏ khi giá cước tàu biển tăng cao. Điều DN xuất khẩu mặt hàng trái cây tươi lo ngại nhất là thời gian giao hàng bị kéo dài có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng và gây hao hụt lớn sản phẩm. Bên cạnh đó, những bất ổn về chính trị liên tiếp diễn ra có thể khiến người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu trong năm 2024.

Theo Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vina T&T Group (Thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Đình Tùng, về tình hình xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc trong năm 2024, chỉ có trái sầu riêng mang lại giá trị cao cho cả DN và nông dân. Đối với Hoa Kỳ và các quốc gia khác ở châu Âu, tình hình xuất khẩu gặp hạn chế do chi phí vận chuyển tăng gấp đôi (từ 80 triệu đồng/container lên 160 triệu đồng/container). Điều này làm giá trái cây Việt Nam tăng cao hơn và chịu áp lực cạnh tranh rất lớn với trái cây cùng chủng loại tại các nước này.

Cùng quan điểm, đại diện Công ty TNHH NNT Food (Thành phố Hồ Chí Minh) Bùi Tấn Lợi cho biết, cước vận tải tăng cao nên DN hầu như không có các đơn hàng xuất đi các nước xa. Hiện đơn hàng của DN tính theo tháng chứ không phải theo quý hay năm như trước. Giá cước tàu biển tăng nhanh, thời gian giao hàng dài khiến giá bán đến tay người tiêu dùng tăng cao. Trong khi đó, kinh tế khó khăn khiến sức tiêu thụ của người tiêu dùng cũng giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo thời gian tới, xuất khẩu trái cây sẽ tiếp tục gặp khó.

Theo Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vina T&T Group (Thành phố Hồ Chí Minh) NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, để giảm áp lực cạnh tranh cho các mặt hàng trái cây tươi xuất khẩu đi các thị trường xa, DN xuất khẩu phải canh theo mùa vụ, tập trung xuất khẩu vào những thời điểm các nước này không có loại trái cây cùng chủng loại. Ngoài ra, nhiều thị trường khó tính đang mở cửa cho các mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam cũng là cơ hội cho việc đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng trái cây tươi.

* Nhiều cơ hội trong khó khăn

Tuy khởi đầu với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhiều DN, đơn vị xuất khẩu trái cây tươi vẫn đặt kỳ vọng xuất khẩu sẽ khởi sắc trong thời gian tới. Theo đó, từ cuối tháng 2-2024, tình hình xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc nhiều thuận lợi hơn. Giá chuối cấy mô xuất khẩu tăng từng ngày, trở về mức nông dân trồng chuối có lợi nhuận tốt. Giá các mặt hàng trái cây xuất khẩu khác cũng tăng cao hơn so với tháng đầu năm 2024.

Đóng sầu riêng xuất khẩu tại một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây ở thành phố Long Khánh. Ảnh: B.Nguyên

Giám đốc Hợp tác xã Thanh Bình (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) Lý Minh Hùng chia sẻ, từ sau Tết Nguyên đán 2024, giá chuối xuất khẩu tăng cao trở lại, hoạt động xuất khẩu cũng có nhiều thuận lợi hơn. Để không phụ thuộc vào một thị trường, thời gian qua, hợp tác xã đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo đó, năm 2023, đơn vị đã xuất khẩu mạnh vào thị trường Trung Đông, Hàn Quốc. Đây cũng là hướng đi mà hợp tác xã tiếp tục tập trung trong năm 2024 để có đầu ra xuất khẩu bền vững hơn.

Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Addicon Logistics Managelman (Thành phố Hồ Chí Minh) Bùi Vân Kiều có cái nhìn khá lạc quan, tuy vẫn phụ thuộc thị trường lớn là Trung Quốc nhưng xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam năm 2024 tiếp tục có những điểm thuận lợi khi đi vào một số thị trường mới tăng trưởng rất tốt như: Trung Đông và các nước châu Á. Hiện nay, một số thị trường khó tính đang tiếp tục mở cửa cho nhiều loại trái cây của Việt Nam. Có thể việc tăng trưởng nhanh về sản lượng ở những thị trường mới này chưa cao nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho trái cây Việt Nam nếu sản phẩm chứng minh được chất lượng.               

                Bình Nguyên

Tin xem nhiều