Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng Dầu Giây trở thành đô thị văn minh

Hoàng Lộc
08:20, 26/12/2023

TT.Dầu Giây (H.Thống Nhất) là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh, vùng Đông Nam bộ với Tây nguyên và duyên hải Nam Trung bộ. Đây cũng là đô thị có chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn nhất tỉnh.

Hạ tầng giao thông quốc gia đi qua TT.Dầu Giây (H.Thống Nhất). Ảnh: H.LỘC

Do đó, khai thác thế mạnh để đưa đô thị phát triển xứng tầm là nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn từ nay đến năm 2030 của H.Thống Nhất.

* Đầu mối giao thông của tỉnh và khu vực

TT.Dầu Giây có lợi thế giao thông kết nối bậc nhất trong các đô thị của tỉnh. Nơi đây hội tụ các tuyến giao thông huyết mạch quốc gia như: quốc lộ 1, quốc lộ 20; đầu mối các đường cao tốc: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Phan Thiết, sắp tới là Dầu Giây - Liên Khương. Về đường tỉnh, ngoài các tuyến hiện có, tới đây đường 769 từ Dầu Giây tới H.Long Thành sẽ được mở rộng, đường 770B từ H.Định Quán qua H.Thống Nhất đến H.Long Thành và đường 772 từ H.Trảng Bom qua H.Thống Nhất đi H.Xuân Lộc được đầu tư xây mới… Các tuyến đường này sẽ giúp TT.Dầu Giây dễ dàng kết nối với các huyện, thành phố trong tỉnh, đồng thời kết nối các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực Tây nguyên, duyên hải Nam Trung bộ.

Trên địa bàn huyện có chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn nhất tỉnh đã đi vào hoạt động giai đoạn 1. Tới đây, huyện mời gọi đầu tư giai đoạn 2, đồng thời mời gọi đầu tư vào các khu đất quy hoạch thương mại, dịch vụ xung quanh chợ.

Theo Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 TT.Dầu Giây giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do UBND tỉnh ban hành ngày 29-9-2023, TT.Dầu Giây có diện tích hơn 1,4 ngàn ha. Năm 2025, cơ bản đạt đô thị loại IV, dân số khoảng 50 ngàn người; năm 2030 trở thành vùng phát triển đô thị và công nghiệp của tỉnh, dân số đạt 65 ngàn người.

Theo đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 mới được tỉnh phê duyệt tháng 9-2023, TT.Dầu Giây sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bố trí dân cư, hạ tầng xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển bền vững và hài hòa với môi trường cảnh quan. Năm 2025, thị trấn cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại IV và tiếp tục hoàn thiện ở giai đoạn sau.

Cũng theo đồ án trên, TT.Dầu Giây là trung tâm hành chính, chính trị của huyện, trung tâm tổng hợp về kinh tế, văn hóa, tài chính, giáo dục - đào tạo, y tế của H.Thống Nhất; trở thành vùng phát triển đô thị, công nghiệp và dịch vụ; một điểm trên trục hành lang kinh tế trọng điểm dọc quốc lộ 1 và là đô thị tổng hợp các chức năng thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp.

Chủ tịch UBND TT.Dầu Giây Trần Văn Trung cho biết, thị trấn đang trong quá trình xây dựng đô thị đạt chuẩn văn minh. Các lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng kết nối, thương mại, công nghiệp và giáo dục sẽ được tập trung khai thác. Trong đó, về hạ tầng, các tuyến đường nội thị, đường kết nối vào giao thông tỉnh, giao thông quốc gia được ưu tiên triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại và tạo thuận lợi phát triển thương mại.

Tính đến cuối năm 2023, TT.Dầu Giây đã cơ bản thực hiện đạt 8/9 tiêu chí với 51/52 tiểu tiêu chí (theo Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ) về đô thị văn minh, còn 1 tiêu chí là tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chưa đạt, chính quyền địa phương đang nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân tham gia.

* Hạt nhân cho TX.Thống Nhất

Chia sẻ về định hướng phát triển của TT.Dầu Giây, Chủ tịch UBND H.Thống Nhất Mai Văn Hiền cho rằng, đây là đô thị có nhiều lợi thế phát triển. Ngoài lợi thế số 1 về giao thông kết nối, đô thị còn quỹ đất công nhiều (đất cao su), đồ án quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 đã được tỉnh phê duyệt và huyện đang thực hiện nhiệm vụ quy hoạch chi tiết. Tới đây, huyện sẽ bám vào các quy hoạch đã được phê duyệt để đầu tư và mời gọi đầu tư các dự án giao thông, nhà ở, giáo dục, y tế, tạo tiền đề cho phát triển thị trấn và vùng phụ cận.

Về kinh tế, tương lai TT.Dầu Giây sẽ ưu tiên phát triển thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng. Khu công nghiệp Dầu Giây hiện hữu sẽ được mở rộng thêm 145ha. Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây sẽ mời gọi đầu tư giai đoạn 2. Huyện sẽ đẩy nhanh thực hiện thủ tục cần thiết để đưa các khu đất quy hoạch thương mại - dịch vụ trên địa bàn thị trấn ra đấu giá, khai thác nguồn thu để đầu tư hạ tầng và thúc đẩy hình thành các dự án khu đô thị, khu dân cư, trung tâm thương mại thu hút người dân đến sinh sống.

Về nhà ở, huyện đã quy hoạch 4 dự án, trong đó có 2 dự án tại TT.Dầu Giây là: dự án Nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% của dự án Khu dân cư A1-C1, diện tích hơn 9ha và dự án Khu nhà ở xã hội gần Trường đại học Công nghệ Miền Đông chuẩn bị lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư.

Huyện đưa vào quy hoạch hàng trăm ha đất ở thị trấn và vùng phụ cận để triển khai các hạ tầng trường học, trung tâm y tế, công trình văn hóa thể thao. Trong đó, về giáo dục, huyện chủ trương không thành lập mới trường công mà mời gọi đầu tư xây dựng các trường tư thục, gồm cả giáo dục văn hóa và đào tạo nghề cho ngành công nghiệp và dịch vụ. Tương tự, sẽ có một bệnh viện chất lượng cao khoảng 6ha tại TT.Dầu Giây và 1 bệnh viện 5ha tại xã Gia Tân 1 nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Trong tương lai, TT.Dầu Giây là đô thị văn minh, là hạt nhân của 4 đô thị loại V ở vùng phụ cận gồm: Lộ 25, Quang Trung, Hưng Lộc và Xuân Thiện. Sau năm 2030, các đô thị này là cơ sở để H.Thống Nhất xây dựng quy hoạch trở thành thị xã.

Về giải pháp, huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nhằm tạo môi trường sống tốt cho người dân. Thực hiện dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng. Phát huy hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng và môi trường.

Hoàng Lộc

 

Tin xem nhiều