Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng trăm cơ sở chăn nuôi không phép

Hoàng Lộc
07:35, 27/09/2023

Sở TN-MT và UBND các huyện, TP.Long Khánh vừa kết thúc đợt tổng kiểm tra gần 10 ngàn cơ sở chăn nuôi. Có rất nhiều cơ sở chưa có thủ tục đảm bảo môi trường (giấy phép, giấy xác nhận, báo cáo đánh giá tác động môi trường), vi phạm xả thải và xây dựng.

Trang trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH H.G.P. (xã Phú An, H.Tân Phú) từng bị phạt hơn nửa tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 6 tháng vì vi phạm quy định về môi trường
Trang trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH H.G.P. (xã Phú An, H.Tân Phú) từng bị phạt hơn nửa tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 6 tháng vì vi phạm quy định về môi trường. Ảnh: H.LỘC

Đáng chú ý, có gần 330 cơ sở có hợp đồng chăn nuôi cho các công ty, tập đoàn nước ngoài nhưng không có thủ tục về đảm bảo môi trường.

Không giấy phép, vi phạm quy định về môi trường

Huyện Thống Nhất có hơn 1,2 ngàn cơ sở chăn nuôi quy mô từ hộ gia đình đến trang trại nhưng chỉ có gần 100 cơ sở được cấp thủ tục về bảo vệ môi trường. Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện tiến hành kiểm tra 143 cơ sở, kết quả có 29 cơ sở vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cấp xã kiểm tra 286 cơ sở, có 63 cơ sở vi phạm.

Ông Bùi Văn Khương, quản lý cơ sở chăn nuôi heo tại ấp Hưng Thịnh, xã Hưng Lộc (H.Thống Nhất) cho biết, trại có quy mô 1,4 ngàn con heo, có hệ thống xử lý nước thải nhưng đã xuống cấp, mùa mưa nước thải tràn ra môi trường. Tháng 4-2023, trại bị xử phạt hành chính 140 triệu đồng và phải ngưng chăn nuôi để khắc phục hệ thống xử lý nước thải.

“Chúng tôi đã cải tạo chuồng heo để nuôi lươn không bùn. Hiện mới trong giai đoạn thử nghiệm khoảng 100 ngàn con, nếu thuận lợi sẽ chuyển hẳn sang nuôi lươn để giảm tác động xấu đến môi trường” - ông Khương cho hay.

Phó trưởng phòng TN-MT H.Thống Nhất Trần Thị Minh Hải cho hay, sau đợt tổng kiểm tra, huyện nhận thấy còn nhiều cơ sở chăn nuôi chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường; chưa đầu tư bạt chống thấm, chống tràn ở các hố chứa nước thải; có trang trại còn làm đường ống xả nước thải chưa xử lý ra môi trường.

Huyện Tân Phú không phải là địa phương chăn nuôi lớn nhưng vi phạm môi trường, xây dựng vẫn nhiều. Từ đầu năm đến nay, huyện tiến hành kiểm tra 38 cơ sở thì có 21 cơ sở chưa có giấy phép về môi trường, 13 cơ sở vi phạm quy định bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi.

Theo Phòng TN-MT H.Tân Phú, do nhiều trang trại chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc có đầu tư nhưng không vận hành thường xuyên dẫn đến việc để nước thải chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường, gây bức xức trong nhân dân. Một số cơ sở xây dựng chưa phù hợp quy hoạch sử dụng đất của huyện dẫn đến không được cấp thủ tục môi trường.

Trang trại chăn nuôi heo hậu bị của Công ty TNHH H.G.P. tại ấp 5, xã Phú An (H.Tân Phú) có quy mô 10 ngàn con. Quá trình chăn nuôi, trang trại vận hành không thường xuyên hệ thống xử lý nước thải, chưa thực hiện biện pháp giảm mùi hôi, không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Trang trại đã bị UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính hơn nửa tỷ đồng và đình chỉ hoạt động 6 tháng. Vào tháng 8-2023, sau khi hoàn thành nộp phạt và xây dựng mới hệ thống xử lý nước thải 200m3/ngày, trang trại được UBND tỉnh chấp thuận cho hoạt động trở lại nhưng không vượt quá 50% quy mô công suất (tương đương 5 ngàn con heo).

Tại các huyện: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Thành, Trảng Bom và TP.Long Khánh, quá trình kiểm tra cũng phát hiện hàng trăm trang trại xây dựng không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, không có giấy phép hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Khắc phục dần hạn chế của ngành chăn nuôi

Đồng Nai là tỉnh chăn nuôi lớn của cả nước với khoảng 2,6 triệu con heo và 26 triệu con gia cầm. Những năm qua, sự phát triển của ngành chăn nuôi đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập cho người dân, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, do chăn nuôi vượt mật độ, xây dựng chuồng trại không theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chưa đáp ứng tiêu chí về môi trường đã gây ra không ít hệ lụy, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân, mục tiêu phát triển bền vững mà tỉnh đang nỗ lực xây dựng.

Để từng bước khắc phục các tồn tại trên, đồng thời đưa ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, đầu năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 296/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh sách 3.006 cơ sở chăn nuôi phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi và Kế hoạch số 199/KH-UBND về triển khai tổng kiểm tra việc chấp hành quy định bảo vệ môi trường đối với gần 10 ngàn cơ sở chăn nuôi. Tỉnh giao Sở NN-PTNT và TN-MT chủ trì thực hiện các quyết định, kế hoạch trên.

Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn cho rằng, hiện Sở TN-MT đã hoàn thành đợt tổng kiểm tra các cơ sở chăn nuôi thuộc thẩm quyền tỉnh quản lý, đang chờ báo cáo kết quả kiểm tra từ UBND cấp huyện để hoàn thiện báo cáo, tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch số 199 về tổng kiểm tra môi trường chăn nuôi. Theo ông Toàn, báo cáo sơ bộ của các địa phương cho thấy, tình trạng vi phạm môi trường trong chăn nuôi vẫn còn nhiều.

Chủ tịch UBND H.Thống Nhất Mai Văn Hiền chia sẻ, thời gian qua, huyện nỗ lực khắc phục các tồn tại của ngành chăn nuôi bằng cách ra quân tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường chăn nuôi; lập các tổ kiểm tra, xử phạt và yêu cầu tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải theo quy định; tổ chức đối thoại với người chăn nuôi về công tác bảo vệ môi trường và kết nối với đơn vị tư vấn hỗ trợ người chăn nuôi đầu tư công trình, làm thủ tục môi trường.

“Huyện đang cố gắng khắc phục các tồn tại của ngành chăn nuôi. Quan điểm của huyện là tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn nhưng phải tuân thủ các quy định về xây dựng, môi trường. Những trường hợp vi phạm huyện kiên quyết xử lý” - ông Hiền nói.

Tại các buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đều nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền các cấp phải đặc biệt chú ý đến công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Kiên quyết đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, di dời cơ sở không phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gần nơi tập trung đông dân cư, gần nguồn nước…

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều