Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải pháp kết nối giao thương vùng

08:02, 04/02/2023

Vùng Đông Nam bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây là vùng kinh tế năng động, đi đầu về đổi mới sáng tạo và hội nhập kinh tế quốc tế.

Vùng Đông Nam bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây là vùng kinh tế năng động, đi đầu về đổi mới sáng tạo và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan gian trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Đồng Nai tại hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: Hoàng Hải
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan gian trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Đồng Nai tại hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: Hoàng Hải

Những năm qua, kinh tế của vùng Đông Nam bộ phát triển nhanh với nhiều đóng góp lớn về tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách. Cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch tích cực theo hướng gia tăng tỷ lệ sản xuất công nghiệp và thương mại, dịch vụ…

* Thúc đẩy phát triển đồng bộ hạ tầng logistics

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 24) đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có các giải pháp, tầm nhìn để phát triển kết nối giao thương trong khu vực.

Tại hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra vào tháng 11-2022 ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ chia sẻ, hiện tỉnh triển khai đầu tư nhiều công trình giao thông kết nối liên cảng và liên vùng; phối hợp với Trung ương và các địa phương trong vùng thúc đẩy triển khai các dự án giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ; xúc tiến lập đề án nghiên cứu khả thi thành lập Khu thương mại tự do Cái Mép.

Theo nhiều DN, các chủ thể OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tại Đồng Nai, việc tham dự nhiều hoạt động quảng bá, kết nối cả trực tiếp lẫn trực tuyến, trong đó có nhiều chương trình kết nối cung - cầu lớn ở các tỉnh, thành Đông Nam bộ, các buổi kết nối với các chuỗi siêu thị bán lẻ lớn trên cả nước là cơ hội tốt để tìm kiếm cơ hội, trao đổi thông tin mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP của Đồng Nai…

Trong quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã lấy sân bay Long Thành làm trọng tâm cùng với cảng Cái Mép thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tập trung xây dựng hệ thống giao thông kết nối, logistics nhằm tạo động lực phát triển cho tỉnh cũng như của cả vùng Đông Nam bộ. Bên cạnh đó, còn thúc đẩy hoàn chỉnh đầu tư hệ thống giao thông kết nối sân bay với các khu vực nội tỉnh và vùng kinh tế Đông Nam bộ theo nhiều hướng; phát triển hạ tầng logistics, hạ tầng công nghiệp.

Theo Bộ Công thương, giải pháp để phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của vùng Đông Nam bộ trong phát triển giao thương, thúc đẩy kinh tế vùng phát triển nhanh và bền vững là kết nối hạ tầng vùng, liên vùng để mở rộng vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế, các tuyến hành lang kinh tế và cảng biển trong vùng với các vùng kinh tế khác cũng như với các nước trong khu vực và thế giới.

Theo các chuyên gia kinh tế, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh sẽ giúp cho giao thương khu vực Đông Nam bộ với các vùng kinh tế khác trên cả nước và nước ngoài thuận lợi hơn.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, Đồng Nai đang ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với sân bay Long Thành và các tỉnh, thành khác nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh và vùng Đông Nam bộ.

* Tăng xúc tiến thương mại

Năm 2023, Đông Nam bộ sẽ tăng cường đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu ở cả thị trường trong nước và quốc tế theo hướng gắn xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm của địa phương. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất bằng các công cụ và giải pháp phù hợp với từng đối tượng, thị trường để tiếp tục khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do nước ta đã ký kết nhằm phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường.

Những năm qua, nhiều chương trình, hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại giữa các tỉnh, thành Đông Nam bộ với các địa phương, khu vực khác trên cả nước, cũng như các thị trường xuất khẩu lớn trên thế giới được triển khai, tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông hàng hóa, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng bền vững; hỗ trợ DN ở các tỉnh, thành phố trong khu vực tìm đầu ra, phát triển thị trường cho sản phẩm thế mạnh của từng địa phương.

Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và phát triển công nghiệp, Sở Công thương tỉnh Bình Dương cho biết, các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành trong khu vực là cơ hội để các DN địa phương giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Nhiều chương trình kết nối cung - cầu lớn được tổ chức thường niên như: chương trình kết nối cung - cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành; chương trình Bình Dương Expo…, góp phần kết nối trực tiếp cho các DN địa phương với các nhà phân phối, người tiêu dùng, các chuỗi siêu thị tại Bình Dương, cũng như các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và trên cả nước.

Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai Nguyễn Văn Lĩnh chia sẻ, thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức, triển khai các hội nghị kết nối cung - cầu, kết nối giao thương; tổ chức các gian hàng chung của tỉnh tại các hội chợ, triển lãm nhằm hỗ trợ DN trong tỉnh quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho DN. Đồng thời, chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu mạng lưới xúc tiến thương mại, ngành hàng, thị trường; xây dựng nền tảng hội chợ, triển lãm, tạo điều kiện cho DN, cơ sở sản xuất của địa phương trưng bày giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thông tin, đối tác kinh doanh trên môi trường số…

Hải Quân

Tin xem nhiều