Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều chiêu trò lừa đảo trực tuyến“bủa vây”

Hải Hà
07:25, 06/04/2024

Trong nhịp sống ngày càng hiện đại, các tiện ích về công nghệ số, dịch vụ ngân hàng số, ứng dụng thương mại điện tử, mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến, nhất là đối với cư dân đô thị. Song song với những tiện ích, thời gian qua đã nổi lên nhiều vụ lừa đảo trực tuyến tinh vi, khó lường trên không gian mạng.

Một hội thảo về an toàn thông tin diễn ra tại Đồng Nai trong năm 2023. Ảnh: H.Hà
Một hội thảo về an toàn thông tin diễn ra tại Đồng Nai trong năm 2023. Ảnh: H.Hà

Lừa đảo trực tuyến là vấn đề đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Các đối tượng xấu lợi dụng bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.

Nhiều chiêu thức mới, thủ đoạn tinh vi

Trên thực tế, trong thời gian qua, dù các phương tiện truyền thông, cơ quan quản lý liên tục đưa ra cảnh báo nhưng nhiều người dân vẫn sập bẫy các kẻ lừa đảo liên quan đến đánh cắp tài khoản, giả mạo biên lai chuyển tiền, mạo danh các cơ quan, đơn vị, ngân hàng để trục lợi…

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và truyền thông), có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam như: lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”; lừa đảo cuộc gọi video deepfake, deepvoice; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành quyết định về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2024.

Theo đó, giao dịch chuyển tiền ngân hàng (khác chủ tài khoản) hoặc nộp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu phải được xác thực bằng sinh trắc học (có thể dùng căn cước công dân gắn chip, tài khoản VNeID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng).

Anh H.T. (phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) cho hay, dịp Tết Nguyên đán 2024 vừa qua, thấy một trang mạng xã hội có hàng ngàn người theo dõi đăng bài quảng cáo đặt tour du lịch, đặt phòng khách sạn tại khu nghỉ dưỡng mà anh đang tìm kiếm với mức giá ưu đãi, anh đã chuyển 50% tiền đặt cọc trị giá 5 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi vừa chuyển khoản xong, trang mạng này đã chặn tài khoản của anh, các thông tin liên quan như trang web hay số điện thoại không thể liên lạc được.

“Thời điểm cuối năm, nhu cầu du lịch vào các kỳ nghỉ lễ, Tết tăng cao. Nhắm vào tâm lý này, không ít đối tượng xấu sử dụng các chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tiền như quảng cáo tour giá rẻ dưới mác mạng xã hội, trang web uy tín làm nhiều người, trong đó có gia đình tôi bị lừa. Nghĩ đến số tiền mình mất chỉ vài triệu đồng nên đành ngậm ngùi, xem như bài học cảnh giác” - anh H.T. chia sẻ.

Tương tự, anh B.G. (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) cho hay, khoảng 1 tháng trước, anh vô tình truy cập vào 1 đường link lạ để bình chọn do Facebook của một người bạn được gửi trên Facebook Messenger. Ngay sau khi nhấp chuột vào link lạ đó thì tài khoản Facebook của anh B.G. bị “hack” buộc anh phải thông báo ngay đến bạn bè về việc tài khoản của mình đã bị chiếm quyền truy cập, tránh các trường hợp lừa đảo, lợi dụng tài khoản để mượn tiền, giả danh để trục lợi…

Phó chủ tịch Chi hội Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phía Nam Võ Văn Khang chia sẻ, có thể chia ra 3 hình thức lừa đảo chủ yếu tại Việt Nam gồm: dụ dỗ tìm kiếm việc làm trong tình hình khó khăn về kinh tế, nhu cầu tìm kiếm việc làm tăng cao; dụ dỗ đầu tư tài chính - đưa ra các hình thức đầu tư có lợi nhuận cao và sẵn sàng chi trả trong thời gian đầu để đưa nạn nhân vào sâu hơn với tổn thất nặng nề; giả mạo các cơ quan tổ chức để đe dọa chiếm đoạt tài sản như giả danh công an, thuế vụ, đơn vị điện lực, viễn thông…

“Các đối tượng lừa đảo có chiêu thức và phương pháp rõ ràng, có thông tin chi tiết về nạn nhân và các công cụ công nghệ thông tin hỗ trợ, thông thường sẽ tiếp cận nạn nhân thông qua mạng xã hội, các công cụ OTT, sử dụng các hình thức như giả danh, deepfake, voicefake…” - ông Khang nhấn mạnh.

Tăng cường các biện pháp truyền thông, cảnh báo

Những thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi, phức tạp, đặc biệt là sự kết hợp với công nghệ deepfake, giả mạo hình ảnh và âm thanh của người khác. Từ đó, khiến các nạn nhân, nhất là những đối tượng yếu thế như người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, công nhân lao động, vốn có rất ít kinh nghiệm về an toàn thông tin dễ bị lừa đảo, lôi kéo vào các hình thức lừa đảo tài chính. Do đó, cần có những biện pháp để tăng cường cảnh báo, nâng cao nhận thức về phòng, chống lừa đảo cho các đối tượng dễ bị sập bẫy các hình thức lừa đảo trên không gian mạng nói trên.

Một số dấu hiệu nhận biết lừa đảo trực tuyến (Nguồn: Cục An toàn thông tin)

Ông Vũ Văn Tuấn, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường đại học Lạc Hồng cho biết, hiện nay các thủ đoạn lừa đảo, “hack” tài khoản trên mạng rất tinh vi. Do đó, nhà trường thường xuyên tuyên truyền và phổ biến thông qua nhiều hình thức đối với những thông tin liên quan đến an ninh mạng. Từ đầu năm học, tất cả sinh viên đều phải tham gia Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa, trong đó nhà trường mời báo cáo viên là chuyên gia của Học viện An ninh nhân dân để giảng dạy về Luật An ninh mạng, hướng dẫn sinh viên cách phòng ngừa lừa đảo trên không gian mạng.

“Trường đại học Lạc Hồng còn có hệ thống thông tin nội bộ, qua đó sẽ tuyên truyền, đăng tải những nội dung phòng ngừa, nâng cao cảnh giác giúp sinh viên bảo mật thông tin tài khoản. Đồng thời hàng tuần, trong các buổi sinh hoạt lớp, nhà trường sẽ truyền tải những nội dung liên quan an ninh mạng và quy chế ứng xử trên môi trường mạng dành cho sinh viên” - ông Vũ Văn Tuấn thông tin.

Ông Võ Văn Khang chia sẻ thêm, vấn đề quan trọng nhất trong việc phòng, tránh lừa đảo trên không gian mạng chính là tuyên truyền nâng cao nhận thức người dùng, nhất là cần cảnh báo các nguy cơ có thể dẫn đến lừa đảo. Trong thời gian tới, Chi hội VNISA phía Nam sẽ tăng cường phối hợp cùng các tỉnh, thành phía Nam trong đó có Đồng Nai, về công tác tuyên truyền về an ninh, an toàn thông tin, chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm phát hiện, phòng ngừa, cảnh báo, xử lý sự cố. Đồng thời, phối hợp thực hiện các chương trình chuyên đề hội nghị, hội thảo, các chương trình truyền thông, các chương trình tư vấn, diễn tập về an ninh, an toàn thông tin…

Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Tạ Quang Trường cho biết, sở sẽ triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến, bảo vệ người dân, tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, nâng cao cảnh giác đối với các hành vi lừa đảo trực tuyến, hạn chế những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng đến cán bộ công chức, viên chức, người dân, các đối tượng dễ bị ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh…

Hải Hà

Tin xem nhiều