Báo Đồng Nai điện tử
En

Giám đốc kinh doanh Thái Hà Books Lưu Sĩ Dương: Gieo những “hạt mầm” để xây dựng thói quen đọc sách

My Ny
11:59, 19/04/2024
Giám đốc kinh doanh Thái Hà Books Lưu Sĩ Dương

Hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam (21-4), Ngày sách và bản quyền thế giới (23-4), trên địa bàn Đồng Nai tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nhiều hội sách quy mô nhằm tôn vinh và khẳng định giá trị của sách trong đời sống xã hội.

Giám đốc kinh doanh Thái Hà Books Lưu Sĩ Dương cho biết, các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam không chỉ đưa kho tàng tri thức đến với độc giả mà qua đó, tạo sự gắn kết, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Đồng Nai rất quan tâm phát triển văn hóa đọc

* Hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, Thái Hà Books và các đơn vị xuất bản, phát hành đã có sự chuẩn bị như thế nào để đưa sách đến với Biên Hòa - Đồng Nai, thưa ông?

- Năm nay, chúng tôi tổ chức Hội sách xuyên Việt ở Biên Hòa với sự tham gia của 7 đơn vị xuất bản, phát hành lớn trong và ngoài tỉnh Đồng Nai. Khâu chuẩn bị, tổ chức tương đối chu đáo, các đơn vị xuất bản đã đưa số lượng sách lớn, phong phú, đa dạng thể loại đến hội sách, phục vụ các tầng lớp nhân dân.

Nhiều năm nay, chúng tôi đã thực hiện hội sách ở các tỉnh, thành trong cả nước. Có những địa phương việc thực hiện các thủ tục tổ chức hội sách gặp rất nhiều khó khăn, chúng tôi phải tự mình âm thầm xử lý để kịp tiến độ. Tuy nhiên, khi đến Biên Hòa, chúng tôi được thành phố hỗ trợ hết mình, từ thủ tục hành chính, thời gian đến địa điểm... Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của địa phương đối với việc phát triển văn hóa đọc.

* Đến với hội sách, ông thấy người dân, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên ở Biên Hòa - Đồng Nai hưởng ứng ra sao? 

- Với thời gian ngắn tham gia hội sách, trưng bày và phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố Biên Hòa, chúng tôi chưa thể đánh giá được hết phong trào đọc sách ở Đồng Nai. Tuy nhiên, chúng tôi thấy người dân tham gia hội sách rất đông, từ người già, trẻ em đến đoàn viên, thanh niên… Sức đọc và nhu cầu tìm hiểu về sách của người dân Biên Hòa - Đồng Nai rất nhiều. Nhìn vào nhiều gia đình sẽ thấy, họ đến mua sách nhiều hơn, đọc sách nhiều hơn. Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục đưa kho tàng tri thức đến với độc giả, phục vụ bà con.

* Không chỉ Đồng Nai mà khắp nơi trong cả nước đều hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam. Tuy nhiên, việc tổ chức ở nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức. Đâu là nguyên nhân, thưa ông?

-  Có 3 nguyên nhân chủ yếu. Đó là sự đầu tư các chương trình và nội dung của ngày sách, hội sách chưa đúng với nhu cầu thực sự cần thiết của việc xây dựng thói quen đọc sách mà còn mang tính phong trào. Thêm nữa, nguồn sách nơi một số địa phương tổ chức rất nghèo nàn, gần như không có sách nào mang tính thị trường để thu hút độc giả, không thu hút được các đơn vị xuất bản, phát hành lớn tham gia. Đặc biệt, công tác truyền thông vẫn là bài toán đau đầu, nhất là với các sự kiện sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách.

* Với mong muốn đưa tri thức lan tỏa khắp nơi, ông thấy các hội sách cũng như việc hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc có ý nghĩa thế nào với việc nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng?

- Phát triển văn hóa đọc không chỉ là việc đọc sách mà còn là một phần quan trọng của sự phát triển văn hóa, tri thức của một quốc gia. Tại hội sách năm nay ở Biên Hòa, ai cũng cầm sách trên tay, bạn đọc mua rất nhiều sách. Đây là bằng chứng cho thấy văn hóa đọc của Biên Hòa - Đồng Nai đang phát triển.

Hiện nay, đối mặt với những thử thách của thời hiện đại, việc thúc đẩy văn hóa đọc đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Chỉ khi có sự hợp tác và đồng lòng từ tất cả các bên, văn hóa đọc mới nâng cao, thực sự phát triển bền vững.

Nhân lên những giá trị đẹp về trí tuệ, tâm hồn

* Là người đi nhiều nơi, đến nhiều quốc gia trên thế giới, ông đánh giá như thế nào về sự khác biệt giữa văn hóa đọc của người Việt và của thế giới?

- Nếu nói sự khác biệt, phải dùng cụm từ “khác biệt rất nhiều”. Ở Việt Nam, tỷ lệ đọc sách trung bình là 1,4 cuốn/đầu người/năm. Và nhiều năm qua, thực trạng này vẫn chưa có nhiều thay đổi, dù có tăng nhưng không đáng kể. Trong khi ở các nước phát triển trên thế giới hiện tỷ lệ đọc sách là trên 10 cuốn/đầu người/năm. Những người bạn hàng xóm của Việt Nam như: Singapore, Malaysia, Indonesia… cũng nằm “top” trong 60 nước có tỷ lệ đọc sách cao nhất thế giới. Họ đọc sách không chỉ ở nhà, ở trường, ở thư viện mà còn đọc sách ở nơi công cộng, tàu điện, sân bay hay bất cứ lúc nào có thời gian rảnh rỗi.

Sinh viên Biên Hòa đến với Hội sách xuyên Việt tổ chức tại Công viên Biên Hùng tháng 4-2024. Ảnh: Lò Văn Hợp
Sinh viên Biên Hòa đến với Hội sách xuyên Việt tổ chức tại Công viên Biên Hùng tháng 4-2024. Ảnh: Lò Văn Hợp

* Theo ông, đầu tư cho sách và văn hóa đọc có tác động như thế nào trong việc ngăn chặn hiện tượng xuống cấp về đạo đức trong xã hội, nhân lên giá trị đẹp về trí tuệ, tâm hồn?

- Sách là tri thức, là trí tuệ. Tạo ra được một môi trường có nhiều sách và nhiều người đọc với những đầu sách phong phú sẽ góp phần gieo “hạt mầm” để xây dựng thói quen đọc sách, trau dồi tri thức và nuôi dưỡng những giá trị tốt đẹp trong mỗi người. Từ phong trào đọc sách sẽ tạo ra những cơ hội để mọi người quan tâm nhiều hơn, hiểu biết những điều hay, lẽ phải để có ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức; giảm thiểu những hành động tiêu cực.

Đã đến lúc cần quan tâm xem con em mình đang học tập, tiếp cận với những gì để có giải pháp phù hợp, giúp người trẻ tiếp cận với những cuốn sách bổ ích, những câu chuyện nhân văn. Đọc sách là cách để mỗi cá nhân tự hoàn thiện nhân cách, tự mình thay đổi theo giá trị của văn hóa nhân văn. Và như thế sẽ góp phần xây dựng một cộng đồng học tập, một xã hội học tập.

* Để tiếp tục lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, thời gian tới Thái Hà Books sẽ chú trọng vào những hoạt động gì, thưa ông?

- Chúng tôi đã có kế hoạch phối hợp với các nhà xuất bản xây dựng danh mục sách hỗ trợ cho học sinh khối tiểu học, hiện đang áp dụng ở nhiều trường học. Chúng tôi đang đề xuất với các địa phương, tổ chức tiết học đọc sách trong nhà trường. Xa hơn thế, chúng tôi mong sẽ có thêm nhiều đơn vị xuất bản giới thiệu đến độc giả không chỉ những cuốn sách đã phát hành, mà còn là các chương trình hoạt động trong thời gian tới. Ngoài ra, chúng tôi cũng chủ động đưa sách đến gần hơn với bạn đọc bằng nhiều hình thức. Từ đó, giúp bạn đọc khắp mọi miền tiếp cận với tri thức, nâng cao dân trí.

* Xin cảm ơn ông!

My Ny (thực hiện)

 

Giám đốc kinh doanh Thái Hà Books LƯU SĨ DƯƠNG chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc học, việc đọc trong quá trình quát triển đất nước, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Nếu như thức ăn là thực phẩm nuôi sống cơ thể thì sách là “thức ăn” nuôi dưỡng tâm hồn con người. Có kiến thức, có tri thức sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh, khả năng ứng biến với hoàn cảnh. Tạo ra các sự kiện văn hóa, nhóm đọc hay chia sẻ về văn hóa đọc sẽ thúc đẩy tinh thần đọc trong cộng đồng”.

 

 

 

Tin xem nhiều