Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyên đề: Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới:
Đảm bảo chất lượng bữa ăn giữa ca cho người lao động

Lan Mai
19:43, 12/04/2024

Bữa ăn giữa ca có vai trò quan trọng đối với sức khỏe người lao động (NLĐ), ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Vì thế, việc tái tạo sức lao động cho NLĐ thông qua bảo đảm chất lượng bữa ăn giữa ca được nhiều DN chú trọng, nhất là việc tổ chức bếp ăn tập thể và kiểm soát nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến.

Cán bộ Công đoàn hỏi thăm công nhân về bữa ăn giữa ca tại Công ty TNHH Thiên Long Long Thành. Ảnh: L.Mai

Tuy vậy, bên cạnh những DN quan tâm cải thiện bữa ăn giữa ca, vẫn còn có không những DN phó mặc cho phía cung cấp dịch vụ nên khó kiểm soát bữa ăn đầy đủ dưỡng chất và nguồn gốc thực phẩm.

Những mô hình bếp ăn tập thể tiêu biểu

Công ty TNHH Thiên Long Long Thành (huyện Long Thành) là DN tự tổ chức bếp ăn thay vì mua các suất ăn công nghiệp bên ngoài để kiểm soát được chất lượng thực phẩm từ đầu vào đến khâu chế biến. Hiện mỗi suất ăn tại công ty này có giá 25 ngàn đồng; thực đơn phong phú, được thay đổi liên tục và niêm yết ngay nhà ăn để NLĐ theo dõi. Nguồn thực phẩm được cung cấp từ các địa chỉ uy tín và có giấy chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ban giám đốc công ty thường xuyên nhắc Công đoàn cơ sở tiến hành lưu mẫu hàng ngày và khảo sát mức độ hài lòng của công nhân để xây dựng thực đơn phù hợp.

Ông Trịnh Ngọc Thuận, Giám đốc công ty cho biết, sức khỏe NLĐ rất quan trọng để làm việc hiệu quả, năng suất. Do đó, DN luôn quan tâm cải thiện bữa ăn giữa ca để NLĐ cảm nhận như bữa ăn gia đình chứ không phải suất ăn công nghiệp. Trong đó, DN lựa chọn món trong tuần, kiểm tra chất lượng đầu vào đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài nâng cao chất lượng bữa ăn, công ty còn quan tâm đến môi trường, không gian nhà ăn bằng cách lắp ti vi, máy lạnh để NLĐ được thư giãn thoải mái trong bữa ăn.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, Đồng Nai hiện có 1.440/1.639 DN có hỗ trợ bữa ăn giữa ca cho NLĐ với mức trung bình 18-25 ngàn đồng/suất. DN hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau như: tự tổ chức bữa ăn giữa ca tại chỗ, thuê nhà cung cấp bữa ăn giữa ca, phát tiền, hỗ trợ một phần chi phí…

“Hàng ngày, lãnh đạo công ty cũng ăn suất ăn giống công nhân, không có sự phân biệt nào để có thể cảm nhận chất lượng món ăn một cách rõ ràng nhất” - ông Thuận chia sẻ.

Tại Công ty CP kết cấu Thép ATAD (thành phố Long Khánh), bếp ăn được xây dựng rộng rãi, thoáng mát; bữa ăn cũng được bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng cho hơn 1 ngàn lao động, đảm bảo đủ chất, nhiều món, trị giá 28 ngàn đồng/suất. Đây cũng là suất ăn dành cho lãnh đạo, cũng như đối tác, khách hàng mỗi khi tới làm việc tại công ty.

Tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu), từ năm 1998, công ty đã tự tổ chức bếp ăn tập thể cho NLĐ. Đầu năm 2023, qua quá trình thương lượng giữa Ban Chấp hành Công đoàn với chủ DN, giá trị mỗi suất ăn đã được tăng lên 21 ngàn đồng/suất. Công ty còn tổ chức bữa ăn sáng 10 ngàn đồng, trong đó công ty hỗ trợ 6 ngàn đồng, NLĐ chỉ cần trả 4 ngàn đồng/suất. Đây cũng là bếp ăn tập thể điểm được Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh chọn làm mẫu hơn 15 năm nay.

Theo bà Đoàn Thị Kim Loan, Phó chủ tịch Công đoàn công ty, DN rất vinh dự khi bếp ăn tập thể được chọn làm điểm 15 năm qua. DN luôn quan tâm đến nguồn thực phẩm, nguyên liệu đầu vào. Mỗi ngày, bộ phận nhà bếp đều lấy mẫu thức ăn để lưu trữ và quy trình chế biến chặt chẽ. Nhờ sự kiểm duyệt nghiêm ngặt trên, từ trước đến nay, DN không xảy ra vụ việc nào liên quan đến an toàn thực phẩm.

Bà NGUYỄN THỊ NHƯ Ý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh: Vận động DN nâng cao giá trị suất ăn cho NLĐ

Các cấp Công đoàn sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động DN nâng cao giá trị suất ăn cho NLĐ; đồng thời, tăng cường vai trò của tổ chức Công đoàn, giám sát về các chế độ, chính sách cho NLĐ. Trong đó, chú trọng phối hợp các cơ quan liên quan giám sát nguồn nguyên liệu thực phẩm trong chế biến suất ăn công nghiệp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ ngộ độc và các bệnh lây truyền qua thực phẩm, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ.

Vẫn có nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm

Thực trạng về ngộ độc thực phẩm tại các DN, khu công nghiệp ở Đồng Nai tuy không nhiều, song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là những DN hợp đồng nhà ăn không uy tín hoặc cung cấp suất ăn công nghiệp với giá rẻ. Một số DN giao phó bữa ăn giữa ca cho nhà cung cấp, nguồn nguyên liệu chế biến không rõ nguồn gốc nên dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe làm việc của NLĐ.

Bếp ăn tại Công ty CP kết cấu Thép ATAD (thành phố Long Khánh) đảm bảo an toàn các suất ăn ca cho người lao động. Ảnh: L.Mai

Năm 2020, vụ ngộ độc thực phẩm của 149 lao động tại Công ty TNHH Starite International (huyện Trảng Bom) do DN hợp đồng với nhà ăn bên ngoài vào nấu tại công ty. Sau bữa ăn trưa, NLĐ có các triệu chứng: ói, đau bụng và mệt mỏi... Cũng thời điểm đó, hơn 100 công nhân Công ty TNHH Great Kingdom Giang Điền xuất hiện các triệu chứng nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt, đau bụng sau bữa ăn tối tại công ty và NLĐ sau đó phải nhập viện cấp cứu.

Thời gian qua, các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp có nguyên nhân được xác định là do việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào chưa tốt, người trực tiếp chế biến thực phẩm chưa nắm rõ các quy định về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, mức giá suất ăn cho công nhân thấp, cộng với giá nguyên liệu tăng cao cũng khiến các cơ sở phải lựa chọn những nguyên liệu rẻ tiền, chất lượng kém dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Từ thực trạng trên cho thấy, ngoài đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn.

Theo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, trong 2 năm 2022 và 2023, toàn tỉnh không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm đáng báo động tại bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, hiện ý thức của chủ cơ sở, người chế biến vẫn còn hạn chế, giá trị suất ăn còn thấp. Có những DN hiện nay giá trị suất ăn vẫn dưới 15 ngàn đồng/suất nên ngộ độc thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra. Việc kiểm soát bếp ăn tập thể tại DN cần thực hiện nghiêm ngặt để đảm đảm bảo sức khỏe NLĐ.

Công nhân Công ty TNHH Thiên Long Long Thành xếp hàng chuẩn bị bữa ăn giữa ca. Ảnh: L.Mai

Anh Lê Mạnh Tiến, công nhân cơ khí tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 cho biết, với đặc thù lao động làm trong ngành này thường nặng nhọc, mất sức nhưng bữa ăn giữa ca lại không đảm bảo và có mức chỉ 16 ngàn đồng/suất. “Khẩu phần ăn không đều, ít đồ ăn mặn trong khi công nhân làm việc ca 2 rất vất vả. Nếu đuối sức cộng với bữa ăn không đảm bảo, NLĐ không thể làm việc hiệu quả” - anh Tiến bộc bạch.

Trước sự lo lắng về tình trạng chất lượng bữa ăn giữa ca của NLĐ, các cán bộ Công đoàn cho rằng, để các bếp ăn tập thể thực hiện tốt các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng rất quan trọng nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm. Bên cạnh đó, ý thức, trách nhiệm của DN cung cấp suất ăn có ý nghĩa quyết định đến chất lượng an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.

Lan Mai

Tin xem nhiều