Báo Đồng Nai điện tử
En

Thời của quét mã, cà thẻ

Phương Liễu
07:35, 23/03/2024

Thanh toán không dùng tiền mặt  đang trở thành thói quen tiêu dùng của nhiều người. Thay vì mang tiền mặt, nhiều người ra đường chỉ với điện thoại thông minh và chiếc thẻ ngân hàng.

Người mua hàng quét mã QR để thanh toán tiền tại một siêu thị mini ở thành phố Biên Hòa.  Ảnh: P.Liễu
Người mua hàng quét mã QR để thanh toán tiền tại một siêu thị mini ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: P.Liễu

 Từ mua món hàng lớn ở siêu thị lớn hay mớ rau, con cá ở chợ đều có thể thanh toán bằng quét mã QR hoặc  quẹt thẻ một cách nhanh chóng, tiện lợi mà không cần dùng tiền mặt.

Nhanh chóng, tiện lợi…

Ở thời 4.0, nhiều người đã nhanh chóng bắt nhịp với  xu hướng này thanh toán điện tử, đặc biệt là giới trẻ ở thế hệ gen Z (sinh ra trong khoảng từ 1997-2012) và gen Alpha (sinh ra trong khoảng từ năm 2010 đến nay).

Là sinh viên năm cuối Trường đại học Lạc Hồng (thành phố Biên Hòa), chị Trần Thúy Vy (ngụ phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh) cho biết, chị gần như thanh toán điện tử trong mọi giao dịch từ mua hàng, đi Grab, đổ xăng hay mua sách… Chị Vy cho biết: “Trước đây mỗi tháng cha mẹ dưới quê gửi tiền vào tài khoản, tôi phải đi khá xa mới có trụ ATM để rút, rút tiền về rồi ngại mang theo vì sợ rớt, để ở ký túc xá cũng không tiện. Từ khi việc thanh toán điện tử phổ biến, tôi chuyển hẳn sang quét mã hoặc quẹt thẻ khi mua bán, rất tiện lợi và an toàn”.

Bà Vũ Kim Oanh (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) tuy đã hơn 70 tuổi nhưng sử dụng các thanh toán điện tử rất rành. Bà Oanh cho biết, mọi khoản tiền như: lương hưu, tiền con biếu… đều được chuyển vào tài khoản ngân hàng của bà. Phần lớn các giao dịch chi tiêu, bà đều sử dụng app ngân hàng hoặc thẻ ATM để thanh toán.

“Tôi thấy việc thanh toán điện tử rất tiện lợi. Giờ tôi không phải đi ra trụ ATM rút tiền mặt về trang trải các khoản như: đóng tiền điện, nước, điện thoại, đi taxi hay mua sắm ở siêu thị, cửa hàng, quán ăn. Chưa kể, sử dụng ví điện tử để mua hàng, mua vé tàu xe còn được giảm giá, rất tiện lợi” - bà Oanh nói.

Hiện nay, thanh toán không dùng tiền mặt đang được khuyến khích. Nhiều ngân hàng phối hợp với các siêu thị, trung tâm thương mại triển khai các chương trình giảm giá, mã tích điểm, thậm chí là chương trình ưu đãi hoàn tiền cho người tiêu dùng khi thanh toán bằng thẻ khi mua một số sản phẩm, hàng tiêu dùng.

Chú ý khi quẹt thẻ, quét mã

Bên cạnh tiện lợi, việc thanh toán điện tử cũng còn gặp một số bất cập cần lưu ý. Hiện nay, vẫn còn một số nơi chưa triển khai thanh toán điện tử, nhất là ở các chợ hoặc những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Do đó, khi đi đến các nơi này, người dân cần chủ động tìm kiếm thông tin về hình thức thanh toán khi mua hàng, sử dụng các dịch vụ ở đây. Tốt nhất vẫn chủ động mang theo tiền mặt để phòng khi nơi đây không nhận thanh toán điện tử.

Như trường hợp chị Nguyễn Thị Minh Đức (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) có thói quen không mang theo nhiều tiền mặt khi ra đường và cũng chủ quan chỗ nào cũng có cà thẻ hay quét mã, nên khi cả nhà về xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), ra chợ mua hàng nhưng không có mã QR để thanh toán, chị đành phải… mượn tiền người thân để trả.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi thanh toán tiền bằng quét mã QR cần hỏi kỹ chủ quán, người bán hàng về tên của người nhận chuyển khoản để đề phòng tình trạng quét nhầm mã QR do kẻ gian dán chồng lên mã QR dùng để thanh toán của cửa tiệm, hàng quán.

Ngoài ra, không ít người cho rằng, thanh toán điện tử dễ “mất” kiểm soát trong chi tiêu khi việc thanh toán điện tử quá dễ dàng. Chẳng hạn khi trả tiền món hàng 1 triệu đồng tiền mặt, người mua sẽ đắn đo, cân nhắc,  nhưng chuyển khoản thì “vèo” cái là xong nên không thấy áy náy. Chưa kể, việc thanh toán điện tử có trường hợp nhầm số tiền chuyển đi hoặc chuyển nhầm tên, nhầm số tài khoản. Thủ tục lấy lại tiền chuyển nhầm cũng khá nhiêu khê. Do đó, người sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử cần cẩn trọng kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển tiền.

Đặc biệt, tình trạng quét mã QR trên thùng nhận tiền mừng trong đám tiệc, để khách chuyển tiền mừng cũng đang có nhiều tranh cãi. Theo chị L.N.T.N. (ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa), lý do chị cho in mã QR ở một góc thiệp mời đám cưới của mình nhằm tạo tiện lợi cho mọi người nếu cần vì hiện nay thời đại công nghệ số, nhiều bạn bè, đồng nghiệp của chị cũng hưởng ứng. Tuy nhiên, chị vấp phải sự “chỉ trích” của một số người khi cho rằng, in mã QR vào thiệp là thiếu tế nhị, kiểu “nhắc khéo” chuyện tiền mừng”.  

Phương Liễu

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai PHẠM QUỐC BẢO:

Người dân ngày càng chuộng thanh toán không dùng tiền mặt

Năm 2023 được xem là năm bùng nổ của phương thức thanh toán QR code và nhiều người đã quen với việc sử dụng các phương thức thanh toán bằng quẹt thẻ hoặc quét mã QR. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố, năm 2023 thanh toán điện tử đạt hơn 182,61 triệu giao dịch, với giá trị đạt gần 116,22 ngàn tỷ đồng (tăng 171,68% về số lượng và tăng 74,16% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022). Nhiều ngân hàng có tỷ lệ giao dịch trên kênh số đạt trên 90%.

Hiện Chính phủ đặt mục tiêu giảm tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt xuống chỉ còn 8% vào năm 2025. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các ngân hàng và trung gian thanh toán sáng tạo các giải pháp thanh toán mới trên nền tảng QR code, có thể tạo nên một cuộc cách mạng trong công cuộc hướng đến xã hội không tiền mặt. Hiện Ngân hàng nhà nước Việt Nam đang vận hành một quy chuẩn QR code chung cho cả nước, sắp tới việc thanh toán QR code sẽ không còn là giao dịch của riêng đơn vị nào.

Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch LÊ THỊ NGỌC LOAN:

In mã QR trên thiệp cưới hay dán ở thùng tiền cưới, cần có thời gian để mọi người làm quen

Hiện nhiều người không chỉ sử dụng thanh toán điện tử trong hoạt động mua bán, mà còn dùng trong tiệc cưới, sinh nhật, lì xì… Riêng việc thiệp cưới có in mã QR để khách chuyển tiền mừng cũng là một xu thế hiện đại, hợp với giới trẻ, người công tác ngoài xã hội với suy nghĩ thoáng.

Tuy nhiên, đây cũng còn là hình thức mới, chưa phổ biến và mang tính tế nhị nên nhiều người chưa quen và tỏ ra khó chịu. Do đó, các cặp đôi chỉ nên áp dụng đối với người thân thiết, bạn bè, đồng nghiệp trẻ; không nên gửi thiệp có mã QR cho tất cả khách mời, đặc biệt là các bậc cha chú vì sẽ được hiểu như “nhắc nhở” chuyện gửi tiền mừng, khiến họ kém vui.

An Nhiên (ghi)

Tin xem nhiều