Báo Đồng Nai điện tử
En

Cô giáo “trường làng” đưa học sinh đến sân chơi khoa học cấp quốc gia

Hải Yến
07:20, 23/03/2024

Cô Nguyễn Thị Thu Hồng, giáo viên Trường trung học cơ sở Nguyễn Chí Thanh (xã Phú Lộc, huyện Tân Phú) là giáo viên “trường làng” hiếm hoi của Đồng Nai đã có 2 lần đưa được học trò của mình đến với Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học cấp quốc gia.

Cô Nguyễn Thị Thu Hồng, giáo viên Trường trung học cơ sở Nguyễn Chí Thanh (huyện Tân Phú) trong giờ dạy học. Ảnh: H.YẾN

Đây là kết quả của một quá trình dài theo đuổi sân chơi khoa học dành cho học sinh.

Nỗ lực không ngừng

Tính đến nay, cô giáo Thu Hồng đã có 18 năm công tác trong ngành giáo dục. Nghề dạy học là ước mơ từ thuở nhỏ của cô gái quê ở Tiền Giang này.

Là giáo viên nhiệt huyết, đam mê nghiên cứu khoa học, vì vậy, cô Thu Hồng đã dành nhiều thời gian để hướng dẫn học sinh tham gia Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học.

Cô LÊ THỊ HỒNG NHUNG, chuyên viên Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Tân Phú, đã đồng hành với cô Thu Hồng trong nhiều Cuộc thi KHKT nhận xét: “Cô Hồng là giáo viên tích cực, năng động, sáng tạo, có sự tìm tòi và chủ động trong công việc. Việc gì có thể làm được, cô Hồng sẽ làm bằng hết khả năng của mình. Những học sinh sau khi được làm việc với cô Thu Hồng đều tiến bộ, ngày càng tự tin hơn”.

Cô Thu Hồng chia sẻ: “Đây là  sân chơi bổ ích, khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn; góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh; thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học”.

Cũng theo cô Thu Hồng, Cuộc thi KHKT còn là cơ hội giới thiệu kết quả nghiên cứu KHKT; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.

Hiểu rõ những lợi ích đó, cô giáo vùng sâu này đã không ngại khó khăn, vất vả để hướng dẫn học sinh làm nghiên cứu khoa học. Quá trình đó, cô và học trò gặp không ít trở ngại. Đầu tiên phải kể đến là việc học sinh thiếu ý tưởng sáng tạo, trình độ tư duy của học sinh còn hạn chế; thời gian học sinh dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học có rất ít mà chủ yếu là tập trung cho việc học; kinh phí hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu còn nhiều hạn chế, thiếu trang thiết bị cơ sở vật chất để phục vụ nghiên cứu…

“Mặc dù vậy, nhờ sự động viên của lãnh đạo Phòng Giáo dục và đào tạo, Ban giám hiệu nhà trường, đồng nghiệp, cộng với đam mê nghiên cứu khoa học của cá nhân, tinh thần ham học hỏi, sự nỗ lực của học trò, tôi và các em học sinh đã hoàn thành các sản phẩm dự thi…”- cô Thu Hồng cho biết.

Những quả ngọt đầu tiên

Chia sẻ về kinh nghiệm hướng dẫn học sinh thi KHKT, cô giáo này cho biết, để có được một sản phẩm chất lượng, hiệu quả thì việc lên kế hoạch cụ thể là rất cần thiết. Ý tưởng nghiên cứu là yếu tố đầu tiên cần có để thực hiện một dự án nghiên cứu KHKT. Ý tưởng nghiên cứu càng độc đáo, càng sáng tạo thì dự án càng được đánh giá cao.

Trường trung học cơ sở Nguyễn Chí Thanh có Câu lạc bộ KHKT. Vì vậy, thầy cô giáo tìm cách để phát huy sức mạnh tiềm năng từ câu lạc bộ này. Theo đó, giáo viên lập các nhóm Zalo, Facebook Messenger để kết nối các thành viên trong câu lạc bộ. Cùng với đó, nhóm còn có các thành viên là học sinh đã đạt thành tích cao trong nghiên cứu khoa học trước đó, các thầy cô giáo có nhiều kinh nghiệm ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học, các cựu học sinh của trường giỏi về lĩnh vực nghiên cứu đang học ở các trường đại học… Những “thành viên chuyên gia” này sẽ hỗ trợ các em học sinh trong câu lạc bộ khi cần thiết.

Cô NGUYỄN THỊ THU HỒNG chia sẻ: “Cùng với sự quan tâm, động viên của lãnh đạo Phòng Giáo dục và đào tạo, Ban giám hiệu nhà trường, đồng nghiệp, bản thân tôi còn được sự trợ giúp hết mình của ông xã”.

Các đề tài thi KHKT cần tích hợp kiến thức nhiều môn học và các kỹ năng khác. Để có được kiến thức đáp ứng cho sân chơi khoa học này, bản thân cô Hồng luôn không ngừng học hỏi từ đồng nghiệp, từ các chuyên gia; tích cực tham gia các cộng đồng giáo viên sáng tạo của toàn quốc, các diễn đàn… Cô cũng luôn lắng nghe góp ý, trăn trở với những nội dung còn đang vướng mắc để tìm ra hướng giải quyết khoa học nhất.

Những nỗ lực nêu trên của cô Thu Hồng và các học trò đã đạt được những thành quả xứng đáng. Năm học 2021-2022, cô hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi KHKT đoạt giải ba cấp huyện, giải nhất cấp tỉnh và giải tư cấp quốc gia. Năm học 2022-2023, cô hướng dẫn học sinh đoạt giải ba cấp huyện, giải nhì cấp tỉnh. Năm nay, cô tiếp tục hướng dẫn học sinh thi KHKT và đoạt giải nhất cấp huyện, tỉnh, được chọn thi KHKT cấp quốc gia.

Cô giáo “trường làng” này bày tỏ: “Tôi cảm thấy thật vinh dự khi năm nay tiếp tục được hướng dẫn tham gia một sân chơi lớn. Cô và trò chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đạt kết quả tốt nhất trong khả năng của mình”.

Hải Yến

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích