Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ làng nghề để phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa

09:08, 05/08/2023

Đồng Nai là nơi nổi tiếng với hơn 10 nghề truyền thống như: gốm, gỗ mỹ nghệ, gang, điêu khắc đá, trầm hương, nấm, bánh tráng, bánh gai, sợi hủ tiếu khô, cốm… Các làng nghề trên ngoài cung cấp sản phẩm trong và ngoài tỉnh còn được xuất khẩu sang nhiều nước. Đã có những người nước ngoài, người Đồng Nai xa xứ nhiều thập niên vẫn nhớ về những sản phẩm làng nghề đặc sắc của tỉnh.

Đồng Nai là nơi nổi tiếng với hơn 10 nghề truyền thống như: gốm, gỗ mỹ nghệ, gang, điêu khắc đá, trầm hương, nấm, bánh tráng, bánh gai, sợi hủ tiếu khô, cốm… Các làng nghề trên ngoài cung cấp sản phẩm trong và ngoài tỉnh còn được xuất khẩu sang nhiều nước. Đã có những người nước ngoài, người Đồng Nai xa xứ nhiều thập niên vẫn nhớ về những sản phẩm làng nghề đặc sắc của tỉnh.

Tìm hiểu về cây dó bầu trước khi được sủi trầm
Tìm hiểu về cây dó bầu trước khi được sủi trầm. Ảnh: N.Liên

Vì thế, lưu giữ nghề truyền thống đã mang lại cả giá trị về vật chất lẫn tinh thần cho nhiều người dân và du khách đã từng đến hoặc được chiêm ngưỡng, sở hữu những sản phẩm của làng nghề ở Đồng Nai. Đồng thời, các làng nghề cũng giúp cho nhiều lao động, gia đình có được cuộc sống ổn định, sung túc hơn qua nhiều thập niên. Ngoài giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong vùng, các làng nghề lưu giữ và gắn với những giá trị văn hóa vùng miền. Đơn cử như gốm Đồng Nai là một trong 10 làng nghề gốm nổi tiếng của Việt Nam. Từ đầu thế kỷ XX, gốm Đồng Nai đã xuất ngoại qua một số nước và được những người mê gốm trong và ngoài nước biết đến. Trải qua nhiều thập niên, gốm Đồng Nai được các nghệ nhân truyền nghề, lớp sau tiếp nhận vừa bảo tồn, vừa phát triển, tiếp tục tạo ra những sản phẩm mang những nét đặc sắc, có giá trị nghệ thuật cao. Hiện nay, gốm Đồng Nai đã xuất khẩu qua hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỗi thời kỳ đều có những nghệ nhân, thợ giỏi hết lòng giữ và truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Với những làng nghề khác như: gỗ mỹ nghệ làm từ gốc cây, gỗ mỹ nghệ trang trí làm từ khúc gỗ nhỏ sau khi sản xuất bàn, ghế, giường tủ còn dư lại, bằng tài năng của các nghệ nhân, thợ giỏi đã biến các phế phẩm thành các tác phẩm nghệ thuật như: bàn ghế, tượng, tranh, vật dụng trang trí trong nhà, ngoài vườn, các khu du lịch, khách sạn, nhà hàng… Điều đặc biệt của các sản phẩm gỗ mỹ nghệ làm từ gốc rễ cây ở Đồng Nai là “độc nhất vô nhị” nên thường được các khách hàng mê dòng gỗ mỹ nghệ yêu thích đặt hàng.

Hơn 3 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã làm cho các làng nghề của Đồng Nai rơi vào “nốt trầm”, nhưng các nghệ nhân và cơ sở đã cố gắng tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm để vượt qua khó khăn. Với các nghệ nhân, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống luôn là tâm nguyện lớn. Vì nghề truyền thống ngoài mang đến việc làm, thu nhập cho nhiều người dân trong vùng còn lưu giữ những nét văn hóa, nghệ thuật độc đáo được ông, cha truyền lại.

Từ nhiều năm trước, tỉnh đã có những chính sách để bảo tồn và phát triển các làng nghề. Cụ thể là hỗ trợ đào tạo nghề cho các cơ sở làng nghề, hàng năm tổ chức các cuộc thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ, công nhận, tuyên dương các thợ giỏi, đề xuất Bộ Công thương xét công nhận các nghệ nhân có công lưu giữ và truyền nghề. Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ các cơ sở nghề truyền thống giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các hội nghị, triển lãm, hội chợ. Mục tiêu giúp các làng nghề mở rộng được thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống luôn được Đồng Nai coi trọng để góp phần phát triển kinh tế cho người dân, đồng thời lưu giữ các giá trị văn hóa, nghệ thuật.

Khánh Minh

Tin xem nhiều