Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiến tranh và những khát vọng thiện lành

08:08, 05/08/2023

Nhà văn Nguyễn Một vừa ra mắt tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (viết gọn: Từ giờ...) - NXB Hội Nhà văn. Trước đó, anh có hai tiểu thuyết Đất trời vần vũ (NXB Hội Nhà văn, năm 2009) và Ngược mặt trời (NXB Hội Nhà văn, năm 2012) đều đoạt giải thưởng ở cấp quốc gia và Giải thưởng Trịnh Hoài Đức của tỉnh.

Nhà văn Nguyễn Một vừa ra mắt tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (viết gọn: Từ giờ...) - NXB Hội Nhà văn. Trước đó, anh có hai tiểu thuyết Đất trời vần vũ (NXB Hội Nhà văn, năm 2009) và Ngược mặt trời (NXB Hội Nhà văn, năm 2012) đều đoạt giải thưởng ở cấp quốc gia và Giải thưởng Trịnh Hoài Đức của tỉnh.

Bìa sách Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín
Bìa sách Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín

Con đường văn chương của Nguyễn Một như thế là hanh thông bởi anh còn có trên 10 tác phẩm là tập truyện ngắn, truyện dài, truyện vừa, bút ký... nữa. Bởi thế, Từ giờ... lập tức được giới trong nghề và bạn đọc chú ý.

Những phiên bản chiến tranh...

Đọc Từ giờ..., người ta thấy ít nhất có đến bốn cuộc chiến tranh, hồi chín năm, hồi chống Mỹ, chiến tranh ở hai đầu đất nước sau năm bảy lăm. Nhiều người (nhân vật) đã trải qua hai, thậm chí ba cuộc chiến. Nhà văn đã nhìn ngắm cả bốn cuộc chiến tranh đó.

Có những người trải qua được cuộc chiến dài hai mươi năm lành lặn rồi lại chết ở cuộc chiến thứ ba hay thứ tư một cách bất ngờ!

Cứ thế, các cuộc chiến tranh được kể đan xen, chồng lấn nhau, làm nên một thời - không gian đặc trưng - thời chiến, thời loạn.

Tuy nhiên, Nguyễn Một tập trung khắc họa cuộc chiến tranh thứ hai một cách đậm đặc, tận tường và dường như dài lâu hơn, đi suốt thời thanh xuân của một kiếp người.

Cuộc chiến ấy hiện hình đầy đủ mọi cung bậc, thanh âm như cuộc thương khó của Đức Giêsu Kitô sau lễ Vượt qua mà nhà văn đã kín đáo gợi lại trong tâm trí của Sơn ở những dòng cuối cùng cuốn tiểu thuyết.

Không những thế, cuộc chiến ấy còn đậm đặc đến độ không chương nào của cuốn tiểu thuyết 32 chương mà nó không có mặt. Tần suất xuất hiện của những ngôn từ chiến tranh chiếm ưu thế hơn tất cả. Đi liền với đó là sự chết (bắn chết/ cái chết). Bởi vậy, nhiều người nói, Từ giờ... là cuốn tiểu thuyết về chiến tranh quả không sai.

Âm thanh ồn ào, nổi trội của Từ giờ... là tiếng súng.

Ai oán, thảm thiết của Từ giờ... là tiếng khóc.

Tất cả tạo nên một âm điệu bi thương, bàng bạc ở từng trang sách.

Dù đậm nhạt, dài lâu, ngắn ngủi khác nhau, nhưng các cuộc chiến ở Từ giờ... dường như có chung một gương mặt. Đấy là gương mặt của quái vật, bao trùm lên non cao núi thẳm, bờ bãi ruộng đồng, học đường, phố thị... Con quái vật ấy nuốt trọn bao cuộc đời, săn đuổi họ đến tận cùng, không có lối thoát.

Khi những vết thương trên da thịt con người dần lành lặn thì những nhức nhối trong lòng người vẫn âm ỉ, nhói đau.

Gương mặt chiến tranh ở Từ giờ... không nhiều ở các trận đánh, các cuộc ném bom. Nhân vật chính ở đó không là người lính. Nó chủ yếu được kể lại và từ sự nhìn ngắm của Sơn, cậu bé nhà quê, chạy trốn chiến tranh. Nhưng con quái vật ấy đã săn đuổi Sơn đến tận cùng, từ quê hương bản quán đến phố thị xa xôi, từ đồng bằng bát ngát đến tận vùng biên giới thâm u. Nó tràn ngập cuộc đời anh, cả trong giấc mơ, ký ức. Sơn không thoát và đã mất tất cả, tuổi thanh xuân, tình yêu đầu tiên và cuối cùng. Nó cuốn trôi cơ nghiệp một đời cơ cực của người cha và cả máu xương của hai người anh đi lính. Lẽ dĩ nhiên, không chỉ có Sơn. Hàng vạn, hàng triệu người đã chịu số phận bi thảm!

Chiến tranh được nhìn ngắm không chỉ có ở cặp tình nhân Sơn - Diễm. Trong cuốn tiểu thuyết, có cái nhìn của nhà triết học lừng danh, của các nhà thơ, nhạc sĩ đương thời và nhiều nhất là của người trong cuộc. Với những người từng trải như ông Tư Duy, ông Trần Ruộng, bà Mười xả dàn, chiến tranh là gian trá; phi nhân; chết chóc;nhát dao găm xuống cuộc đời họ; nơi con người không thể sống;dòng nước lũ cuốn đi tất cả... Chiến tranh là cái giật mình thảng thốt của vị cha xứ đang giờ hành lễ, bởi tiếng nổ rung chuyển cả nhà thờ. Với cô nữ sinh tên Trang, người trong vòng một tháng đã mất cả cha lẫn mẹ và người tình, chiến tranh là sự dối trá...

Mỗi người một cách cắt nghĩa về chiến tranh từ sự trải nghiệm đớn đau và nhìn ngắm của mình. Nhà văn không xác quyết cách nhìn nào. Có lẽ là tất cả như những gì mà chính chiến tranh đã trần trụi phơi bày trên đất nước, thế gian này!

Bao giờ thì chiến tranh kết thúc? Các nhà sử học hẳn sẽ nói, khi một bản hiệp định được ký kết hay khi không còn những trận đánh, tiếng súng. Nhà văn không vừa lòng. Nó bắt đầu khi chưa có tiếng súng và không ai đoán chắc nó đã kết thúc khi không còn nghe tiếng súng, tiếng bom nhiều năm sau nữa.

Tiếng súng đã im nhưng cái chết vẫn bất chợt, rình rập. Và điều này còn đau xót hơn: Khi những vết thương trên da thịt con người dần lành lặn thì những nhức nhối trong lòng người vẫn âm ỉ, nhói đau.

Câu chuyện chiến tranh ở Từ giờ... là thế. Cuốn sách này sẽ rơi vào số đông của rất nhiều cuốn tiểu thuyết về chiến tranh mà ta đã biết nếu như nhà văn lười biếng và bằng lòng với lối viết cũ.

Dòng sông độ lượng và tiếng chuông nguyện cầu

Cuộc chạy trốn chiến tranh của Sơn rất dài, cả về không gian lẫn thời gian. Vài mươi năm sau, anh tìm về chốn cũ, không phải để gặp người mà kiếm tìm ký ức.

Ký ức ấy là dòng sông quê có bờ cát trắng và nhiều nhất là dòng sông nơi anh ẩn nấp, có phố thị nằm ở bên lở, có ngôi nhà thờ cổ xinh xắn hướng mặt về dòng sông để đón những cơn gió mát rười rượi, nơi mà mọi điểm nhìn đều hướng về nơi ấy. Đó là nơi những người con trai đặt nụ hôn đầu tiên lên môi người tình. Ngay cả bức tượng Đức Mẹ cũng nhìn về phía dòng sông có đôi mắt buồn thăm thẳm.

Dòng sông trở thành chứng nhân cho người đời và chính họ tìm thấy ở đó như là sự chở che, vỗ về, an ủi cho những mất mát, đau thương: Dòng sông đã dạy cho Sơn sự bao dung, giúp anh trôi đi những phồn tạp, phù phiếm, lòng hận thù mà cuộc đời đã mang lại cho anh.

Ký ức tìm về của Sơn còn là gió. Gió từ tốn bắt nguồn từ mặt nước; gió mát rười rượi; gió từ khu vườn trồng nhiều cây ăn trái; gió chiều làm rung nhẹ những bông hoa sim tím trên các triền đồi; cơn gió nhẹ thổi qua cánh đồng lấp lánh màu bạc... Cơn gió làm phất phơ mái tóc dài của cô nữ sinh trường tỉnh. Cơn gió lồng lộng từ dòng sông đưa giọng trầm buồn của vị cha xứ già nua qua những khu vườn, bờ bãi.

Những cơn gió ở Từ giờ... luôn có màu sắc và hương thơm. Có khi nó là những cơn gió nồm dưới những bụi tre kẽo kẹt day dứt đưa mùi hương quyến rũ của hoa dủ dẻ giục giã tuổi thơ. Có khi nó mang mùi rạ rơm, bùn đất của quê nhà. Vậy mà, thấm đẫm trong tâm hồn và trở thành hành trang của một đời người. Nhiều hơn tất cả là hương bưởi quấn quýt, phủ lên những khu vườn ven sông, phảng phất nơi mái tóc người thương. Chính mùi hương ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn và ăm ắp kỷ niệm suốt quãng đời trai trẻ của người đời.

Nắng, gió, dòng sông, con đường, bụi tre, cánh đồng, hoa cỏ, hương thơm, con đò, cây cầu sắt, những khu mộ, ngôi nhà thờ cổ... và nhất là con trâu trắng bay về bầu trời xanh, tiếng chuông lễ chiều, ở Từ giờ... hợp thành một thế giới riêng có, ở với con người, cả khi họ không còn thuộc về nơi ấy.

Thế giới ấy, đôi khi bị lấn át bởi tiếng súng, tiếng bom, bởi màu đỏ gắt nhức nhối như những vệt máu đang loang trên bầu trời của một ngày xảy ra thảm sát, nhưng thầm lặng mà bền bỉ. Nguyễn Một đã tạo ra một thế giới song song, đan cài vào nhau, giữa chiến tranh và hòa bình, giữa tiếng súng chát chúa và tiếng chuông nguyện hồn, giữa cái chết và tình yêu, giữa mùi khét lẹt của đạn pháo và mùi hương dịu dàng của hoa bưởi, hoa ngâu... Trong thế giới song song ấy, con người đang bị rượt đuổi đớn đau. Người đời tìm kiếm số phận, còn số phận lại tìm kiếm người đời. Mãi mãi và chưa bao giờ ngừng nghỉ!

Từ giờ... còn có những mạch ngầm, xuyên qua không gian và cả thời gian. Đâu chỉ có Sơn, rời làng quê A Đông, nơi có những ngọn tháp Chàm trầm mặc, đi về phương Nam. Trước và cùng thời với anh, đã có bao người lưu lạc, kiếm tìm miền đất sống. Vậy mà, làng A Đông, làng Tân Ba, xứ Thủ Biên vẫn luôn là nơi chốn họ tìm về, dù có khi chỉ trong tâm tưởng. Điều đó có nghĩa, trong máu huyết của họ, những mạch ngầm vẫn chảy, dịu dàng mà mãnh liệt. Đừng vội định danh duy nhất một dòng chảy nào ở Từ giờ... 

Kết thúc Từ giờ... là hình ảnh ngôi nhà thờ cổ kính bên dòng sông hôm lễ Lá của đạo Kitô đã từng xuất hiện ở những dòng đầu tiên của cuốn tiểu thuyết và Hồi quang hoàng hôn lóe sáng bên bãi bồi. Lần đầu tiên trong đời, Sơn nhận ra màu chiều huyền hoặc của dòng sông.

Tác giả đặt tên cho cuốn tiểu thuyết rất dài: Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín. Hơn một tỷ tín đồ Công giáo đều biết rằng, sau Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu là Phục Sinh. Là nhà văn, chắc Nguyễn Một không có ý minh họa cho Tin Mừng, anh kín đáo gửi gắm khát vọng thiện lành của người đời sau những tang thương, mất mát và đọa đày. Bởi vậy, cũng đừng vội cho Từ giờ... là cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh. Nhà văn đã viết về thân phận con người trong sự đọa đày của nó.

Bùi Quang Huy

Tin xem nhiều