Báo Đồng Nai điện tử
En

Tháng ba, nghĩ về những người mẹ

10:03, 04/03/2023

Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương của ba và của mẹ! Bàn tay của mẹ chăm sóc tôi khỏe mạnh, cao lớn mỗi ngày. Và, mẹ cần mẫn gieo trồng, vun đắp những "hạt giống đỏ" vào "mảnh đất" tâm, trí cho chị em tôi.

Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương của ba và của mẹ! Bàn tay của mẹ chăm sóc tôi khỏe mạnh, cao lớn mỗi ngày. Và, mẹ cần mẫn gieo trồng, vun đắp những “hạt giống đỏ” vào “mảnh đất” tâm, trí cho chị em tôi.

Vết thời gian. Ảnh: Nguyễn An
Vết thời gian. Ảnh: Nguyễn An

“Khu vườn” tuổi thơ ấy đầy ắp quả ngọt, hoa thơm từ những câu chuyện mẹ kể và những cuốn sách mẹ mua. Tình yêu thương vô bờ được mẹ gửi gắm thầm lặng, dịu dàng qua từng trang sách, từ các“nhân vật” trên giấy tôi chưa gặp mặt bao giờ.

Trong tuyển tập những trang viết đầy xúc động của nhiều tác giả về người phụ nữ vĩ đại nhất trên đời có tên Tình yêu bất tận của mẹ, tôi bất ngờ tìm thấy truyện ngắn Người mẹ điên sau bao lần được nghe mẹ kể. Thì ra, mẹ đã dạy dỗ tôi theo cách của riêng mình. Mẹ để tôi tự cảm nhận tình mẫu tử thiêng liêng không gì chia cắt được bằng câu chuyện về người mẹ điên luôn ấp ủ tình thương cho con, dẫu cả khi ngã vào cõi chết.

Tôi thực sự may mắn vì được làm con của mẹ, luôn có mẹ trong đời. Niềm tự hào của tôi luôn đến cùng người mẹ nhân hậu với tấm lòng độ lượng bao dung,có trái tim đầy ắp yêu thương, giàu niềm trắc ẩn!

Theo thói quen, và cũng là để giúp tôi hình thành một thói quen, một thái độ trân trọng và biết ơn “cha đẻ” của những “đứa con tinh thần” mà họ sinh ra, mẹ không quên nhắc đến tác giả truyện ngắn bằng cách “mở ngoặc” thêm những thông tin đầy bổ ích: Người mẹ điên thuộc dạng “tiểu thuyết ghi chép thật” được tác giả Vương Hằng Tích (Trung Quốc) viết vào cuối năm 2004, ghi lại gần như toàn bộ những sự kiện có thật, nhân vật chính là gia đình người cậu của tác giả… đã đoạt giải nhất về Văn học kính lão toàn Trung Quốc. Tính nhân văn sâu sắc của tác phẩm gây nên sự “chấn động” trong làng văn học Trung Hoa. Người “bắc cầu” ngôn ngữ, đưa Người mẹ điên đến với Việt Nam là nhà văn Trang Hạ, dịch từ nguyên tác tiếng Hoa.

Truyện được kể ở ngôi thứ nhất, là lời cậu bé Thụ về người mẹ điên của mình và những đau khổ, bất hạnh vây quanh người đàn bà điên. Cha vì nghèo không lấy được vợ, bà nội phải “mang” một “con điên” về nhà, với ước mong giản đơn: duy trì nòi giống. Thụ sinh ra trong hoàn cảnh xót xa ấy, lớn lên từ những tháng ngày khát khao tình mẹ ấy; thiếu sự ôm ấp vỗ về, thừa những chua xót, đắng cay, đầy rẫy đớn đau, lã chã mồ hôi, ngập tràn nước mắt. Người mẹ điên chưa một lần được chạm vào nhúm ruột của mình. Đứa trẻ sinh ra chưa một lần biết vị ngọt từ bầu vú mẹ… Bà nội sợ “bệnh thần kinh” có thể lây qua dòng sữa, thẫn thờ thương xót buộc lòng đuổi con dâu đi khi không còn đủ sức nuôi thêm một miệng ăn... 

5 năm lang thang, tình mẫu tử đã dẫn đường cho người mẹ điên tỉnh táo quay về, tìm được con trong đám đông bọn trẻ. Người đàn bà áo quần rách bươm, tóc tai còn vương những vụn cỏ khô vàng khè, “người không ra người, ngợm không ra ngợm”, “Cỏ với lúa mà cũng chả phân biệt được”, chưa bao giờ được đứa con mình đứt ruột sinh ra đón nhận “một thứ mẹ điên khùng như thế”, chưa bao giờ được nghe gọi “Mẹ”. Người mẹ không bình thường của Thụ đầu óc dẫu không tỉnh táo, nhưng tình yêu dành cho Thụ luôn rõ ràng, tỉnh táo và mãnh liệt, không thể nhìn con bị người ta bắt nạt, sẵn sàng hứng chịu đủ mọi đòn roi từ sợi dây thắt lưng vun vút lạnh lùng xối xả trên lưng. Và, tình mẫu tử thiêng liêng luôn tạo nên kỳ tích. Hễ việc gì làm cho con, người mẹ đều không điên tí nào. 20km đường núi ngoằn ngoèo gió tuyết, nắng mưa cũng không làm lạc mất con đường mẹ đến trường học thăm con.

Câu chuyện kết thúc bằng cái chết của người mẹ điên nơi vách núi, với trái đào dại vương vãi xung quanh, bàn tay vẫn nắm chặt một quả, máu trên người đã đông lại thành đám màu đen nặng nề… Người mẹ điên sống chẳng được hưởng sung sướng ngày nào đã lại vĩnh viễn nằm xuống vực sâu, với mơ ước nhỏ nhoi: mang đến cho con vị ngọt quả đào tự tay mình hái.

Có lẽ, không phải chỉ Thụ mới đau đớn tới mức cảm thấy ngũ tạng như vỡ ra, chính người đọc cũng nghẹt thở, xót xa, tim mình thắt lại. Một mất mát quá khủng khiếp, không một ai và không điều gì có thể cân bằng.

Đọc đến đây, bỗng nhiên, tôi thấy mình có lỗi. Tôi gặp chính mình ở đâu đó trong lời nói và hành động của cậu bé Thụ ở lớp học trường làng, trong cái vô tâm, không cố ý, vô tình làm tổn thương mẹ cả khi đủ lớn để nghĩ suy. Nhiều khi tôi bỏ qua ánh mắt chờ đợi của mẹ, chạy theo niềm vui, sở thích ích kỷ riêng mình. Bao lần tôi hân hoan hưởng thụ, không mảy may nghĩ đến tình cảm mẹ đã dành cho tôi sau bằng những chăm sóc yêu thương tưởng là giản đơn mà vô cùng quý giá ấy. Lại có lúc, tôi thản nhiên lướt qua ánh mắt như cụp xuống sau cặp kính cận đổi màu thời trang của mẹ khi hào hứng khoe thành tích “vang dội” từ bài văn tả mẹ rất mực hiền thục dịu dàng với đôi mắt long lanh, dáng người mảnh mai… được cô cho điểm cao nhất lớp.

Tôi có khác Thụ gì đâu, không “công khai” mái tóc tém trẻ trung, khuôn mặt vuông cá tính và phong cách mạnh mẽ, hiện đại của mẹ, mà đâu hiểu được rằng hình dáng bên ngoài không phải lúc nào cũng đồng nhất với nội tâm và tính cách bên trong. Hóa ra, đất nước, thời đại, ngôn ngữ, địa vị, trí tuệ… có thể khác nhau, nhưng tình mẫu tử muôn đời vẫn có điểm chung duy nhất… Không phải không có cơ sở khi nữ sĩ Xuân Quỳnh trân trọng ngợi ca:

“Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng

Là bác học hay là ai đi nữa

Vẫn là con của một người phụ nữ

Một người đàn bà bình thường, không ai biết tuổi tên…”

Nhà thơ Chế Lan Viên cũng dành những lời cao quý nhất để nói về mẹ với niềm biết ơn vô hạn:

“Dẫu là Chúa cũng sinh ra từ ruột máu

Ta đẻ ra đời, sao khỏi những cơn đau…”

Giống như Vương Hằng Tích của Trung Hoa, trên dải đất hình chữ S, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Việt gọi “Mẹ là quê hương” và khẳng định “Không ai yêu mẹ bằng con, không ai thương con bằng mẹ”, nhạc sĩ Trần Tiến cảm thấy “thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình - phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ”, nhà thơ Trần Mạnh Hảo lại cho rằng: “Thiên đường của con chính là mẹ, là tuổi thơ không hề biết đau khổ bao giờ, dù gia đình có đói, có rét”. Vào cái giây phút nhận được tin đáng sợ nhất của đời người: bà cụ thân sinh ra ông đã “về nước Chúa”, ông“y hệt người câm”, hóa thành ngớ ngẩn, không tin mẹ đã chết, cứ thế nằm ôm xác mẹ mà nước mắt tràn ra như suối… Đêm giao thừa nhớ mẹ, ông đau xót thốt lên: “Tóc bạc rồi tôi vẫn là đứa trẻ mồ côi. Mồ côi cả gió bấc, mưa phùn, cả nén hương trên bàn thờ viếng mẹ dù xúm xít đứng chung cả cụm vẫn cứ mồ côi… Và tôi, sẽ mãi là cậu bé con lấm lem đất cát ngồi đầu ngõ đợi mẹ đi chợ về để được chia quà. Mẹ đi chuyến chợ vô biên này, tôi ngồi chờ hết năm này qua năm khác, mà mẹ ơi sao mẹ chẳng về ăn Tết?”. Đọc, mà ứa nước mắt. Ông nói nào có gì sai?

Ngay cả nhà thơ có bút danh mang tên một loài hoa trên đất Chiêm Thành - Chế Lan Viên một lần nữa khẳng định trong bài thơ Con cò:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”

Vòm trời xanh thẳm không một gợn mây cùng những đợt gió mang theo cái oi ả, nóng bức báo hiệu thời tiết Nam bộ đang vào những ngày cuối xuân, dần chuyển mình sang hạ. Giờ vừa mới tháng ba, tháng dành cho một nửa xinh đẹp làm nên thế giới, tháng của “phe nước mắt”, tháng thuộc về “phái yếu”, tháng để tôn vinh và tỏ lòng biết ơn những người phụ nữ kiến tạo nên sự sống hàng ngày. Tháng ba, tôi nghĩ về những người mẹ. Với tôi, mẹ là người đã mang tôi đến với thế giới tươi đẹp này, dành cho tôi tất cả những gì trong trẻo, tinh khôi, tốt đẹp nhất của cuộc sống.

Uyển Trân

Tin xem nhiều