Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi mới hoạt động dịch vụ logistics là yếu tố sống còn

09:03, 04/03/2023

Ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 14-16% nhờ những nỗ lực cũng như những cơ hội đến từ các hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại điện tử bùng nổ thời gian qua. Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) Đào Trọng Khoa nhận định bên cạnh thuận lợi thì thời gian tới sẽ có rất nhiều thử thách dành cho ngành trên con đường phát triển bền vững.

Ông Đào Trọng Khoa
Ông Đào Trọng Khoa

Ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 14-16% nhờ những nỗ lực cũng như những cơ hội đến từ các hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại điện tử bùng nổ thời gian qua. Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) Đào Trọng Khoa nhận định bên cạnh thuận lợi thì thời gian tới sẽ có rất nhiều thử thách dành cho ngành trên con đường phát triển bền vững.

Trong bối cảnh thị trường nhiều biến động và các xu hướng mới, DN trong ngành cần có sự thay đổi, đặc biệt là chuyển đổi mô hình kinh doanh, ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thuận lợi và thách thức đan xen

 Hiện nay trên thế giới, cước vận tải biển đã giảm mạnh. Ông đánh giá vấn đề này thế nào?

- Nền kinh tế toàn cầu đang trải qua những khó khăn, nhất là cùng lúc chịu nhiều ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, thiên tai, dịch bệnh và các lệnh trừng phạt lẫn nhau, từ đó kéo theo nhu cầu trên thế giới giảm. Đối với Việt Nam, điều này cũng ảnh hưởng bởi xuất khẩu giảm tốc khiến sản lượng vận tải hàng hóa thông qua cảng biển đi xuống rõ rệt.

So với trước đây, hiện nay cước vận tải biển đã giảm mạnh và xu hướng “lao dốc” của giá cước sẽ tiếp tục mà chưa có điểm dừng. Bởi tình trạng đầu cơ tích trữ hàng hóa quá mức cần thiết trong thời gian vừa qua còn khiến tình trạng sụt giảm sản lượng hàng hóa ngày càng trở nên nghiêm trọng, giá cước sụt giảm mạnh.

 Sẽ có những thách thức gì tiếp theo cho các DN trong ngành, thưa ông?

- Những khó khăn, thách thức của năm 2022 như đã nói ở trên vẫn đang kéo dài sang năm 2023. Bên cạnh sự thiếu ổn định của thị trường thế giới trong giai đoạn biến động thì sẽ có các xu hướng mới mà DN phải lưu tâm.

Logistics là ngành rất quan trọng trong nền kinh tế, giúp hội nhập và phát triển. Ảnh: V.GIA
Logistics là ngành rất quan trọng trong nền kinh tế, giúp hội nhập và phát triển. Ảnh: V.GIA

Cụ thể là xu hướng xanh hóa trong hoạt động thương mại, xanh hóa logistics là con đường tất yếu. Điều này tạo ra các quy chuẩn cao hơn, đồng nghĩa với việc thêm chi phí nhiều hơn cho hoạt động thương mại, logistics. Đơn cử như việc đánh thuế carbon mới đây nhất của châu Âu.

Do đó, DN cần có sự chuẩn bị những kịch bản ứng phó, tìm ra bước đi mới cho vấn đề sụt giảm đơn hàng từ kinh nghiệm và tính chịu đựng và thích ứng mà DN đã trải qua trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

 Nhưng như vậy không có nghĩa là triển vọng của ngành sẽ không có sự lạc quan?

- Khó khăn đang hiển hiện trước mắt, song chúng tôi vẫn có căn cứ để lạc quan. Năm 2023, Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế cao, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 700 tỷ USD, đây là bước tạo đà cho năm 2023 gặt hái được những thành tích cao hơn. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã và đang tạo xung lực để thúc đẩy sản xuất, xuất nhập khẩu phát triển. Nền kinh tế của nước ta đang trên đà phục hồi nhờ những quyết sách của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, xuất nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh, đầu tư tiếp tục tăng trưởng. Nhờ tính thích ứng và chống chịu trước tình hình chuỗi cung ứng bị đứt gãy sau kinh nghiệm hai năm đại dịch Covid-19 mà ngành dịch vụ logistics nước ta đã thích nghi, đứng vững và phát triển bền vững.

Là ngành kinh tế bổ trợ, cung ứng dịch vụ cho xuất, nhập khẩu chúng tôi tin logistics sẽ vẫn có các triển vọng tốt.

Cần đồng bộ các giải pháp hỗ trợ DN

 Theo ông, về lâu dài, Nhà nước cần có những hỗ trợ gì cho ngành logistics?

- Việc hỗ trợ, phát triển logistics cần được thực hiện đồng bộ. Chúng tôi kiến nghị tích cực triển khai chương trình hành động quốc gia về logistics. Chính phủ, các bộ ngành đã có nhiều quan tâm nhưng nay cần xem xét đến giai đoạn phát triển mới. Trong đó, chú trọng các biện  pháp vĩ mô như quy hoạch tổng thể ngành và tìm kiếm nguồn lực triển khai.

Bên cạnh vai trò Liên đoàn Giao nhận vận tải ASEAN (AFFA), Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), ông Đào Trọng Khoa hiện là Tổng giám đốc Công ty TNHH T&M Forwarding. Đây là một trong những công ty logistics tư nhân đầu tiên của Việt Nam hoạt động logistics quốc tế.

Chính phủ cần chú trọng quy hoạch tổng thể phát triển ngành, tạo nên nền tảng phát triển dài hạn, trong đó sớm triển khai xây dựng Chiến lược phát triển logistics của Việt Nam giai đoạn 2025-2030. Đồng thời, đề nghị các địa phương thu xếp quỹ đất cho phát triển các trung tâm dịch vụ logistics, xây dựng các cảng cạn, các kho bãi làm hàng, nhất là các kho bãi cho dây chuyền cung ứng lạnh nhằm góp phần vào việc phát triển kết cấu hạ tầng logistics, đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất và xuất nhập khẩu đang gia tăng.

Song song đó, triển khai các chương trình phát triển năng lực thực tế như: cung cấp kỹ năng số cho nhân lực, xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ... Ở cấp Trung ương, cần có chương trình đặc biệt cho ngành logistics có thể tiếp cận các nguồn lực, nhất là vốn vay, các địa phương tùy tình hình thực tế mà đề ra những chương trình cụ thể.

 Trong bối cảnh hiện nay, để trụ vững và phát triển, DN phải làm gì, thưa ông?

- Trong giai đoạn hiện nay, các DN cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam phải chú ý theo dõi sát diễn biến của thị trường vì tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường. Có kế hoạch kinh doanh thận trọng.

Đối với chúng ta, xuất nhập khẩu đang lường trước những khó khăn về thị trường truyền thống bị  ảnh hưởng như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, cần mở rộng thị trường trong và ngoài khu vực, tận dụng các FTA như EVFTA, CPTPP, RCEP… Thị trường châu Á với độ rủi ro thấp như một cách tìm hướng đi mới cho mình, ví dụ như khai thác thêm các tuyến Hàn Quốc, Nhật Bản và một số thị trường châu Á có nền kinh tế ít bị ảnh hưởng, vị trí địa lý gần để giảm sự rủi ro cho DN.

 Cải tiến công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo ông có phải là bài toàn lâu dài?

- Đó là điều chắc chắn. Các DN cần tiếp tục thực hiện việc cải tiến quy trình nghiệp vụ, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực logistics chất lượng cao để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, đáp ứng kịp thời yêu cầu của khách hàng trong điều kiện khó khăn mới như đã nêu trên.

Đặc biệt, cần có sự hợp tác chặt chẽ với các DN sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa để nắm bắt nguồn hàng và thị trường mới, có thông tin kịp thời về tình hình thị trường cước phí vận tải và dịch vụ logistics của thế giới để hai bên phối hợp tạo thuận lợi cho nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam.

 Từ kinh nghiệm của mình, ông có đề xuất gì?

- Trong vấn đề đào tạo nhân lực, cần tập trung đào tạo lực lượng tinh nhuệ để hỗ trợ hiệu quả trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh. Đề xuất chọn một nhóm tinh hoa từ các DN, trường, viện để đào tạo, trang bị cho họ những kiến thức, công cụ mới, từ đó có thể tư vấn, thiết kế, cung cấp giải pháp cho nhiều DN, quy mô lớn. Không nằm ngoài quy luật chung, việc đẩy nhanh chuyển đổi số là yêu cầu cấp bách, nếu không DN nói riêng, ngành dịch vụ logistics nói chung sẽ bị bỏ lại khi mà cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Công ty TNHH T&M Forwarding là DN chuyên cung cấp loại hình dịch vụ vận chuyển quốc tế, từ việc tham gia sáng lập WCA network; cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng lẻ (LCL) đi thẳng; “mở đường” tuyến hàng LCL đi Mỹ; thương mại điện tử xuyên biên giới và nhà tư vấn vận hành logistics chuỗi chuyên nghiệp của Việt Nam.

 Xin cảm ơn ông!

Văn Gia (thực hiện)

Tin xem nhiều