Báo Đồng Nai điện tử
En

Sách quý về hành trình xuyên thế kỷ và giá trị trường tồn

07:11, 04/11/2022

Tôi được sinh ra và lớn lên trong gia đình công nhân cao su truyền thống, vậy nên nhận bản thảo Tổng công ty Cao su Đồng Nai hình trình xuyên thế kỷ - Những dấu ấn và giá trị trường tồn (1906-1986), mừng lắm, quý lắm, cảm ơn nhiều lắm đối với Ban giám đốc Tổng công ty Cao su Đồng Nai đã chỉ đạo tạo ra món ăn tinh thần "xài hoài không hết" này.

Tôi được sinh ra và lớn lên trong gia đình công nhân cao su truyền thống, vậy nên nhận bản thảo Tổng công ty Cao su Đồng Nai hình trình xuyên thế kỷ - Những dấu ấn và giá trị trường tồn (1906-1986), mừng lắm, quý lắm, cảm ơn nhiều lắm đối với Ban giám đốc Tổng công ty Cao su Đồng Nai đã chỉ đạo tạo ra món ăn tinh thần “xài hoài không hết” này. Nhưng, thôi thúc việc đọc là câu hỏi khoa học vượt lên cảm xúc: Cuốn sách này có gì khác và mới so với những cuốn sách về phong trào công nhân cao su đã xuất bản trước đây? Đọc kỹ mới thấy đây là tập sách quý, tích hợp tinh hoa các kết quả nghiên cứu trước đây, đem đến cái mới về tư liệu, góc nhìn, cảm xúc, cách đánh giá, sự nhận diện về dấu ấn và giá trị của Công ty Cao su Đồng Nai (nay là Tổng công ty Cao su Đồng Nai) trong dòng chảy lịch sử - chính trị - văn hóa - kinh tế của ngành cao su Việt Nam và sự phát triển kinh tế xã hội ở Đồng Nai. 

Cảm giác đầu tiên tập sách mang đến là sự tin cậy về tư liệu. Từ hàng vạn trang của 58 tài liệu các loại đã công bố cùng với những thông tin trực tiếp ghi nhận được, tập thể tác giả đã kỳ công khảo cứu, chọn lọc tinh hoa, trình bày có hệ thống, dẫn giải tường minh khiến nội dung tập sách tổng hợp được kết quả nghiên cứu đã có và đem lại sự hiểu biết cần có. Nếu kết quả nghiên cứu đã có thiên về nội dung phong trào thì tập sách này tạo được sự hiểu biết cần có về sự sống. Từ những sự kiện và con số, tập sách nhận diện được con người - những người cán bộ và công nhân cao su Đồng Nai với thân phận cụ thể, phong trào hành động, nhiệm vụ chính trị, lịch sử chiến công và đời sống riêng chung trong quá trình hình thành, phát triển.

Từ góc nhìn khoa học - nhân văn, tập sách đem đến cho người đọc hiểu biết và cảm xúc tươi mới đối với nhiều nội dung tưởng đã xưa cũ:

1. Về phong trào công nhân cao su Đồng Nai, chính sử, địa chí và tài liệu chính thống đã tô đậm bản chất giai cấp cách mạng và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; tập sách này làm rõ hơn đặc tính nhân văn ở con người, từ con người trong bối cảnh đấu tranh sinh tồn dẫn đến đấu tranh cách mạng. Người công nhân cao su Đồng Nai khởi đầu từ những người lao động nông nghiệp với thân phận bần cùng, bị tước đoạt quyền sống, bị áp bức dã man, không được trưởng thành ở nhà máy công trường với phương thức sản xuất hiện đại mà “bán thân đổi mấy đồng xu” ở các đồn điền cao su trong nanh vuốt của thực dân. Công nhân cao su Đồng Nai trưởng thành từ tự phát đấu tranh chống áp bức, bóc lột để sinh tồn đến phong trào yêu nước, rồi đến đấu tranh cách mạng có lý tưởng cộng sản, được Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, vượt qua mọi gian khó, đạt mục tiêu cao nhất là góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và giải phóng chính mình.

Như vậy, công nhân cao su Đồng Nai hình thành gắn liền với sự ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam, là bộ phận khởi đầu của đội ngũ công nhân cách mạng ở Đồng Nai, “tay cạo tay súng”, luôn tiên phong trong các phong trào cách mạng, nòng cốt trong khối đại đoàn kết toàn dân và liên minh công - nông - trí thức; thường đạt thành tích tốp đầu trong đấu tranh chống ngoại xâm và xây dựng tỉnh Đồng Nai giàu mạnh.

2. Trong dòng chảy kinh tế thị trường, Tổng công ty Cao su Đồng Nai là đơn vị kinh doanh đặc biệt, vì ngoài mục tiêu lợi nhuận, còn có mục đích chăm lo đời sống cho công nhân và thực hiện chính sách xã hội đối với gia đình công nhân. Doanh nghiệp thông thường tập trung vào lợi nhuận và trả lương cho công nhân; công tác xã hội là tự nguyện, tùy tâm. Với Tổng công ty Cao su Đồng Nai, ngoài lợi nhuận, công tác xã hội còn là nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm đối với công nhân cao su và lao động trong vùng cao su.

 Theo nhịp nhảy múa của các con số phát triển mới thấy hết khó khăn và thành quả của công ty trong nhiệm vụ kinh tế qua các thời kỳ. Năm đầu mới giải phóng, công nhân hơn 5 ngàn người, 10 năm sau tăng gấp hơn 7 lần (38 ngàn người), không chỉ vậy, còn phải chăm lo cho khoảng 6 vạn nhân khẩu “ăn theo”; từ việc ăn ở, học hành, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, đền ơn đáp nghĩa. Do vậy, qua các trang viết, người đọc lắng lòng theo dõi sự vượt khó trong việc chạy ăn, trả lương, nuôi dưỡng sức dân cho đến các kết quả tăng trưởng cao về diện tích, năng suất, tay nghề công nhân, phong trào thi đua và vị thế hàng đầu trong các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao, công tác xã hội mới khâm phục, nể trọng một công ty đặc biệt với nhiệm vụ đặc biệt và thành tích đặc biệt. Sâu thẳm trong đó là năng lực, trình độ, nhiệt huyết và bản chất chính trị của lãnh đạo công ty qua các thời kỳ trong vòng tay của người lao động. Thành tích ấy thực là anh hùng.

3. Về các thành tích anh hùng, Tổng công ty Cao su Đồng Nai luôn đạt thành tích cao ở mọi lĩnh vực, đã vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Những danh hiệu vẻ vang này do tích hợp từ thành tích của các tập thể và cá nhân anh hùng trong hệ thống công ty như: Đội Du kích Bình Sơn, Nông trường An Lộc, Nông trường Cẩm Mỹ, Nông trường Bình Lộc, Đội Du kích Bình Lộc, Nông trường Ông Quế, nữ anh hùng lao động Nguyễn Thị Ngời... Những thành tích anh hùng ấy không phải tự nhiên có, mà kết tinh từ phẩm chất anh hùng của công nhân cao su Đồng Nai ở mọi nhiệm vụ, qua các chặng đường, thầm lặng hoặc tỏa sáng. Phẩm chất anh hùng ấy được xem là tài sản bản sắc của cao su Đồng Nai. Xưa đã vậy, nay cũng vậy, mai sau ắt sẽ như vậy.

4. Thành tích anh hùng của công ty không chỉ được tô đậm trong hồ sơ, còn được kết tinh thành giá trị văn hóa lịch sử lưu truyền bền vững trong nhân gian. Những tập thể, cá nhân anh hùng và nhiều liệt sĩ anh dũng hy sinh đã trở thành tên đường, tên trường lưu danh hậu thế; Lô cao su số 9 trở thành di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh lưu dấu sự khởi đầu của ngành cao su Đồng Nai, Suối Tre trở thành địa danh văn hóa… Các giá trị văn hóa này trường tồn cùng thời gian.

Khép lại tập sách, cảm xúc đọng lại thiện ý về tập thể tác giả do PGS-TS Hoàng Văn Hiển cùng TS Ngô Đức Lập chủ biên: Tâm huyết, kỳ công, khoa học, chân thành. Nếu không thực sự yêu quý những gì thuộc về cao su Đồng Nai ắt sẽ không đạt được kết quả ấy. Và cũng thấy, có bàn tay “thai sinh” chuyên nghiệp của NXB Chính trị quốc gia sự thật nên có được cuốn sách đẹp và sang trọng.           

Huỳnh Văn Tới

 

Tin xem nhiều