Báo Đồng Nai điện tử
En

Lễ hội vía ông Đá mộ cự thạch Hàng Gòn

07:10, 15/10/2022

Biên Hòa - Đồng Nai hằng năm có hàng trăm lễ hội gắn liền với đặc trưng văn hóa, phong tục tập quán của cư dân bản địa. Các lễ hội này đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Biên Hòa - Đồng Nai hằng năm có hàng trăm lễ hội gắn liền với đặc trưng văn hóa, phong tục tập quán của cư dân bản địa. Các lễ hội này đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn, xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh trở thành điểm du lịch của người dân và du khách gần xa
Di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn, xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh trở thành điểm du lịch của người dân và du khách gần xa

Trong số đó có lễ hội vía ông Đá mộ cự thạch Hàng Gòn, TP.Long Khánh (được tổ chức vào ngày 13-9 âm lịch hằng năm), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Tín ngưỡng thờ cúng ông Đá

Sự phát lộ của mộ cự thạch Hàng Gòn sau cuộc khai quật năm 1927 đã thu hút dư luận và sự quan tâm của nhiều người. Chỉ cách 2-3 năm sau cuộc khai quật, người dân Hàng Gòn dựng một cái am dưới gốc cây sung cạnh hầm mộ. Người dân đến thắp nhang, khấn vái có tính chất riêng tư. Sau này, người dân mới xây trên nền cái am này ngôi miếu nhỏ để thờ ông Đá. Phía trong chỉ có 1 bàn thờ, chưng đèn, lư nhang và 2 tượng ngựa bằng gốm. Phía dưới bàn thờ có một đùn đất do mối làm nên ngày càng lớn, phủ dày, áp vào vách, để lại những hình thù kỳ lạ. Sự hiện diện của đụn đất này là một trong những yếu tố được lưu truyền trong dân gian về sự huyền bí, linh thiêng của mả ông Đá.

Cùng với những phát hiện khảo cổ khác, di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn góp phần minh chứng cho sự đa dạng, phong phú và bổ sung cho thành tựu của con người cổ ở Đồng Nai - vùng đất được giới khảo cổ mệnh danh đã hình thành một nền “văn minh lưu vực sông Đồng Nai” phát triển ở Nam bộ.

Hiện nay, miếu ông Đá được dịch chuyển cách di tích khoảng 10m, được tôn tạo với kiến trúc khang trang hơn. Trong miếu có 3 ban thờ tương ứng với ba lối cửa đi vào. Ban chính giữa thờ ông Đá. 2 ban thờ khác đối xứng qua ban thờ chính, có tính chất tả ban, hữu ban. Trên xà ngang và 2 hàng cột phía trước bàn thờ chính có treo các bức hoành phi và các cặp liễn đối, nội dung ca ngợi công đức và sự hiển linh của ông Đá.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Trưởng Ban quý tế miếu ông Đá, cách đặt tên cho ngôi miếu của người dân gần gũi và dễ hiểu: Miếu thờ ông Đá. Tên gọi của miếu không xa lạ mà gắn liền với di tích hiện hữu là ngôi mộ làm bằng đá. Người dân tôn xưng kính trọng với danh ông Đá (ông Đá có từ thời xa xưa, trước khi những thế hệ tiền nhân đến đây khai khẩn, lập nghiệp). Điều này thể hiện một tâm thức tôn trọng, dung hòa trong tín ngưỡng dân gian của người dân Hàng Gòn khi xây dựng miếu.

“Với quan niệm có thờ có thiêng, có kiêng có lành, người dân địa phương tổ chức lễ hội vía ông Đá vào ngày 13-9 âm lịch hằng năm, với mong cầu bình an, trước hết là cho những người đang sống trong khu vực Hàng Gòn. Lễ hội được tổ chức với các nghi thức như: lễ nghinh ông; khai kinh cầu an; lễ tế linh thần, dâng hương… nhằm cầu mong cho nhân dân được sống cảnh an lành, có thời tiết thuận lợi, mùa màng tươi tốt. Người dân tham dự lễ cúng tùy lòng khởi tâm dâng cúng lễ vật, cùng dự tiệc với nhau trong tín niệm được hưởng lộc ông Đá” - ông Lộc cho hay.

Đặc biệt, lưu truyền trong dân gian về di tích mộ cự thạch Hàng Gòn có những câu chuyện kỳ bí, mang tính chất linh thiêng. Đó là sự quở trách, trừng phạt của ông Đá đối với những con người bất kính đã xúc phạm đến chốn linh thiêng hay ban cho điều phúc, điều lành với những ai thành kính cầu khấn. Những câu chuyện dân gian ấy cứ mãi được lưu truyền, làm tăng thêm sự huyền bí xung quanh di tích, góp phần gìn giữ mộ cự thạch Hàng Gòn.

Gìn giữ và phát huy

Có mặt trong lễ hội vía ông Đá mộ cự thạch Hàng Gòn từ rất sớm, ông Dương Văn Thành (71 tuổi), thành viên Ban quý tế miếu Bà chúa xứ ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh (H.Trảng Bom) cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến lễ vía ông Đá mộ cự thạch Hàng Gòn 20 thành viên của miếu Bà chúa xứ đều tham gia. So với 2 năm trước, năm nay lễ hội tổ chức quy mô hơn, số lượng người dân và du khách tham gia đông hơn với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn như: múa lân - sư - rồng, biểu diễn tuồng cổ.

Người dân xã Hàng Gòn xem biểu diễn tuồng cổ trong lễ hội miếu ông Đá mộ cự thạch Hàng Gòn, TP.Long Khánh
Người dân xã Hàng Gòn xem biểu diễn tuồng cổ trong lễ hội miếu ông Đá mộ cự thạch Hàng Gòn, TP.Long Khánh

“Đến lễ hội vía ông Đá, ngoài yếu tố tâm linh, chúng tôi còn được tham quan di tích, các hiện vật trưng bày. Phải nói rằng, những tảng đá lớn xếp trong mộ cự thạch Hàng Gòn khiến chúng tôi không khỏi suy nghĩ về những điều kỳ diệu mà người xưa đã làm nên. Đã có rất đông người dân và ban quý tế các đình, miếu ở Long Khánh và các địa phương trong tỉnh hòa mình vào không khí lễ hội. Đây cũng là dịp để ban quý tế các đình, miếu trong tỉnh giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức, quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích (xếp hạng và phổ thông)...” - ông Thành chia sẻ.

Hiện, di tích cấp quốc gia đặc biệt mộ cự thạch Hàng Gòn được trùng tu, tôn tạo nhằm bảo tồn sự phát triển bền vững của di tích và phát huy chúng trong đời sống hiện tại. Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực, góp phần bảo vệ di sản của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói riêng, di sản của nhân loại nói chung. Hằng năm, tại di tích đã đón nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử, khảo cổ học.

Mới đây nhất, Bộ VH-TTDL đã có văn bản gửi UBND tỉnh về việc thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ một số hạng mục tại di tích quốc gia đặc biệt Mộ cự thạch Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh). Trong đó, tu bổ, sửa chữa nhà bao che hầm mộ; nhà trưng bày, tiếp đón; nhà điều hành - quản lý; nhà thường trực - bán vé; nhà vệ sinh công cộng; cổng, tường rào, sân đường nội bộ và hạ tầng kỹ thuật. Bộ đề nghị, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày bàn giao, đưa công trình vào sử dụng, chủ đầu tư gửi nhật ký công trình và hồ sơ hoàn công về Bộ (qua Cục Di sản văn hóa) để lưu trữ và quản lý di tích.

Ly Na

Tin xem nhiều