Báo Đồng Nai điện tử
En

Bình ổn giá: Có thực sự bình ổn được 'ma trận' hàng hóa?

07:10, 15/10/2022

Chương trình bình ổn giá là một trong những biện pháp góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, thị trường có nhiều biến động, nhất là khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá nhiên liệu liên tục trồi sụt… Điều này cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp (DN), đơn vị tham gia bình ổn giá gặp nhiều khó khăn, thậm chí phải chịu lỗ.

Chương trình bình ổn giá là một trong những biện pháp góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, thị trường có nhiều biến động, nhất là khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá nhiên liệu liên tục trồi sụt… Điều này cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp (DN), đơn vị tham gia bình ổn giá gặp nhiều khó khăn, thậm chí phải chịu lỗ.

Người dân chọn mua các loại rau xanh tại chợ Hóa An (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hải Hà
Người dân chọn mua các loại rau xanh tại chợ Hóa An (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hải Hà

Ngoài ra, đối với nhiều mặt hàng còn phụ thuộc vào giá đầu vào cao thì công cụ bình ổn giá cũng chỉ phát huy tác dụng ở mức giới hạn, do còn nhiều chi phí khác tác động đến giá cả nên trong nhiều thời điểm, nhiều mặt hàng rơi vào cảnh “không thể không tăng giá”…

* Nhiều chi phí trung gian tác động vào giá cả

Thời gian qua, hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn khi giá xăng, dầu ở mức cao, kéo theo nhiều chi phí trung gian, giá cước vận chuyển, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Nhiều tiểu thương cho biết, do thời tiết mưa gió thất thường, sức mua yếu trong khi giá nhập hàng còn cao nên giá nhiều loại thực phẩm, hàng tiêu dùng nhìn chung giảm chậm hoặc vẫn chưa hạ nhiệt, thậm chí nhiều mặt hàng rau, củ, quả, thủy, hải sản… còn tăng giá vì nguồn cung ứng biến động.

Để giá các mặt hàng giảm nhiều hơn còn phụ thuộc vào lộ trình giảm các loại chi phí về vận chuyển, nguyên liệu đầu vào và chi phí sản xuất, nhân công…

Trước những diễn biến của thị trường, đa phần người tiêu dùng đều “ngóng” giá các loại hàng hóa, dịch vụ giảm theo giá xăng, nhất là giá các loại hàng hóa thiết yếu, thực phẩm. Mặc dù thị trường tiêu dùng vô cùng đa dạng với sự khác biệt về địa lý, phân khúc khách hàng, khả năng chi trả, nhưng nhìn chung dù là đô thị hay vùng sâu, vùng xa, người tiêu dùng đều mong có những chương trình bình ổn giá mang lại lợi ích thiết thực, các bên cùng cân đối lợi nhuận, nhu cầu nhằm chia sẻ qua lại. Đồng thời, bình ổn giá phải gắn chặt với các chuỗi giá trị cũng như chuỗi cung ứng trong bình diện chung.

Bà Ngọc Thu (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, nhà đông người nên bà luôn ưu tiên yếu tố ổn định trong việc giữ mặt bằng giá. Trong đó đặc biệt là các siêu thị như: Co.opmart, MM Mega Market, BigC... luôn cố gắng giữ giá các mặt hàng thiết yếu ổn định, chia sẻ với gánh nặng chi tiêu với người tiêu dùng.

“Các siêu thị luôn cân đối và đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi dành cho khách hàng. Tôi mong rằng các siêu thị, nhà phân phối sẽ thường xuyên tổ chức chương trình bình ổn giá của nhiều mặt hàng hơn nữa, góp phần giúp nhịp giá được giữ ổn định để đảm bảo an sinh xã hội cũng như thu hút lượng khách đến mua sắm tăng cao trong dịp cuối năm” - bà Ngọc Thu chia sẻ.

Theo nhiều chuyên gia, phạm trù “giá” rất rộng nên ngoài những biện pháp kinh tế và kỹ thuật, để có phương án giảm giá phù hợp thì cần có thêm các giải pháp tổng hợp khác như: giải quyết vấn đề cung - cầu hàng hóa, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, đặc biệt là giảm các khâu trung gian…

Đại diện một số siêu thị, đơn vị cung ứng trên địa bàn tỉnh cho biết, nhiều loại thực phẩm đóng gói, dầu ăn, bột ngọt, nước mắm… đã có xu hướng giảm, nhưng mức giảm chưa sâu.

Tại tọa đàm trực tuyến Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm: Thực trạng và giải pháp được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào tháng 8-2022, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nêu ý kiến, một trong những “điểm nghẽn” là chi phí về logistics ở nước ta còn gặp nhiều vấn đề, nhất là câu chuyện liên quan đến giá cả, từ giá đầu cho đến giá cuối qua khâu trung gian. Khâu trung gian rõ ràng là không thể hưởng chênh lệch quá nhiều. Để có thể giải quyết bài toán chi phí ở các khâu trung gian, vấn đề nâng cao đạo đức kinh doanh là vô cùng quan trọng.

Hơn thế nữa, cắt giảm các chi phí trung gian đòi hỏi sự công khai, minh bạch từ các khâu sản xuất đến tiêu dùng, sự quản lý đồng bộ, sát sườn từ phía các cơ quan hữu quan để kịp thời phát hiện, xử lý khi giá bị “đội” lên ở những khâu cụ thể. Không thể đánh đồng, dàn trải vấn đề này vì như thế sẽ không công bằng với những khâu trung gian khác…

* Thực hiện các giải pháp đồng bộ, kịp thời

Bình ổn giá là một chương trình cần thiết trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động như hiện nay. Để chương trình bình ổn giá phát huy hiệu quả thì cần có những giải pháp đồng bộ, kịp thời, nhất là trong những đợt cao điểm. Đơn cử, việc triển khai các hoạt động bình ổn giá trong đợt dịch Covid-19 là một “phép thử” lớn để các cơ quan chức năng, các DN, đơn vị tham gia bình ổn giá có phương án triển khai phù hợp, hiệu quả chương trình này.

Một chuyến hàng bình ổn giá phục vụ người dân vùng xa trong dịp Tết Nguyên đán 2022 do HTX Thương mại - dịch vụ Phương Lâm (H.Tân Phú) triển khai trên địa bàn H.Tân Phú. Ảnh: Danh Thịnh
Một chuyến hàng bình ổn giá phục vụ người dân vùng xa trong dịp Tết Nguyên đán 2022 do HTX Thương mại - dịch vụ Phương Lâm (H.Tân Phú) triển khai trên địa bàn H.Tân Phú. Ảnh: Danh Thịnh

Qua đó, công tác cân đối cung cầu hàng hóa, đề xuất danh mục hàng hóa thiết yếu để triển khai bình ổn giá cần chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý; thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; kiểm soát chặt chẽ chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…

Đặc biệt, một trong yếu tố quyết định sự hiệu quả của chương trình bình ổn giá đó chính là tính thời điểm. Trong đó, cần chủ động xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, có phương án điều tiết nguồn cung khi cần thiết. Triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người dân, nhất là vào các đợt cao điểm.

Ông Minh Khôi (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho biết, những tháng đầu năm thì người dân áp lực bởi giá xăng dầu biến động, không chỉ đè nặng lên hàng hóa sản xuất trong nước mà cả hàng nhập khẩu. Còn những ngày hiện tại, sự thiếu hụt nguồn cung xăng dầu gây “ám ảnh” cho rất nhiều người dân trong tình trạng lo lắng, xếp hàng dài chầu chực chờ đợi. “Bình ổn giá nhưng bất ổn nguồn cung cũng gây khó khăn và áp lực lên đời sống của nhiều người. Tôi mong rằng áp lực này nhanh chóng được kéo giãn bằng cách chủ động đàm phán với các nhà cung cấp, cân đối lợi nhuận làm sao để thị trường và tâm lý người dân sớm ổn định” - ông Khôi nói.

Hiện nay, nhiều đơn vị, HTX trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu xây dựng kế hoạch về nguồn hàng, số lượng điểm bán hàng bình ổn giá, triển khai các chuyến hàng phục vụ người dân ở vùng sâu, vùng xa… vào dịp cuối năm nay và Tết Nguyên đán 2023.

Trong bối cảnh nhiều loại hàng hóa vẫn “neo” ở mức cao, có nhiều biến động theo giá xăng dầu, chi phí trung gian…, HTX mong muốn các hoạt động hỗ trợ vay vốn để triển khai chương trình bình ổn giá sớm được triển khai, qua đó để các HTX sớm tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để chủ động tiếp cận, ký hợp đồng mua các nguồn hàng thiết yếu từ nhà phân phối với giá hợp lý.

Ông Nguyễn Danh Thịnh, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ Phương Lâm (H.Tân Phú) cho biết, năm nay HTX dự kiến triển khai 1 điểm bán hàng bình ổn giá và 30 chuyến hàng thiết yếu với giá bình ổn về các xã vùng xa trong huyện. Năm nay, tình hình hàng hóa có nhiều biến động nên HTX cũng mong muốn sớm tiếp cận nguồn vay ưu đãi để kịp thời chuẩn bị nguồn hàng để thực hiện chương trình bình ổn giá, vì nếu để càng gần cuối năm, cận Tết thì giá hàng hóa nhập về sẽ tăng cao, tác động đến công tác chuẩn bị nguồn hàng bình ổn giá của HTX…

Hải Hà

Tin xem nhiều