Báo Đồng Nai điện tử
En

THACO CHU LAI: Một ngày tìm đến

07:07, 23/07/2022

Nằm trong chương trình trại sáng tác văn học nghệ thuật Văn nghệ sĩ với người lính, biển đảo và quê hương đất nước năm 2022 do Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai tổ chức, văn nghệ sĩ Đồng Nai đã có dịp đi thực tế tại Khu công nghiệp Thaco Chu Lai và tìm thấy những giá trị tinh thần đã nở hoa nơi đây.

Nằm trong chương trình trại sáng tác văn học nghệ thuật Văn nghệ sĩ với người lính, biển đảo và quê hương đất nước năm 2022 do Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai tổ chức, văn nghệ sĩ Đồng Nai đã có dịp đi thực tế tại Khu công nghiệp Thaco Chu Lai và tìm thấy những giá trị tinh thần đã nở hoa nơi đây.

Đoàn văn nghệ sĩ Đồng Nai tại cảng Chu Lai
Đoàn văn nghệ sĩ Đồng Nai tại cảng Chu Lai

Bông hoa xương rồng trên đất Quảng Nam

Đón chào chúng tôi là cụm hoa xương rồng tươi thắm giữa hệ thống giao thông hiện đại dẫn vào Khu công nghiệp Thaco Chu Lai. Theo nhà văn Nguyễn Một - Giám đốc Truyền thông Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO) thì ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn chọn hoa xương rồng làm biểu tượng cho khu công nghiệp này để ghi nhớ những khó khăn, gian khổ và những nỗ lực không ngừng nghỉ của tập đoàn trên mảnh đất Quảng Nam.

Ví von, dí dỏm mà hết sức chân thật, nhà văn Nguyễn Một chia sẻ: Quãng đường các văn nghệ sĩ Đồng Nai đi trong chưa đầy 2 giờ đồng hồ thì những con người của THACO đã phải làm việc cật lực trong 20 năm qua.

Thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, hưởng ứng lời kêu gọi đầu tư của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, năm 2003, ông Trần Bá Dương đã đưa Thaco Chu Lai đến đây, gây dựng một khu kinh tế mở với những ước mơ mang tầm vóc lớn lao, kỳ vĩ cho thương hiệu Việt và cả “bản sắc Việt”. Nơi đây có 12 ngàn người đang làm việc ở 36 công ty, đơn vị, trải rộng trên diện tích trên 1.200ha. Trong đó trên 600ha đã được “phủ xanh” với đúng nghĩa màu xanh của môi trường, cây cỏ, hệ thống nước; với hàm ý một khu kinh tế biển “xanh” và hiện đại, hướng đến một hệ sinh thái đa ngành phát triển không những đạt chuẩn mà còn có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Chị Thạch Lựu - trợ lý truyền thông và cũng là một người con đất Quảng cho biết: Những ngày đầu xây dựng Thaco Chu Lai, tất cả chỉ là một vùng cát trắng. Muốn trồng một cái cây, mọi người phải đào sâu xuống đất ít nhất vài ba mét, rồi mang đất thịt lót bên dưới trước khi trồng cây lên. Chị tự hào chỉ tay về hàng cây phủ xanh những con đường trong khu công nghiệp và mang đến cho chúng tôi cả những câu hò ngọt ngào của xứ Quảng, để minh chứng cho sự chịu thương chịu khó, cho tình cảm chân chất luôn khát khao, đón nhận những đồng cảm, sẻ chia.

Trong một ngày ngắn ngủi đi thăm hơn 10 công ty, nhà xưởng của Khu công nghiệp Thaco Chu Lai và đi thăm cảng Chu Lai, tôi lại nhớ đến những lần đi cơ sở cùng với đồng chí Võ Văn Phi - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai (lúc đó là Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu). Là một chuyên gia về nông nghiệp, đồng chí Võ Văn Phi đã nhiều lần chia sẻ về phương pháp làm nông nghiệp, cũng như định hướng phát triển của các nước trên thế giới, trong đó nhiều nước phát triển đã đưa các khu công nghiệp ra những vùng đất ít màu mỡ nhất, khó sinh ra lợi tức nhất - với điều kiện là phải có sự đầu tư lớn, bền bỉ, mang tính chiến lược, lâu dài. Thật tâm đắc vì ông Trần Bá Dương và Tập đoàn THACO đã có sự lựa chọn rất đúng đắn và dũng cảm, vì không đặt hiệu quả kinh tế trước mắt làm mục tiêu chính, mà chấp nhận gian khổ, gánh vác vai trò là người tiên phong đến với Chu Lai - Quảng Nam, vùng đất đã phải chịu nhiều mất mát, hy sinh trong chiến tranh và có ít lợi thế phát triển về kinh tế. Và cũng tạo một hình mẫu mới trong đầu tư, phát triển ở Việt Nam, mà chúng ta đang rất cần tìm kiếm và nhân rộng.

Kết nối những giá trị Đồng Nai

Không chỉ làm cho đất nở hoa, Thaco Chu Lai luôn làm cho chúng tôi nhớ đến những con người Đồng Nai rất bình dị, đáng yêu và nhiệt huyết. Kỹ sư Trần Bá Dương là người đã kiến tạo nên THACO, là một thương hiệu Việt và cũng là một tinh thần người Đồng Nai kết tinh vào lao động, sáng tạo. Bằng những nỗ lực hằng ngày của bản thân, ông đã lan tỏa được tình yêu công việc và niềm tin vào sự phát triển mạnh mẽ của quê hương, đất nước. Ông đã trải qua những năm tháng tuổi trẻ vất vả, đói khổ nên luôn canh cánh những ước mơ được học tập, làm việc và sáng tạo để thay đổi cuộc đời; song để hoàn thiện bản thân mình, khắc phục những khó khăn trước mắt, Trần Bá Dương không ngại trở thành một người thợ sửa ô tô... Ông là một tấm gương để cán bộ, công nhân của Tập đoàn THACO tự hào, tin tưởng và noi theo.

Hoa xương rồng trên cát
Hoa xương rồng trên cát

Cùng với Chủ tịch Trần Bá Dương, cố vấn cấp cao Thái Duy Hùng -  cũng là một người có mặt từ buổi đầu thành lập THACO và bền bỉ đồng hành gần 20 năm với Thaco Chu Lai mặc dù tuổi đời đã trên 70. Bằng sự mẫn tiệp và khiêm tốn, ông Thái Duy Hùng cho biết mình đã có 35 năm làm việc ở Đồng Nai, là một kỹ sư cống hiến gần cả cuộc đời tại Đồng Nai. Song cũng là một người con của miền Trung, ông sẵn sàng tiếp tục làm việc, không quản ngại bất cứ khó khăn nào. Bên cạnh đó, nhà văn Nguyễn Một với chức danh Giám đốc Truyền thông cũng là một người con ưu tú, giúp kết nối, lan tỏa những giá trị văn hóa tinh thần của Đồng Nai và đất Quảng. Những thành công của anh cũng là thành quả của tình yêu của anh dành cho quê hương, gia đình, và dành cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước mà Tập đoàn THACO theo đuổi.

Đến với Thaco Chu Lai, chúng tôi không chỉ tiếp cận với quy trình sản xuất công nghệ ô tô tiên tiến, có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất cả nước; mà chúng tôi còn được hòa mình vào bầu không khí đặc biệt, được mọi người gọi là “Văn hóa 8T”: Tận tâm, Trung trực, Trí tuệ, Tự tin, Tôn trọng, Trung tín, Tận tình, Thuận tiện. Xét theo Chiến lược phát triển văn hóa đất nước mà Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký phê duyệt, thì những tiêu chí văn hóa của THACO rất phù hợp với định hướng phát triển nhanh và bền vững của đất nước ta hiện nay, nhất là trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư của cả thế giới. Trong đó, chiến lược xây dựng con người vẫn là điều quyết định cho mọi thành công. Bên cạnh đó, việc chăm lo nhà ở, đời sống, dạy nghề cho công nhân, người lao động cũng rất đáng ghi nhận, dù số lượng người làm việc rất đông, song kỷ luật lao động và việc tổ chức ăn ở, học tập được thực hiện rất quy củ. Công tác đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, hoạt động xã hội - từ thiện được thực hiện bài bản. Trong đó, những nguồn lực dành cho Quảng Nam được ưu tiên hơn, cũng hợp lý bởi một lẽ nơi đây sẽ trở thành một mũi nhọn về phát triển công nghiệp, logistics, du lịch trong tương lai...

Trần Thu Hằng

Tin xem nhiều