Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo tàng Hải dương học - đại dương thu nhỏ

08:05, 20/05/2022

Đến Bảo tàng Hải dương học (thuộc Viện Hải dương học, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), du khách sẽ được thỏa thích khám phá thế giới đại dương rộng lớn, mở mang kiến thức về không gian lãnh thổ, tài nguyên và môi trường biển của Việt Nam.

Đến Bảo tàng Hải dương học (thuộc Viện Hải dương học, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), du khách sẽ được thỏa thích khám phá thế giới đại dương rộng lớn, mở mang kiến thức về không gian lãnh thổ, tài nguyên và môi trường biển của Việt Nam.

Bộ xương cá voi lưng gù dài 18m, nặng 10 tấn đã bị chôn vùi dưới đất khoảng 200 năm được trưng bày tại Bảo tàng Hải dương học, TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: T.Tâm
Bộ xương cá voi lưng gù dài 18m, nặng 10 tấn đã bị chôn vùi dưới đất khoảng 200 năm được trưng bày tại Bảo tàng Hải dương học, TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: T.Tâm

Bảo tàng Hải dương học là nơi lưu giữ hơn 23 ngàn mẫu sinh vật biển quý giá thuộc 5 ngàn loài; 300 loài sinh vật biển quý hiếm được thu thập khắp các vùng biển Việt Nam và khu vực phụ cận. Trở thành nơi lưu trữ bộ mẫu sinh vật biển lớn nhất nước từ năm 2012.

* Lưu giữ ký ức biển

Bảo tàng Hải dương học do Viện Hải dương học quản lý và điều hành được thành lập từ năm 1923, được bố trí trong diện tích 5 ngàn m2 và chọn cá Mao Tiên làm biểu tượng.

Theo các nhà nghiên cứu, Nha Trang được chọn làm nơi để xây dựng Viện Hải dương học bởi lẽ biển nơi đây thuộc loại biển sâu nhất của Việt Nam và cách hải vận quốc tế không xa. Đồng thời, vùng biển Nha Trang có khí hậu ôn hòa, nơi giao nhau giữa hai dòng biển nóng, lạnh nên là môi trường ưa thích của hầu hết các loài sinh vật biển. Do đó, biển Nha Trang thuộc vào loại đa dạng sinh học biển bậc nhất Việt Nam.

Đến Bảo tàng Hải dương học trong khuôn viên Viện Hải dương học tham quan vào các dịp lễ, Tết, nhiều du khách đã ấn tượng với bộ xương cá voi lưng gù dài 18m, nặng 10 tấn đã bị chôn vùi dưới đất khoảng 200 năm.

Thông qua lời giới thiệu của hướng dẫn viên nơi đây, chúng tôi được biết từ tháng 12-1994, cả nước xôn xao về việc một nông dân xã Hải Cường (H.Hải Hậu, tỉnh Hà Nam Ninh, nay là tỉnh Nam Định) trong lúc đào mương đã phát hiện bộ xương khổng lồ dưới lòng đất và ai nấy đều tưởng đó là xương khủng long. Sau đó, với nghiên cứu ban đầu, các nhà khoa học xác định đây là bộ xương cá voi lưng gù.

Đối với ngư dân tại xã Hải Cường thời điểm đó, cá voi là tín ngưỡng thờ cúng thiêng liêng nên sau khi phát hiện xương cá voi, họ đã mang về sân đình để thờ cúng. Tuy nhiên, sau một thời gian các nhà khoa học nghiên cứu và tìm cách thuyết phục về tầm quan trọng của bộ xương đối với công tác nghiên cứu, ngư dân của xã đã đồng ý bàn giao bộ xương cho Viện Hải dương học. Với nhiều công sức phục chế của các nhà khoa học và nghệ nhân, sau 6 tháng bộ xương đã được hoàn chỉnh trưng bày và trở thành mẫu vật quốc gia nổi tiếng như ngày nay.

Ngoài ra, tại Bảo tàng Hải dương học còn trưng bày, lưu giữ, bảo tồn khoảng 23 ngàn mẫu của hơn 5 ngàn loài cùng rất nhiều các mẫu vật lớn hàng trăm năm tuổi và tốn nhiều công sức phục chế sau một thời gian dài như: cá nạng hải nặng gần 1 tấn, bộ xương bò biển nặng gần 300kg được đưa từ Côn Đảo về có nguy cơ bị tiệt chủng, cá tầm, cá vua, cá mặt trăng đuôi nhọn, cá ông chuông, trai khổng lồ, hải cẩu… Những mẫu vật được trưng bày không chỉ đến từ biển Việt Nam mà còn từ các nước lân cận. Do đó, bảo tàng được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là nơi lưu trữ bộ mẫu sinh vật biển lớn nhất nước từ năm 2012.

* Bài học yêu biển và tự hào về lãnh thổ Tổ quốc

Ngoài những mẫu vật lớn có giá trị, Bảo tàng Hải dương học còn sở hữu khu bể nuôi ngoài trời, các bể kính với hơn 300 loài sinh vật biển sống quý hiếm như: cá mập, cá chình, tôm hùm, rùa biển, san hô sống. Đó là lý do trong những dịp lễ, Tết, Bảo tàng luôn tiếp đón hàng ngàn lượt khách du lịch đến tham quan và khám phá.

Trong đó, du khách rất thích thú với khu trưng bày Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Đây được xem là thủy cung thu nhỏ được cải tạo từ đường hầm xuyên qua núi Cảnh Long (Bảo Đại) có chiều dài 120m, rộng 8-12m. Khu trưng bày được đầu tư hệ thống 4 bể nuôi hiện đại bao gồm: 2 bể áp tường, 1 bể bán nguyệt và 1 bể vòm. Với việc nuôi sinh vật biển trong bể nhân tạo, đội ngũ xây dựng đã cho du khách thấy được sức sống của đại dương mênh mông với sự khắc họa phong phú, đa dạng, vẻ đẹp thế giới sinh vật biển của hệ sinh thái đáy biển Việt Nam nói chung và quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa nói riêng.

Nhiều du khách thích thú ngắm nhìn đại dương thu nhỏ tại khu trưng bày Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa và khu bể ngoài trời có nhiều sinh vật quý hiếm tại Bảo tàng Hải dương học Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa)
Nhiều du khách thích thú ngắm nhìn đại dương thu nhỏ tại khu trưng bày Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa và khu bể ngoài trời có nhiều sinh vật quý hiếm tại Bảo tàng Hải dương học Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa)

Đến với Bảo tàng Hải dương học, nhiều người không chỉ ngắm nhìn hay chụp hình lưu niệm mà còn đưa con nhỏ đến tham quan để dạy các cháu những bài học sinh động từ đại dương mênh mông. Vừa dắt con trai nhỏ 8 tuổi đi tham quan từng loài sinh vật biển trong các hồ chứa và bể kính, chị Ngọc Hà (ngụ H.Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) vừa hướng dẫn cho con biết từng loài vật khác nhau. Chị Hà cho hay, vì nhà cách Bảo tàng Hải dương học chỉ khoảng 20km nên hằng năm mỗi khi có dịp, chị đều dẫn con đến tham quan các sinh vật biển tại đây. Theo chị, để con tự ngắm nhìn và quan sát các sinh vật là bài học sinh động nhất giúp con hiểu được thế giới muôn màu dưới đại dương. Nhờ đó, con có thêm nhiều kiến thức và tăng thêm ý thức bảo vệ môi trường nói chung và sinh vật biển nói riêng.

Sau khi ngắm nhìn mọi loài sinh vật thỏa thích từ khu bể ngoài trời cho đến khu trưng bày Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa, nhiều du khách không quên rủ nhau đến công viên Trường Sa (nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Hải dương học) để chụp hình lưu niệm với ngọn hải đăng thu nhỏ, cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa và cây bàng vuông. Đây là nơi dành cho những người chưa có cơ hội đến huyện đảo Trường Sa hiểu rõ hơn về vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Anh Trần Văn Bình (ngụ tỉnh Đồng Nai) cho hay, gia đình anh hiện chưa có cơ hội để được đến huyện đảo Trường Sa. Tuy nhiên, đến với Bảo tàng Hải dương học có mô hình thu nhỏ một số biểu tượng của huyện đảo Trường Sa rất ý nghĩa, khơi gợi tinh thần yêu nước, lòng tự hào về chủ quyền lãnh thổ cho người dân, nhất là thế hệ trẻ khi có điều kiện ghé thăm.

Sau khi được nhìn ngắm thỏa thích đại dương thu nhỏ, nhiều du khách ra về không giấu nổi niềm vui và mang thêm tình yêu đại dương rộng lớn. Trẻ em cũng trở nên hào hứng khi học được bài học lớn về biển cả. Đây là những bài học sinh động, thích thú và hiệu quả nhất góp phần vun đắp tình yêu thiên nhiên, yêu biển, cũng như hiểu được ý nghĩa của việc bảo vệ biển, giữ vững chủ quyền biển đảo của Việt Nam.            

Tố Tâm

Tin xem nhiều