Báo Đồng Nai điện tử
En

Chế biến sâu để nâng giá trị cho nông sản

07:03, 06/03/2023

Tuy là trung tâm công nghiệp của cả nước nhưng nông nghiệp của Đồng Nai cũng rất phát triển. Mỗi năm, toàn tỉnh gieo trồng khoảng 143 ngàn ha cây hàng năm gồm: lúa, đậu các loại, khoai lang, bắp, rau ăn lá, rau ăn quả…

Tuy là trung tâm công nghiệp của cả nước nhưng nông nghiệp của Đồng Nai cũng rất phát triển. Mỗi năm, toàn tỉnh gieo trồng khoảng 143 ngàn ha cây hàng năm gồm: lúa, đậu các loại, khoai lang, bắp, rau ăn lá, rau ăn quả… Các cây trồng trên cho sản lượng trên 912 ngàn tấn/năm. Bên cạnh đó, Đồng Nai còn có hơn 76,6 ngàn ha cây ăn quả lâu năm như: xoài, bưởi, chôm chôm, thanh long, mít, cam, sầu riêng… cho thu hoạch gần 600 ngàn tấn/năm. Các sản phẩm chăn nuôi heo, gia cầm hơn 600 ngàn tấn/năm.

Như vậy, mỗi năm Đồng Nai cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước hơn 2,1 triệu tấn nông sản các loại. Nhiều năm nay, giá nông sản luôn bấp bênh và thường rơi vào cảnh “được mùa mất giá, mất mùa được giá”. Có không ít thời điểm, nông dân phải chịu cảnh thua lỗ lớn vì hàng dội chợ, giá giảm sâu. Nguyên nhân chính là do nông sản của Đồng Nai chủ yếu bán thô và tươi, số lượng chế biến sâu rất ít. Do đó, vào thời điểm thu hoạch nông sản lệ thuộc rất lớn vào thị trường trong nước và Trung Quốc. Nếu cả hai thị trường này sức mua giảm thì nông sản của Đồng Nai sẽ phải bán rẻ như cho. Bởi vào vụ hoặc đến thời điểm không thu hoạch nông sản sẽ hư hỏng.

Vì vậy, nhiều năm qua, tỉnh đã luôn mời gọi các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu nông sản để không còn tình trạng nông sản dội chợ khó bán, nông dân bị thua lỗ. Đồng thời, chế biến sâu nông sản sẽ giúp nâng giá trị sản phẩm tăng gấp 2-4 lần so với bán thô và tươi. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các loại nông sản, trái cây của Đồng Nai có chất lượng khá tốt, có thể xuất khẩu tươi và chế biến thành sản phẩm sấy khô, dẻo, nước uống để xuất khẩu vào các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Trung Quốc… Muốn nông sản, trái cây xuất khẩu được thì nông dân phải làm theo quy trình sản xuất sạch, có nguồn gốc rõ ràng và hình thành các vùng chuyên canh lớn.

Hiện nay, một số loại trái cây, nông sản của Đồng Nai đã đáp ứng được các yêu cầu của đối tác nước ngoài và có thể xuất khẩu, nhưng sản lượng chưa nhiều. DN đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn ngại thủ tục, đất đai và xây dựng vùng nguyên liệu. Để tháo gỡ những khó khăn trên, giúp DN mạnh dạn đầu tư vào chế biến sâu nông sản, Đồng Nai đã quy hoạch 2 cụm công nghiệp tại H.Cẩm Mỹ và Định Quán. Tuy nhiên, cả hai cụm công nghiệp trên vẫn chưa hoàn thành được hạ tầng kỹ thuật để cho DN thuê đất đầu tư. Nếu 2 cụm công nghiệp trên sớm hoàn thành hạ tầng kỹ thuật thu hút được một số DN lớn trong và ngoài nước đầu tư vào chế biến sâu nông sản, có thể tạo ra đột phá cho lĩnh vực nông nghiệp. Vì khi kết nối được DN - nông dân - nhà khoa học sẽ tạo ra các sản phẩm chất lượng, có giá trị cao. Khi đó, nông dân chỉ tập trung vào sản xuất để có năng suất, chất lượng, còn DN có vùng nguyên liệu ổn định để chế biến và tìm thị trường xuất khẩu. Chuỗi sản xuất, chế biến nông sản khép kín đem đến lợi nhuận cao và phát triển bền vững cho nông sản Đồng Nai.

                                                                      Hương Giang

Tin xem nhiều