Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyết không làm nô lệ!

03:11, 23/11/2022

Đêm 22 rạng sáng 23-11-1940, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã nổ ra ở hầu khắp các tỉnh miền Nam. Từ cuộc khởi nghĩa này, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện trước trụ sở cách mạng ở Mỹ Tho, Vĩnh Long để rồi sau này đã được chọn thành Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Đêm 22 rạng sáng 23-11-1940, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã nổ ra ở hầu khắp các tỉnh miền Nam. Từ cuộc khởi nghĩa này, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện trước trụ sở cách mạng ở Mỹ Tho, Vĩnh Long để rồi sau này đã được chọn thành Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Người dân Nam Kỳ nhất tề đứng lên khởi nghĩa
Người dân Nam Kỳ nhất tề đứng lên khởi nghĩa

Khởi nghĩa Nam Kỳ dù bị thực dân Pháp dìm trong biển máu song tinh thần yêu nước quả cảm của những người anh hùng đã làm nên cuộc khởi nghĩa rung chuyển toàn Nam bộ khi ấy, là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ cả dân tộc Việt Nam đi tới.

Khởi nghĩa với tinh thần quật khởi

Tháng 3-1940, Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ đã ra Đề cương về cách mạng Nam Kỳ. Ngay sau khi bản đề cương được công bố đã xuất hiện một không khí sôi nổi, khẩn trương của các tổ chức, các giới đồng bào chuẩn bị tinh thần và lực lượng cho một cuộc nổi dậy với quy mô lớn toàn miền Nam. Các công việc khẩn trương cho cuộc khởi nghĩa đã được tiến hành ở khắp mọi nơi. Các tổ chức do Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập và lãnh đạo, nhất là các tổ chức phản đế xuất hiện ở nhiều nơi, nhất là vùng nông thôn.

Nhà cách mạng NGUYỄN VĂN NGUYỄN trong tác phẩm Tháng Tám trời mạnh thu đã viết: “Tác phẩm càng vĩ đại thì đau khổ, hy sinh càng nhiều. Sanh một con người phải chín tháng mang nặng, một cuộc đẻ đau và ba năm bú mớm. Làm một cuộc cách mạng phải mấy thế hệ mang nặng, mấy cuộc đẻ đau và mấy mươi năm nuôi dưỡng”. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là thành tựu lớn lao được ươm mầm, nuôi dưỡng từ những cuộc khởi nghĩa đầy khổ đau, mất mát, trong đó có Khởi nghĩa Nam Kỳ.

Ảnh hưởng tinh thần của Khởi nghĩa Bắc Sơn trước đó, không khí cách mạng trong dân chúng lên rất cao, vì vậy Xứ ủy Nam Kỳ quyết định khởi nghĩa vào đêm 22-11-1940.

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 11-1940 quyết định đình chỉ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vì điều kiện chưa chín muồi, nhưng khi đồng chí Phan Đăng Lưu về đến Sài Gòn thì lệnh khởi nghĩa đã đến các địa phương, không thể hoãn.

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, trước sức mạnh của quần chúng cách mạng, nhiều đồn bót, công sở… của địch bị phá. Chính quyền cách mạng được lập ra sau khởi nghĩa ở một số địa phương đã tiến hành tịch thu ruộng đất của địa chủ và phản động chia cho dân cày nghèo, trừng trị những kẻ phản cách mạng… Thế nhưng, vì kế hoạch khởi nghĩa bị lộ nên thực dân Pháp đã kịp thời đối phó và quay lại đàn áp vô cùng khốc liệt. Rất nhiều nghĩa quân tham gia khởi nghĩa bị tàn sát, giết hại vô cùng dã man. Hàng ngàn người bị bắt, bị xử tử, bị đày ra các nhà tù… Nhiều cán bộ Đảng Cộng sản Đông Dương (Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai...) bị tử hình.

Chưa đi tới thắng lợi cuối cùng

Trước những tổn thất lớn lao đó, tháng 12-1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp ở Bà Quẹo (Gia Định) đã quyết định rút lui để tránh tổn thất, đưa lực lượng còn lại xây dựng Căn cứ U Minh và Đồng Tháp Mười.

Ngay từ khi được tin Nam Kỳ khởi nghĩa, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra thông báo khẩn cấp, chỉ thị cho các địa phương hỗ trợ Nam Kỳ.

Vì tổn thất lớn lao, nhất là tổn thất về người do thực dân Pháp tàn sát, khủng bố, đàn áp nên sau đó cuộc khởi nghĩa được đánh giá là thất bại. Tuy nhiên, lịch sử càng lùi xa, nhiều sự kiện dần sáng tỏ và những đánh giá về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ngày càng đầy đủ hơn. Tại những cuộc hội thảo gần đây, nhiều nhà khoa học đã thống nhất nhận định rằng Khởi nghĩa Nam Kỳ không thất bại mà do những nguyên nhân khác nhau mà cuộc khởi nghĩa chưa đi tới thắng lợi cuối cùng.

Khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc “tổng diễn tập” lớn chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng Tám. Những kinh nghiệm, bài học từ Nam Kỳ khởi nghĩa đã tiếp tục được áp dụng trong Cách mạng Tháng Tám, nhất là sự chủ động trong khởi nghĩa, phát huy sức mạnh của địa phương, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, giải quyết những nhu cầu cấp thiết của người dân, trừng trị những kẻ tay sai, phản quốc… Khởi nghĩa Nam Kỳ còn thể hiện tinh thần thà chết không chịu làm nô lệ của nhân dân Việt Nam nói chung, đồng bào Nam bộ nói riêng.

Hồng Phúc

Tin xem nhiều