Báo Đồng Nai điện tử
En

Dập ngay luận điệu xuyên tạc Việt Nam vi phạm về quyền con người

Lâm Viên
08:24, 06/03/2024

Với các phát ngôn gây tranh cãi, gây dư luận xấu, xôn xao trên mạng xã hội thời gian qua, bà Nguyễn Thị Lệ Nam Em vào ngày 1-3 đã bị Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 37,5 triệu đồng. Sau khi thông tin này được báo chí đăng tải, nhiều đối tượng lập tức “nhảy” lên mạng xã hội “nêu chính kiến”.

Một trong những video clip do thế lực thù địch thực hiện về vụ bà Nguyễn Thị Lệ Nam Em. Ảnh cắt từ clip
Một trong những video clip do thế lực thù địch thực hiện về vụ bà Nguyễn Thị Lệ Nam Em. Ảnh cắt từ clip

Theo đó, nội dung chung của các dòng trạng thái, video clip của các thế lực thù địch một mặt bênh vực bà Nam Em, một mặt thâm độc hơn là quay ra xuyên tạc các quy định pháp luật của Việt Nam; qua đó vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người. 

* Cung cấp thông tin gây hoang mang trong nhân dân

Thời gian qua, bà Nguyễn Thị Lệ Nam Em gây xôn xao trên mạng xã hội khi liên tiếp tổ chức các buổi livestream gợi lại chuyện tình cảm ồn ào trong quá khứ, không ngại tiết lộ góc khuất giới nghệ sĩ (showbiz)… Bên cạnh đó, bà Nam Em còn có phát ngôn nhắc đến Bác Hồ trong một buổi livestream. Những nội dung phát ngôn gây tranh cãi của bà Nguyễn Thị Lệ Nam Em đã gây ồn ào mạng xã hội và nhiều thông tin tiêu cực.

Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông GIANG THỊ THU NGA thông tin: “Cùng với cả nước, Đồng Nai đã hòa mạng internet từ năm 1997. Là tỉnh năng động, phát triển, tỷ lệ người sử dụng internet của Đồng Nai hiện nay khoảng 85%, cao hơn mức bình quân của cả nước. Trong đó có 5 nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất là: Facebook, Zalo, TikTok, Facebook Messenger và Instagram”.

Từ các hành vi trên, Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Lệ Nam Em về hành vi cung cấp thông tin gây hoang mang trong nhân dân và hành vi cung cấp thông tin xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Tổng số tiền xử phạt hành chính là 37,5 triệu đồng. Quyết định này căn cứ theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Việc cơ quan chức năng xử lý bà Nguyễn Thị Lệ Nam Em là đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân… Trước đó, một số người “nổi tiếng tạo sóng gió trên mạng xã hội” thường xuyên livestream “chửi”, khui bí mật đời tư, đấu tố, xúc phạm nhau… trên mạng xã hội cũng đã phải “đứng trước vành móng ngựa”, chịu bản án nghiêm khắc của tòa án theo đúng quy định của pháp luật.

* Tự do ngôn luận phải tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, bảo vệ an ninh quốc gia…

Không chỉ pháp luật Việt Nam mà pháp luật quốc tế cũng quy định rõ quyền tự do ngôn luận phải chịu một số hạn chế như: tôn trọng quyền, uy tín người khác; bảo vệ an ninh quốc gia…

Cụ thể, Điều 19 Công ước về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) nêu rõ: “1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp. 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ. 3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.

Hay như Điều 10 Công ước Nhân quyền châu Âu có ghi: “Quyền tự do ngôn luận tùy theo một số hạn chế “phù hợp với pháp luật” và “cần thiết trong một xã hội dân chủ”. Quyền này bao gồm sự tự do giữ ý kiến và để nhận cùng truyền đạt thông tin và ý tưởng”.

Các quy định của Việt Nam về quyền con người nói chung và tự do ngôn luận nói riêng hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế về nhân quyền. Việc các đối tượng thù địch cổ xúy tự do ngôn luận một cách tuyệt đối, không cần quan tâm đến các yếu tố như: tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội… là không thể chấp nhận được. Từ chỗ cổ xúy cho những hành vi sai trái, không hợp pháp đó, các đối tượng thù địch còn quay ra vu cáo Việt Nam vi phạm về quyền con người. Quả thật là những lý lẽ ngông cuồng một cách trắng trợn!

Trong Sổ tay phóng viên về quyền con người của Cục Thông tin đối ngoại thuộc Bộ Thông tin và truyền thông có nêu: “Quan điểm chung cho rằng quyền con người và an ninh quốc gia hoàn toàn không phải là hai phạm trù đối lập mà ngược lại, chúng bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. Việc bảo đảm tốt các quyền con người sẽ giúp giảm thiểu, ngăn ngừa những mâu thuẫn xã hội, củng cố sự đoàn kết, nhất trí, thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt của một đất nước, qua đó góp phần bảo đảm an ninh quốc gia. Trong khi đó, bảo đảm an ninh quốc gia về bản chất chính là bảo đảm quyền độc lập và tự quyết dân tộc - yếu tố nền tảng để hiện thực hóa các quyền và tự do của mọi cá nhân trong một quốc gia”…

* Kiểm soát thông tin trên mạng xã hội, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay

Rõ ràng, những thông tin chống phá của các thế lực thù địch là sai trái và rất nguy hiểm. Cố tình đánh vào nền tảng tư tưởng của một bộ phận người dân chưa hiểu đúng đắn, đầy đủ về quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận nói riêng, cũng như những quy định của Việt Nam, thế giới về vấn đề này. Với mục tiêu phá hoại niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của đất nước, kích động làm mất an ninh trật tự xã hội…, chúng không từ bỏ bất kỳ thủ đoạn nào để đạt được mục đích này.

Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng và tiếp theo ở Điều 9 luật này cũng quy định rõ: “Người nào có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới do Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức vào tháng 11-2023, Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Giang Thị Thu Nga đã nhấn mạnh: “Không gian mạng không chỉ mang lại nguồn thông tin vô tận mà còn là nơi kết nối xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và gia tăng giá trị cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, không gian mạng với đặc tính “ảo”, dễ ẩn danh”, dễ xóa dấu vết, lan truyền nhanh và không bị giới hạn bởi kiểm duyệt, sự ngăn cách về địa lý là môi trường thuận lợi để các thế lực thù địch tăng cường hoạt động chống phá với việc bao phủ những thông tin tuyên truyền sai trái, phản động, tác động tiêu cực đến một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân”.

Bà Giang Thị Thu Nga cho biết thêm: “Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, trung bình một tháng, các thế lực thù địch phát tán trên 130 ngàn bài viết, video trên internet và trên mạng xã hội. Trong đó, tỷ lệ tin giả, tin xấu độc chiếm trên 50%. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, lượng thông tin giả, xấu độc xuất hiện trên không gian mạng ngày càng nhiều. Vì vậy, việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội và đấu tranh phản bác các thông tin sai trái thù địch có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu để kiểm soát tốt thông tin trên mạng xã hội, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”.

Lâm Viên

Tin xem nhiều