Báo Đồng Nai điện tử
En

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Còn những quy định chưa hợp lý

Phương Liễu
08:50, 24/10/2023

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một trong những chính sách an sinh xã hội, là công cụ quan trọng của chính sách thị trường lao động, góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động (NLĐ) khi bị mất việc làm.

Người lao động làm thủ tục liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội tại cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh

Ngoài việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, BHTN còn gắn kết người thất nghiệp với thị trường lao động như: đào tạo, đào tạo lại, môi giới việc làm, tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ kinh tế. Tuy nhiên, chính sách này hiện còn những bất cập, gây thiệt thòi cho NLĐ.

* Một số quy định chưa hợp lý

Khoản 4, Điều 3 Luật Việc làm năm 2013 nêu rõ, chế độ BHTN là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi bị mất việc làm, hỗ trợ học nghề và tìm việc làm mới trên cơ sở khoản trích tiền lương đã đóng vào Quỹ BHTN. Nhưng thực tế hiện còn những điểm bất cập.

Cụ thể, trong quy định về đối tượng tham gia BHTN, Điều 43 Luật Việc làm năm 2013 quy định, chỉ những NLĐ là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc; giao kết các loại hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc có thời hạn từ 3 tháng trở lên với người sử dụng lao động mới là đối tượng của BHTN.

Trong khi đó, thị trường lao động hiện còn nhiều NLĐ làm việc có giao kết HĐLĐ dưới 3 tháng hoặc theo thỏa thuận, không có hợp đồng chính thức…, sẽ không được pháp luật bảo vệ, cũng như hạn chế sự bảo đảm các quyền lợi tại nơi làm việc và điều kiện lao động thỏa đáng.

Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, tính đến ngày 31-9-2023, trung tâm đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của hơn 47 ngàn lao động, trong đó ra quyết định hưởng cho gần 46 ngàn người với tổng số tiền hơn 1,4 ngàn tỷ đồng.

Về quy định điều kiện hưởng BHTN, theo Điều 49 Luật Việc làm năm 2013 và Điều 11 Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12-5-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN, một trong những điều kiện để NLĐ thất nghiệp được hưởng BHTN đó là NLĐ đang đóng BHXH bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật. Điều này có nghĩa NLĐ đang đóng BHTN có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc đã đóng BHTN và được tổ chức BHXH xác nhận. Quy định này đang gây khó khăn trong việc hưởng BHTN cho nhiều NLĐ làm việc tại các doanh nghiệp đang nợ BHXH.

Thực tế tại Đồng Nai cho thấy, thời gian qua đã có không ít doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH hoặc phá sản khiến không ít NLĐ mất việc, không được trả lương mà cũng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp do không đáp ứng điều kiện hưởng BHTN là người đang đóng BHTN, là người có tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ đã đóng BHTN…, trong khi lỗi này không phải từ NLĐ.

Cũng qua tìm hiểu cho thấy, có một bất cập khác là mức đóng hưởng BHTN. Pháp luật về BHTN quy định mức đóng BHTN dựa trên mức tiền lương, tiền công hàng tháng theo HĐLĐ. Song quy định này còn lỏng lẻo, dẫn đến nhiều trường hợp NLĐ và người sử dụng lao động thỏa thuận kê khai mức đóng BHTN thấp hơn mức thực tế. Đây là hành vi không trung thực, không đảm bảo tính công bằng trong quyền lợi của tất cả NLĐ cùng tham gia.

* Cần sớm hoàn thiện quy định về BHTN

Trước những bất cập của chính sách BHTN, nhiều NLĐ đã bị thiệt thòi về quyền lợi, có khi không phải do lỗi của họ.

Sau gần 2 năm nghỉ việc tại một công ty ở Khu công nghiệp Long Bình, đến nay chị Trần Trúc Ly (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) vẫn chưa tìm được chỗ làm mới ổn định do đã ở tuổi 45. Trước đó, năm 2001, chị Ly làm việc và tham gia BHXH tại công ty này. Đến tháng 7-2022, chị nghỉ việc nhưng do doanh nghiệp còn nợ BHXH nên đến tháng 3-2023 chị mới được chốt và nhận sổ BHXH. Ngay ngày hôm sau, chị đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng được trả lời là không đáp ứng điều kiện “có tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc đã đóng BHTN”. Chị Ly mất luôn khoản BHTN lẽ ra chị phải được hưởng sau nhiều năm đóng BHTN chỉ vì lỗi của người sử dụng lao động.

Trao đổi với chúng tôi về những bất cập này, luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) cho biết: “BHTN là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng đối với NLĐ khi mất việc, nghỉ việc. Hiện nay, chính sách này vẫn còn một số bất cập, quyền lợi của NLĐ chưa được bảo đảm ở mức độ cao nhất. Do đó, chính sách cần sớm hoàn thiện để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ”.

Theo luật sư Vũ Ngọc Hà, một số quy định cần sớm được điều chỉnh. Chẳng hạn, mở rộng phạm vi đối tượng BHTN được đầy đủ, đảm bảo công bằng và phù hợp với quy định chung của pháp luật quốc tế như: bổ sung đối tượng NLĐ bắt buộc tham gia BHTN khi có giao kết hợp đồng lao động, làm việc có thời hạn từ 1 tháng trở lên.

Mặt khác, cần quy định trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về BHTN (do gặp khó khăn về tài chính, phá sản, bị rút giấy phép kinh doanh, không có người đại diện theo pháp luật…) dẫn đến chậm đóng, thiếu đóng hoặc không có khả năng đóng đầy đủ BHTN cho NLĐ; NLĐ gặp khó khăn trong việc làm thủ tục hưởng BHTN do không đủ điều kiện về đóng BHTN tháng liền kề trước khi mất việc do doanh nghiệp chậm đóng, nợ BHTN thì NLĐ vẫn được hưởng BHTN.

Phương Liễu

Tin xem nhiều