Báo Đồng Nai điện tử
En

Tránh hình sự hóa giao dịch dân sự

Đoàn Phú
09:22, 21/10/2023

Các quan hệ dân sự do pháp luật dân sự điều chỉnh. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn xảy ra hiện tượng bên bị thiệt hại trong giao dịch dân sự muốn xử lý hình sự hành vi không thực hiện nghĩa vụ giao dịch của bên kia bằng cách tố giác tội phạm thay vì khởi kiện vụ việc ra tòa.

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) giải đáp thắc mắc cho người dân xã Phú Ngọc (H.Định Quán) về tranh chấp dân sự tại buổi tuyên truyền pháp luật ở địa phương. Ảnh: Đ.Phú

Theo các chuyên gia pháp lý, việc hình sự hóa các hành vi vi phạm nghĩa vụ trong giao dịch dân sự không chỉ gây oan sai cho người khác mà còn thể hiện ý thức thượng tôn pháp luật kém của người tố cáo, tố giác.

* Muốn giải quyết tranh chấp dân sự bằng xử lý hình sự

Theo đơn tố giác tội phạm của bà N.T.C. (ngụ xã Suối Nho, H.Định Quán), vào năm 2015, bà D.T.L. (ngụ TP.Biên Hòa) có 6 sào đất trồng cây lâu năm ở xã Suối Nho, đã phân khu đất đó ra nhiều phần (theo hình thức phân lô, bán nền đất nông nghiệp) để bán cho nhiều người theo hình thức giấy tay, trong đó có bà C. Năm 2020, bà C. và những người mua đất của bà L. phát hiện sự việc bà L. đã làm thủ tục chuyển nhượng hợp pháp toàn bộ phần đất này cho ông N.V. (ngụ TP.Biên Hòa) nên có đơn gửi cơ quan chức năng tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà T.

Sau khi nhận đơn tố giác tội phạm của bà C., cơ quan chức năng trả lời, tranh chấp trong giao dịch mua bán chuyển nhượng đất giữa các bên là dân sự, không có dấu hiệu tội phạm nên không thụ lý giải quyết.

Hay như trường hợp ông L.M.P. (ngụ TP.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) có lập hợp đồng bán cho ông C.V.T. (ngụ P.Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) 1 ha cây cao su để khai thác lấy gỗ. Sau khi nhận đủ tiền đặt cọc, tiền bán cao su, ông P. không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng là bàn giao vườn cao su cho ông T. khai thác mà cũng không trả lại tiền. Sau khi tìm hiểu, ông T. phát hiện cao su ông P. bán cho ông là của người khác. Do đó, ông đã làm đơn tố cáo ông P. có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau đó, ông T. nhận được phản hồi của cơ quan có thẩm quyền rằng, vụ việc không đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông P. không bỏ trốn, không gian dối, không sử dụng tiền vào mục đích bất hợp pháp nên cũng không đủ dấu hiệu cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay tội danh khác. Do đó, sự việc này chỉ là tranh chấp dân sự, không có dấu hiệu tội phạm.

Theo Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu, quan điểm của cơ quan tố tụng không hình sự hóa giao dịch dân sự trên vì lý do, lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin và giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó. Trong khi bà L. đã làm hợp đồng chuyển nhượng cho bà C. và nhiều người khác; một vài người đã nhận đất cất nhà ở nên bà L. không  dùng thủ đoạn gian dối, không đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhằm lừa dối người mua. Riêng trường hợp ông T., cơ quan có thẩm quyền trả lời như vậy là căn cứ theo Khoản 1 và 2, Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017), tức là không có sự việc phạm tội và hành vi không cấu thành tội phạm.

“Việc người dân khi tranh chấp với nhau về dân sự muốn cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, truy tố, xét xử những trường hợp đáng lẽ ra là do pháp luật dân sự điều chỉnh nhưng họ vẫn làm. Đó là hành vi trái pháp luật, trái tình người, đạo đức xã hội ” - luật sư NGUYỄN ĐỨC (Hội Luật gia tỉnh) bày tỏ.

* Phải trả về cho dân sự giải quyết

Theo Khoản 2, Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia pháp lý, hình sự hóa quan hệ dân sự không chỉ là sự sai lầm to lớn trong áp dụng pháp luật hình sự mà còn là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Do đó, để tránh trường hợp hình sự hóa hành vi dân sự, các cơ quan tố tụng rất cân nhắc trong việc đánh giá nguồn tin tố giác, tố cáo của người dân.

Nguyên nhân của việc hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực dân sự là do: ý thức pháp luật của công dân chưa cao, nhiều cá nhân có tâm lý bảo vệ quyền, lợi ích của chính mình bằng mọi cách mà thiếu suy xét đến lợi ích của người khác, của cộng đồng. Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khác như: một số quy định của pháp luật hình sự chưa phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; quy định thiếu minh bạch, rõ ràng, cụ thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau, dễ lạm dụng…

Để hạn chế, ngăn ngừa việc người dân vì lợi ích của mình bị thiệt hại trong giao dịch dân sự dẫn tới tố cáo, tố giác tội phạm, theo luật sư Chu Văn Hiển (Đoàn Luật sư Đồng Nai) cần phải tuyên truyền, phổ biến pháp luật hình sự sâu rộng và thật cụ thể đến với người dân. Mục đích là giúp người dân loại bỏ tư tưởng ích kỷ, chỉ coi trọng quyền, lợi ích cá nhân mà coi thường lợi ích của xã hội, của người khác.                                    

Đoàn Phú

Tin xem nhiều