Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp

06:02, 24/02/2023

Những năm qua, công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh luôn đạt chỉ tiêu so với kế hoạch. Việc tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp (DN) đã giúp người học nâng cao kỹ năng, tay nghề và có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động GDNN vẫn còn nhiều khó khăn cần được giải quyết.

Những năm qua, công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh luôn đạt chỉ tiêu so với kế hoạch. Việc tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp (DN) đã giúp người học nâng cao kỹ năng, tay nghề và có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động GDNN vẫn còn nhiều khó khăn cần được giải quyết.

Sinh viên Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi trong giờ thực hành
Sinh viên Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi trong giờ thực hành. Ảnh: H.YẾN

Hiện toàn tỉnh có 58 cơ sở GDNN, trong đó có 11 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 11 trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện, 5 trung tâm GDNN tư thục và 25 cơ sở GDNN có quy mô nhỏ.

Tiếp tục đà phát triển

Trong năm 2022, các cơ sở GDNN trên địa bàn toàn tỉnh tuyển mới, đào tạo hơn 76,8 ngàn người (đạt hơn 108% kế hoạch năm), tăng hơn 29% so với năm 2021. Cũng trong năm 2022, toàn tỉnh có hơn 73,5 ngàn người tốt nghiệp tại các cơ sở GDNN, đạt 102% kế hoạch năm và tăng hơn 44% so với năm trước đó.

Theo khảo sát của các trường, tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo đạt trên 90%. Con số này đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh lên hơn 67%. Trong đó, tỷ lệ tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề từ trung cấp trở lên là 26%.

Theo nhận định của Sở LĐ-TBXH, thị trường lao động hiện rất quan tâm, chú trọng đến lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật, nhất là lao động có tay nghề cao. Các DN đã chủ động hơn trong việc gắn kết với các cơ sở GDNN trong công tác đào tạo nghề; tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên đến thực tập. Cùng với đó, DN cũng tạo nhiều cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp…

Hiện nay, các Luật Đầu tư, Xây dựng và Đất đai chưa có hướng dẫn thống nhất về quy hoạch trong lĩnh vực GDNN. Do đó, việc thực hiện chính sách huy động xã hội hóa nhằm đầu tư hoặc mở rộng cơ sở GDNN vẫn còn hạn chế.

Hoạt động đào tạo nghề ở Đồng Nai còn nhận được sự hỗ trợ từ các công ty, tổ chức nước ngoài như: Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Công ty TNHH Bosch Việt Nam, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM). Những đơn vị này đã đề xuất và hỗ trợ triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình, dự án trong hoạt động GDNN, tiếp cận công nghệ 4.0 trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2022, Tổng cục GDNN phối hợp cùng Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) Việt Nam, Tập đoàn Microsoft Việt Nam tổ chức tập huấn sử dụng nền tảng học trực tuyến www.congdanso.edu.vn cho hơn 40 giáo viên, nhân viên các cơ sở GDNN. Tiếp đó, lớp tập huấn cũng được tổ chức tại Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi; Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai. Lớp tập huấn này đã thu hút khoảng 200 học sinh, sinh viên, người lao động tham gia.

Tiếp đó, từ đội ngũ giáo viên hạt nhân đã được tham gia tập huấn, 2 trường nêu trên triển khai khóa học đến toàn thể học sinh, sinh viên đang học môn tin học căn bản. Các trường đang tiếp tục triển khai đến các cán bộ, giáo viên, nhân viên để đăng ký học tập trên nền tảng congdanso.edu.vn.

Các cơ sở GDNN đã chủ động tăng cường đầu tư phát triển và đổi mới theo hướng hội nhập, tiếp cận công nghệ 4.0 và chuyển đổi số; cập nhật những nội dung chương trình, phương pháp đào tạo mới trong GDNN, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả chất lượng đào tạo nghề.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Năm 2023, các cơ sở GDNN trong toàn tỉnh đặt mục tiêu tuyển sinh hơn 72 ngàn chỉ tiêu. Trong đó, hệ cao đẳng tuyển 6,3 ngàn sinh viên; hệ trung cấp tuyển 12,8 ngàn học sinh; hệ sơ cấp và đào tạo thường xuyên dự kiến tuyển hơn 52,9 ngàn người. Dự kiến số người tốt nghiệp tại các cơ sở GDNN trong năm 2023 là hơn 65,5 ngàn người. Trong đó, hệ cao đẳng có hơn 5 ngàn người, hệ trung cấp 6,3 ngàn người; hệ sơ cấp và đào tạo thường xuyên có hơn 54,2 ngàn người.

Mặc dù công tác GDNN trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những khởi sắc, đặc biệt luôn đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh nhưng sự phát triển này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Điều này do nhiều nguyên nhân. Về phía người học, mặc dù chất lượng tuyển sinh đầu vào bậc trung cấp đã được nâng lên nhưng khi tham gia chương trình đào tạo, một số học sinh không theo kịp chương trình nên đã bỏ học. Hệ thống thông tin của thị trường lao động trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, chỉ mới dự báo ngắn hạn chứ chưa có dữ liệu dự báo trung hạn và dài hạn, chưa đánh giá chính xác được hiện trạng của cung - cầu lao động, nhu cầu nguồn nhân lực trong và ngoài tỉnh. Do đó, các cơ sở đào tạo thiếu thông tin về nhu cầu cần tuyển dụng của thị trường lao động nên chưa chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo đáp ứng nhu cầu của DN.

Bên cạnh đó, dù đã rút ngắn dần khoảng cách nhưng mối quan hệ giữa cơ sở GDNN và DN vẫn chưa chặt chẽ; hoạt động liên kết đào tạo chưa thu hút được nhiều DN tham gia, nhất là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vì vậy, cơ sở GDNN và DN vẫn chưa thực sự phối hợp tốt trong việc xây dựng chương trình đào tạo sát với vị trí việc làm (kỹ năng nghề) mà DN cần tuyển dụng lao động.

Một khó khăn nữa là việc đầu tư trang thiết bị đào tạo nghề của các cơ sở GDNN không theo kịp tốc độ đổi mới công nghệ của DN nên chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề cao của DN. Việc thúc đẩy hợp tác giữa nhà trường và DN tiếp tục là nhiệm vụ được các cơ sở GDNN đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.

Hải Yến

Tin xem nhiều