Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo hiểm y tế: Chính sách nhân văn, nhiều người được thụ hưởng

Bảo Lộc
07:30, 22/04/2024

Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh xã hội ưu việt của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khám bệnh cho bệnh nhân bị bệnh tim, phải điều trị thường xuyên. Ảnh: B.Lộc
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khám bệnh cho bệnh nhân bị bệnh tim, phải điều trị thường xuyên. Ảnh: B.Lộc

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, cho biết sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7-9-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, độ bao phủ BHYT trên cả nước tăng nhanh và bền vững. Nếu như năm 2008, toàn quốc mới có 39,7 triệu người tham gia BHYT (đạt 46,1% dân số) thì đến năm 2023 đã có 93,6 triệu người tham gia BHYT (đạt 93,3%), gấp 2,3 lần so với năm 2008.

Số người tham gia BHYT ngày càng tăng

Thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 136-KH/TU ngày 14-12-2009 về Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới. Theo ông Phạm Minh Thành, Giám đốc BHXH tỉnh, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến nay chính sách về BHYT trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả rất ấn tượng.

Về độ bao phủ BHYT, 15 năm trước, toàn tỉnh mới có 53% dân số tham gia BHYT, đến nay, tỷ lệ dân số có thẻ BHYT đã lên tới 93% (tương đương với khoảng 3 triệu người). Không chỉ những người có điều kiện kinh tế khá giả mới tham gia BHYT mà nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa, những người yếu thế cũng được hỗ trợ tham gia BHYT bằng những chính sách hỗ trợ của trung ương và địa phương. Nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, mạnh thường quân cũng nhiệt tình tham gia tặng thẻ BHYT cho người nghèo, người khuyết tật…

Ngày 22-4, tại Hội trường Tỉnh ủy, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7-9-2009 và Kế hoạch số 136-KH/TU ngày 14-12-2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới. Dịp này, nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chỉ thị, kế hoạch này sẽ được khen thưởng.    M.N

Về công tác khám, chữa bệnh BHYT, theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung, hiện nay hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân được phát triển toàn diện và rộng khắp. Toàn tỉnh có 106 bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa tư nhân tham gia khám, chữa bệnh BHYT. Người dân có thể khám, chữa bệnh BHYT ngay tại trạm y tế hoặc lên các tuyến trên tùy thuộc vào mức độ bệnh.

“Hàng năm, số lượt người đến khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế liên tục tăng. Riêng năm 2023, có hơn 7,4 triệu lượt người đã khám, chữa bệnh BHYT với số tiền hơn 3 ngàn tỷ đồng. Đặc biệt, có nhiều bệnh nhân bị bệnh nặng, thời gian điều trị dài ngày, phải dùng nhiều thuốc đắt tiền đã được quỹ BHYT chi trả số tiền hàng tỷ đồng, hàng trăm triệu đồng” - ông Lê Quang Trung cho hay.

Thẻ BHYT - cứu tinh của nhiều bệnh nhân

Hiện nay, người dân khi tham gia BHYT chỉ phải đóng 972 ngàn đồng/người/năm. Nếu người dân tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình thì từ người thứ 2 trở đi, mức giá càng giảm. Như vậy, nếu một gia đình có 4 người thì mỗi tháng cả nhà chỉ phải đóng hơn 200 ngàn đồng là có thể được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Nhiều người dân khi bị bệnh nặng, phải nhập viện để điều trị mới thấy được ý nghĩa quan trọng của tấm thẻ BHYT.

Bà Trương Thị Hoa (62 tuổi, ngụ xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ) cho biết trước đây bà hay bị đau xương khớp, chóng mặt, nhói ở tim khiến không thở được, nhất là về đêm. Bà đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khám bệnh và được phát hiện bị u đại tràng, buộc phải mổ. Trước khi mổ u đại tràng, bà Hoa được kiểm tra nhịp tim thì được phát hiện bị rối loạn nhịp tim (tim đập quá chậm).

Để đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng cho bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành mổ cắt khối u đại tràng. Sau khi tình hình bệnh nhân ổn, các bác sĩ tiếp tục tiến hành đặt máy tạo nhịp tim cho bệnh nhân để điều trị bệnh rối loạn nhịp tim. Nếu không đặt máy tạo nhịp, bệnh nhân sẽ tiếp tục hoa mắt, chóng mặt, không thở được, xấu nhất có thể tử vong.

Trước ngày được xuất viện, bà Hoa liên tục cảm ơn đội ngũ y, bác sĩ đã nhiệt tình cứu chữa cho bà. Đặc biệt, nhờ tham gia BHYT mà gia đình bà đỡ được rất nhiều tiền.

Bà Hoa tâm sự: “Tôi tham gia BHYT diện hộ gia đình, được hưởng 80%. Chỉ riêng việc đặt máy tạo nhịp tim, nếu không tham gia BHYT, gia đình tôi phải đóng số tiền 79 triệu đồng. Nhưng nhờ có thẻ BHYT mà chúng tôi chỉ phải đóng 16 triệu đồng”.

Còn ông Hồ Trung (ngụ xã Tân Hiệp, huyện Long Thành) chia sẻ ông làm thợ hồ, mỗi ngày kiếm được 300 ngàn đồng. Vì gà trống nuôi 2 con nên gia đình lúc nào cũng rơi vào hoàn cảnh thiếu trước hụt sau. Để đề phòng chuyện bất trắc, ông đã mua thẻ BHYT từ nhiều năm nay, còn các con tham gia BHYT tại trường học. Vừa qua, ông bị tai nạn lao động và tai nạn xe máy phải mổ 2 đầu gối. May nhờ tham gia BHYT mà ông chỉ phải chi trả vài triệu đồng thay vì vài chục triệu đồng.

Để sớm đạt được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, mới đây, tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7-9-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, ông Vũ Thanh Mai, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đề nghị BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương phối hợp chặt chẽ với ban tuyên giáo các cấp để tăng cường tuyên truyền, giúp người dân hiểu được lợi ích khi tham gia BHYT. Từ đó, tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT trong toàn quốc, phấn đấu đến năm 2025 đạt 95% dân số tham gia BHYT.

Ngoài ra, ngành BHXH cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nhằm ngăn ngừa lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Giám đốc BHXH tỉnh PHẠM MINH THÀNH cho biết: “Ngành BHXH đang tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, từ đó tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho biết, những năm qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm và có những chỉ đạo sâu sát, kịp thời đến công tác BHYT trong tình hình mới. Ngoài các chính sách của nhà nước, tỉnh Đồng Nai có 3 nghị quyết đặc thù liên quan đến hỗ trợ thẻ BHYT.

Đó là nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND ngày 8-7-2022 quy định mức hỗ trợ đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Nghị quyết số 16/2022/NQ-HĐND ngày 8-7-2022 quy định số lượng, phụ cấp, chế độ hỗ trợ đối với công an xã bán chuyên trách trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND ngày 8-7-2022 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025. Từ năm 2022 đến nay, có gần 130 ngàn người đã được hỗ trợ thẻ BHYT và sổ BHXH từ 3 nghị quyết này.

Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành BHXH và các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiểu được quyền và lợi ích khi tham gia BHYT để tham gia. Qua đó, nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh, giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương mà không cần phải đi xa.

Bảo Lộc

Tin xem nhiều