Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần hợp tác trong đào tạo nhân lực ngành hàng không

Hải Yến
07:31, 18/03/2024

Theo dự báo, khi đi vào hoạt động (năm 2026), Cảng hàng không quốc tế (Sân bay) Long Thành cần gần 13,8 ngàn lao động. Tuy nhiên, đến nay các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề ở Đồng Nai vẫn chưa thực sự bước vào cuộc đua đào tạo nghề phục vụ cho Sân bay Long Thành.

Sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 trong giờ thực hành. Đây là trường đầu tiên trên địa bàn Đồng Nai có ký kết hợp tác đào tạo nhân lực ngành hàng không. Ảnh: Hải Yến
Sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 trong giờ thực hành. Đây là trường đầu tiên trên địa bàn Đồng Nai có ký kết hợp tác đào tạo nhân lực ngành hàng không. Ảnh: Hải Yến

Để đảm bảo nguồn nhân lực cung ứng cho Sân bay Long Thành trong thời gian tới, các trường trên địa bàn tỉnh cần bắt tay với các cơ sở chuyên đào tạo ngành hàng không trong công tác đào tạo.

Đón đầu nhu cầu đào tạo

Tháng 6-2023, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã chủ động tiến hành ký kết hợp tác với Học viện Hàng không Vietjet (VJAA) nhằm đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàng không. Theo đó, hai bên phối hợp đào tạo nhân lực 4 ngành nghề, tuyển sinh trong năm học 2023-2024 gồm: nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay; nhân viên điều độ, khai thác bay; nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay và nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay. Để tham gia những ngành học này, sinh viên phải đạt trình độ Anh văn TOEIC tối thiểu là 450.

Toàn tỉnh có 10 trường cao đẳng và 5 trường trung cấp, hiện đang đào tạo 78 nghề. Tất cả các nghề này đều không thuộc chuyên ngành hàng không mà chỉ đào tạo lao động kỹ thuật cho các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ngoài hợp tác với VJAA, trường này cũng đang hợp tác với VAECO (Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay) để đào tạo một số ngành trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không. Trong năm 2023, trường tuyển sinh các nghề: kỹ thuật bảo dưỡng máy bay (cơ điện tử), kỹ thuật sửa chữa câu trúc máy bay (hàn), logistics trong lĩnh vực hàng không. Chỉ tiêu tuyển sinh là 28 học viên/nghề. Theo thông báo của nhà trường, thời gian đào tạo những ngành, nghề này là 3 năm. Trong đó, học viên sẽ học 2 năm tại trường và có 1 năm thực hành trên các loại máy bay tại VAECO.

Để thu hút xã hội hóa về đào tạo nghề nghiệp phục vụ Sân bay Long Thành, tháng 10-2023, Sở Lao động, thương binh và xã hội đã có văn bản số 5722/SLĐTBXH về việc đề xuất thu hút lao động đến làm việc, đô thị hóa và tăng dân số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Trong đó, đề xuất các phương án kêu gọi xã hội hóa về giáo dục nghề nghiệp cung cấp nhân lực cho Sân bay Long Thành. Đồng thời, đưa vào dự thảo Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 việc kêu gọi đầu tư các dự án thành lập trường trung cấp hoặc cao đẳng trên địa bàn các huyện (xếp theo thứ tự ưu tiên): Long Thành (xã Bình Sơn), Nhơn Trạch, Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán.

Các trường nghề này có quy mô đào tạo cao đẳng, trung cấp tối thiểu 500 người/năm. Nhóm nghề đào tạo liên quan đến: dịch vụ, kỹ thuật ngành hàng không, phục vụ Sân bay Long Thành, kinh doanh và khai thác vận tải (cảng biển, cảng hàng không, logistic...), kiến trúc, quy hoạch và xây dựng.

Cần giải pháp tháo gỡ khó khăn

Hiện nay, Đồng Nai đang có nhiều điều kiện thuận lợi để đào tạo, cung ứng nhân lực ngành hàng không. Trước tiên phải kể đến nguồn đầu vào dồi dào (mỗi năm Đồng Nai có từ 30-35 ngàn học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông). Về mạng lưới trường lớp, Đồng Nai hiện có 5 trường đại học, 15 trường cao đẳng, trung cấp với quy mô khả năng tuyển sinh đào tạo từ 20-25 ngàn người.

Tuy nhiên, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh chưa đủ điều kiện đào tạo các ngành hàng không theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam. Trong bối cảnh này, theo PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, nếu kết hợp giữa các trường trên địa bàn tỉnh và các nhà đầu tư giáo dục chuyên lĩnh vực hàng không để đào tạo sẽ nhanh hơn và hiệu quả hơn việc thành lập trường mới.

Ông Quỳnh cũng đề ra một số giải pháp để phát triển lĩnh vực đào tạo nhân lực hàng không như: các trường trên địa bàn tỉnh phối hợp với những trung tâm đào tạo chuyên ngành hàng không để đảm bảo chương trình đào tạo phản ánh đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết cho các vị trí trong ngành hàng không; xây dựng các chương trình đào tạo quốc tế để đảm bảo nhân viên có thể làm việc hiệu quả trong môi trường đa văn hóa…

Theo số liệu dự báo nhu cầu nhân sự và lao động phục vụ khai thác Sân bay Long Thành của Cục Hàng không Việt Nam, khi đi vào hoạt động, Sân bay Long Thành dự kiến cần gần 13,8 ngàn lao động. Trong đó, lao động trình độ tiến sĩ và thạc sĩ là 410 người; lao động trình độ đại học là gần 5,4 ngàn người; trình độ cao đẳng và trung cấp là hơn 2,2 ngàn người; lao động phổ thông là hơn 1,9 ngàn người.

Theo PGS-TS Phạm Văn Song, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ Miền Đông, để các trường trên địa bàn tỉnh tham gia đào tạo ngành hàng không một cách hiệu quả thì cần được cung cấp thông tin cụ thể hơn. Trong đó có các thông tin như: nhu cầu dự kiến số lượng từng ngành nghề, vị trí công việc, yêu cầu kiến thức, kỹ năng với người lao động cho từng giai đoạn phát triển của Sân bay Long Thành.

Các trường cũng cần được hỗ trợ xây dựng, cải tiến các chương trình đào tạo ngắn và dài hạn; hỗ trợ về các chuyên gia đầu ngành tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập cho sinh viên; hỗ trợ cho sinh viên có điều kiện tham quan, kiến tập, thực tập tại các cơ sở chuyên ngành hàng không.

Hải Yến

Tin xem nhiều