Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh báo tai nạn thương tích ở trẻ em dịp Tết

Hạnh Dung
23:29, 22/01/2024

Dịp Tết Nguyên đán, nhiều trẻ được nghỉ học, được gia đình đưa đi chơi, thăm hỏi họ hàng, ăn uống liên tục…

Bác sĩ Khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thăm khám cho bé T. trước khi bé được xuất viện. Ảnh: H.Dung
Bác sĩ Khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thăm khám cho bé T. trước khi bé được xuất viện. Ảnh: H.Dung

Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý để mắt đến trẻ và giáo dục trẻ những kiến thức cần thiết, tránh tai nạn thương tích đáng tiếc có thể xảy ra.

* Tai nạn nguy hiểm

Khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhi nam N.Q.C.T. (9 tuổi, ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa), bị vỡ dạ dày, vỡ ruột non và đứt mạch máu nuôi ruột già sau tai nạn xe đạp.

Chị Nguyễn Thị Chung, mẹ bé T. cho biết, hôm đó chị đi làm nên 2 con trai ở nhà tự chơi xung quanh nhà. Chiều ngày xảy ra tai nạn, bé T. lấy xe đạp chở bạn đi chơi. Trên đường đi, chiếc xe vấp phải cục đá khiến bé té ngã, bị tay lái xe đạp đập vào bụng.

BS Nguyễn Thị Mỹ Dung, người trực tiếp tiếp nhận bệnh nhi tại Khoa Cấp cứu cho biết, bệnh nhi được người nhà đưa vào viện khoảng 1 giờ sau tai nạn trong tình trạng ói ra máu, đau bụng dữ dội và có một vết bầm tím ở thành bụng bên trái. Qua tìm hiểu cơ chế chấn thương, vị trí vết bầm tím trên thành bụng và tình trạng bệnh nhi, các bác sĩ nghi ngờ bé bị tổn thương ống tiêu hóa và kết quả siêu âm, CT scanner bụng đã khẳng định điều đó.

Bệnh nhi sau đó được truyền dịch, dùng thuốc kháng sinh và được phẫu thuật 1 giờ sau khi vào viện.

Khi trẻ chẳng may bị tai nạn thương tích, người lớn cần thực hiện sơ cứu đúng cách, sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế nhanh nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời.

ThS-BS CKII Chu Văn Lai, Phó trưởng khoa Ngoại tổng quát, Trưởng nhóm phẫu thuật cho hay: “Chúng tôi đã thực hiện cầm máu mạch máu ruột già, khâu lỗ thủng dạ dày và ruột non, đồng thời phải lấy hết đồ ăn tràn vào ổ bụng và rửa sạch bụng để tránh nhiễm trùng về sau. Cuộc mổ hoàn thành sau 2 giờ và tình trạng bệnh nhân diễn tiến tốt. Đến nay, bệnh nhi đã được xuất viện”.

BS Lai cho biết thêm, chấn thương bụng do tay lái xe đạp xảy ra ở trẻ em thường gây tổn thương đường tiêu hóa như dạ dày, ruột non, ruột già, nhưng việc bị tổn thương cùng lúc 3 bộ phận như trường hợp của bé T. rất hiếm gặp. Do đó, phẫu thuật viên cần cảnh giác để tránh bỏ sót thương tổn trong lúc mổ, tránh trường hợp bệnh nhi phải thực hiện thêm một cuộc mổ khác.

* Luôn phải chú ý đến trẻ

Những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thường tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi bị các tai nạn như: giập nát bàn tay do pháo nổ; bỏng nước sôi, bỏng nước lẩu, bỏng cồn nướng; tai nạn giao thông; tai nạn đuối nước; ngộ độc thực phẩm; hóc dị vật, điện giật…

BS CKII Phạm Văn Khương, Phó trưởng khoa, phụ trách Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng chia sẻ, năm nào khoa cũng tiếp nhận và điều trị cho vài trường hợp bị nát bàn tay do pháo nổ. Ngoài ra, có nhiều ca bị tai nạn giao thông, nhiều nhất vào khoảng mùng 2, mùng 3 Tết.

Để đảm bảo công tác tiếp nhận và điều trị bệnh nhân, trước và sau Tết Nguyên đán 2 tuần, không có bác sĩ, điều dưỡng nào trong khoa được nghỉ phép, những người quê ở xa có thể đổi lịch trực cho nhau để luân phiên về quê. Khoa luôn bố trí đầy đủ nhân lực để trực 24/24 giờ. Ngoài ra, còn có lực lượng trực thường trú, bất cứ khi nào có ca bệnh nặng, cần sự hỗ trợ, lực lượng thường trú này dù đang ngoài ca trực vẫn sẵn sàng vào bệnh viện để hỗ trợ cấp cứu, điều trị.

BS Khương khuyến cáo, những gia đình có con nhỏ cần phải luôn để mắt đến trẻ. Trẻ nhỏ phải luôn trong tầm kiểm soát của người lớn, bởi chỉ một phút giây lơ là có thể gây những hậu quả rất nghiêm trọng như: trẻ bị đuối nước, té ngã, bỏng. Cần để xa tầm tay trẻ em những vật dụng có thể gây nguy hiểm như dao, kéo, các loại hóa chất dễ bị nhầm lẫn với nước ngọt; không cho trẻ chơi gần các ổ cắm điện, bóng điện; các ổ cắm điện cần phải dùng dụng cụ che chắn kỹ lưỡng.

Đối với những trẻ lớn hơn, cha mẹ nên giáo dục con về các biện pháp phòng ngừa tai nạn thương tích như: khi điều khiển xe đạp điện, xe máy phân khối nhỏ tham gia giao thông cần đội mũ bảo hiểm và tuân thủ các quy định về an toàn giao thông. Tuyệt đối không được chơi pháo nổ vì vừa vi phạm pháp luật, vừa tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Không đùa giỡn, nói chuyện trong khi ăn để tránh bị hóc dị vật, tắc đường thở.

Các gia đình cũng nên sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, an toàn để tránh bị ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, dịch bệnh dại vẫn đang phức tạp. Cả người lớn và trẻ nhỏ cần cẩn trọng khi tiếp xúc với chó, mèo. Không nên trêu chọc chó, mèo và nếu chẳng may bị chó, mèo cắn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng bệnh dại theo chỉ định của bác sĩ.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều