Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ môi trường qua dự án tái chế giấy

Hạnh Dung
07:41, 05/01/2024

Vượt qua hơn 400 giải pháp dự thi, giải pháp Dạy học theo dự án tái chế giấy chủ đề Trái đất và hệ mặt trời của 2 cô giáo Nguyễn Phạm Thúy Hạnh (Trường THCS Tân Phong) và Phan Thị Đỗ Uyên (Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.Biên Hòa) đã xuất sắc đoạt giải nhất chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập tỉnh Đồng Nai năm 2023.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm tự tin thuyết trình về các hành tinh trong hệ mặt trời bằng tiếng Anh. Ảnh: H.DUNG

Thông qua dự án này, giáo viên đã khích lệ tinh thần sáng tạo, tự học, làm việc nhóm của học sinh. Đặc biệt, các em đã ý thức rõ hơn về vấn đề bảo vệ môi trường và hành động đúng để xây dựng hành tinh xanh.

Trải nghiệm sáng tạo

Cô Thúy Hạnh cho hay, giấy là vật liệu gắn bó hàng ngày với học sinh nhưng sau khi học xong, các em thường bỏ đi hoặc bán ve chai với giá trị rất thấp. Trong khi đó, giấy có thể tái chế để thực hiện nhiều mô hình có ích trong học tập và cuộc sống, giúp tiết kiệm chi phí mua sắm đồ dùng học tập, nhất là sau đại dịch Covid-19 khiến hoàn cảnh kinh tế của nhiều gia đình khó khăn.

Sau khi triển khai nội dung thực hiện dự án cho học sinh trên lớp hoặc qua nhóm Zalo, cô Thúy Hạnh hướng dẫn chi tiết cho học sinh cách tái chế giấy để làm những mô hình đơn giản như: túi xách giấy, các loại rau củ quả, các hành tinh trong hệ mặt trời.

Em LÊ HOÀNG LAN THANH chia sẻ: “Trước đây, em thường đem bỏ những cuốn vở đã viết rồi mà không biết như vậy là lãng phí. Thông qua dự án tái chế giấy, em biết cách sử dụng giấy đúng mục đích hơn, tiết kiệm tiền cho cha mẹ. Ngoài ra, việc giao lưu, làm việc nhóm giúp em phát huy những năng lực mà trước giờ chưa làm được như: năng lực tự chủ, tự học, thẩm mỹ, ngôn ngữ, hợp tác, giao tiếp, giải quyết vấn đề, tự tin khi thuyết trình trước đám đông”.

Các em học sinh sẽ tiến hành thu gom giấy, xé nhỏ giấy, ngâm vào nước cho mềm. Khoảng 1 ngày sau, các em giã hoặc xay giấy, dùng vải để tách nước và bột giấy. Tùy thuộc vào nội dung yêu cầu của giáo viên, học sinh sẽ phơi bột giấy để làm những tấm giấy phẳng hoặc pha trộn bột giấy với keo sữa để tạo hình.

Em Triệu Sinh Trường An, lớp 7/7, Trường THCS Tân Phong chia sẻ: “Em rất hào hứng mỗi khi được học tiết Mỹ thuật của cô Thúy Hạnh. Em biết giấy được làm từ vụn gỗ, nếu sử dụng quá nhiều giấy sẽ khiến việc khai thác gỗ ngày càng nhiều, dẫn đến diện tích rừng giảm, hệ sinh thái của các loài động vật hoang dã bị thu hẹp, nhiều loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng”.

Theo cô Thúy Hạnh, việc tái chế giấy để làm các mô hình theo chủ đề rất dễ làm nhưng thông qua việc thực hành, giúp học sinh phát huy được kiến thức của nhiều môn học như: Mỹ thuật, Trải nghiệm sáng tạo, Khoa học tự nhiên, Lịch sử, Địa lý, Toán, Tiếng Anh…

Giáo viên cũng củng cố thêm về kiến thức và phương pháp dạy học, rút ra được nhiều kinh nghiệm, phát hiện năng khiếu của từng học sinh để giao việc phù hợp. Đồng thời, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để điều chỉnh kịp thời, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nâng cao trình độ tiếng Anh cho học sinh

Sau giai đoạn 1 được thực hiện tại Trường THCS Tân Phong, sang năm học 2023-2024, dự án Tái chế giấy chủ đề Trái đất - hệ mặt trời tiếp tục được phát triển lên một tầm cao hơn ở Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Cô Nguyễn Phạm Thúy Hạnh (Trường THCS Tân Phong) cùng học sinh thực hành tạo hình sản phẩm từ bột giấy

Cô Phan Thị Đỗ Uyên cho biết, giáo viên triển khai các bước thực hiện dự án qua nhóm Zalo và trang web http/:vi.padlet.com để tất cả học sinh tham gia đều biết.

Em Hồ Nguyễn Xuân An, lớp 8/5, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ: “Mỗi nhóm trong lớp sẽ chọn một hành tinh bất kỳ trong hệ mặt trời, phân công nhau tìm hiểu những thông tin về hành tinh này như: màu sắc, kích thước, khoảng cách với các hành tinh khác và mặt trời… Sau đó sẽ tiến hành tái chế giấy, tạo hình, trang trí sản phẩm”.

Theo yêu cầu của giáo viên, các học sinh tiếp tục thảo luận để viết một bản thảo ngắn về hành tinh mà nhóm thực hiện bằng tiếng Anh rồi quay video clip giới thiệu về hành tinh và quá trình thực hiện sản phẩm bằng tiếng Anh. Tất cả những bài giới thiệu này được đăng tải trên trang web http/:vi.padlet.com và thuyết trình tại lớp trong tiết học môn Tiếng Anh và Hoạt động trải nghiệm.

Em Lê Hoàng Lan Thanh, lớp 8/2, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm hào hứng cho biết, mỗi tiết học môn Tiếng Anh đều rất vui vẻ, hào hứng. Tham gia thực hiện dự án giúp em hiểu rõ hơn về thiên nhiên, môi trường, ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ môi trường.

Cô Đỗ Uyên tâm sự, thông qua trải nghiệm thực tế, học sinh sẽ biết mình có năng khiếu gì, quá trình thực hiện sản phẩm bằng tay giúp phát huy khả năng trí tuệ, tư duy thẩm mỹ của các em. Không những thế, các em còn biết yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ nhau nhiều hơn trong học tập và cuộc sống. Tất cả các em cùng nỗ lực để tạo ra một sản phẩm chung ưng ý nhất, mà điểm số hay ai làm nhiều hơn, ai làm ít hơn không còn là vấn đề quan trọng.

Khi được hỏi trong cuộc sống hàng ngày đã làm gì để bảo vệ môi trường, hầu hết học sinh Trường THCS Tân Phong và Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm đều trả lời các em biết cách vứt rác đúng nơi quy định, biết dọn dẹp rác tại nhà, tại trường và tuyên truyền, nhắc nhở nhiều người khác cùng thực hiện. Các em cũng sẽ trồng thêm nhiều cây xanh để môi trường sống và trái đất luôn trong lành.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều