Báo Đồng Nai điện tử
En

Xót xa đuối nước ở trẻ em:
Bài 2: Không để “cái khó bó cái khôn”

08:49, 22/06/2023

Trong nỗ lực phổ cập bơi cho học sinh, nhiều địa phương, trường học trên địa bàn Đồng Nai đã đề ra hàng loạt giải pháp và cố gắng thực hiện. Tuy nhiên, khi bắt tay vào triển khai, các đơn vị đã gặp phải rất nhiều khó khăn.

Huấn luyện viên dạy bơi hồ Sóng Biển (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) dạy bơi cho học sinh trong hè. Ảnh: H.Yến
Huấn luyện viên dạy bơi hồ Sóng Biển (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) dạy bơi cho học sinh trong hè. Ảnh: H.Yến

Vận động xã hội hóa để xây dựng được hồ bơi trong trường học; hợp đồng với các hồ bơi tư nhân để mở lớp dạy bơi; tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh… là cách mà nhiều trường học đang thực hiện. Điểm chung của các mô hình này là sự quyết liệt trong hành động với mục tiêu “tất cả vì học sinh thân yêu”.

* Đụng đâu cũng khó

Năm 2017, Trường tiểu học Long Giao (H.Cẩm Mỹ) được cấp 1 hồ bơi di động trị giá gần 200 triệu đồng để phục vụ công tác phổ cập bơi cho học sinh. Ngay khi được trang bị hồ bơi, Ban giám hiệu nhà trường đã tuyên truyền rộng rãi trong phụ huynh để vận động phụ huynh cho con em đi học bơi ngoài giờ chính khóa, đồng thời hợp đồng với một giáo viên dạy bơi đạt chuẩn về dạy bơi. Tuy nhiên, số học sinh tham gia học bơi quá ít nên trường không đủ để trả tiền dạy bơi cho giáo viên.

Năm học tiếp theo, nhà trường đưa tiết bơi vào học chính khóa trong môn Thể dục. Ban giám hiệu đã xếp thời khóa biểu môn Thể dục theo tiết đôi để thuận tiện cho việc dạy bơi. Tuy nhiên, cứ cách 1 tuần thì học sinh mới được học bơi 1 lần, vì tuần còn lại giáo viên phải dạy các bài thể dục theo chương trình hiện hành. Bằng cách làm này, số học sinh được học bơi đã tăng lên nhưng chất lượng lại không đạt như mong muốn.

Hiệu trưởng một trường tiểu học cho biết, trường được cấp hồ bơi di động nhưng không có giáo viên dạy bơi. Khi Sở VH-TTDL tổ chức khóa tập huấn dạy bơi, cả trường chỉ có một giáo viên biết bơi đã xung phong đi học lớp này nhưng vì chỉ biết “bơi chó” nên bị trả về.

Ngoài ra, việc dạy bơi bằng hồ di động còn gặp không ít khó khăn. Cô Vũ Thị Thùy Dương, Hiệu trưởng nhà trường giãi bày: “Chúng tôi được cấp hồ bơi nhưng không có giáo viên dạy bơi; không được cấp thêm kinh phí để vận hành hồ bơi. Thông thường, để bơm đầy nước trong hồ (20x5x1,4m), chúng tôi phải bật máy bơm 1 ngày 1 đêm. Nhưng nước đó chỉ sử dụng khoảng 3 ngày là đã xanh hồ nên lại phải xả nước ra. Chúng tôi gặp nhiều lúng túng trong việc sử dụng hồ bơi. Tôi tìm hiểu và phải đặt mua cát chuyên dụng để lọc hồ tận ngoài Nha Trang gửi vào; nguồn nước Javel để xử lý nước cũng khó tìm và khá tốn kém”.

Không riêng gì Trường tiểu học Long Giao, các trường học được cấp hồ bơi di động đều gặp phải những khó khăn tương tự. Do đó, ngoài thời gian đầu hoạt động có vẻ sôi nổi, sau đó các hồ bơi di động gần như đóng cửa và chỉ bơm nước vào hoạt động khi có đoàn đến kiểm tra. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, các hồ bơi di động trong trường học hầu như không còn hoạt động.

Anh Nguyễn Đăng Khoa, chuyên viên Trung tâm Văn hóa thể thao H.Cẩm Mỹ đồng hành cùng phong trào dạy bơi, các giải thi đấu bơi lội của học sinh trên địa bàn H.Cẩm Mỹ gần 10 năm nay. Theo anh Khoa, để phát huy hiệu quả của hồ bơi di động trong trường học, ngoài việc giải quyết những khó khăn nêu trên, nhà trường và cả phụ huynh cần xác định lại mục tiêu phổ cập bơi, tránh lầm tưởng.

Anh Khoa cho rằng, việc phổ cập bơi cần giúp học sinh đạt được những kỹ năng như: học cách thở, cách để nổi trên mặt nước, biết bơi đơn giản, không sợ nước. Khi có những kỹ năng này rồi, học sinh có thể đến các hồ bơi lớn để luyện tập nâng cao.

* Nhiều cách làm hay

Mặc dù các hồ bơi di động trong trường học không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng nhưng nhiều trường học trên địa bàn H.Cẩm Mỹ đã làm tốt công tác phối hợp, vận động phụ huynh cho con học bơi tại các hồ bơi tư nhân. Đặc biệt, vào dịp hè, rất đông học sinh đi học bơi căn bản và luyện tập nâng cao để chuẩn bị cho giải bơi lội.

Bà Hoàng Thị Khuyên, chủ hồ bơi Sóng Biển (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) cho biết, trong năm học, hồ bơi của bà chủ yếu hoạt động vào thứ bảy, chủ nhật nhưng dịp hè thì có nhiều học sinh đến học bơi. Trung bình, mỗi ngày hồ bơi này đón khoảng 100-150 trẻ học bơi. Hồ bơi có hợp đồng với các huấn luyện viên dạy bơi đến để phụ trách các lớp.

“Tôi dành riêng buổi sáng cho các lớp học bơi. Đến chiều, tôi mới bán vé cho người dân vào bơi tự do” - bà Khuyên cho hay.

Ngoài hồ bơi Sóng Biển, trên địa bàn H.Cẩm Mỹ còn có 5 hồ bơi nhân tạo để người dân đến học bơi. Nhờ cách làm như trên, H.Cẩm Mỹ đã duy trì tốt giải bơi lội dành cho học sinh trong dịp hè. Đây cũng là địa phương luôn nằm trong tốp 3 cấp tỉnh của sân chơi này.

Việc trang bị hồ bơi di động nhưng không cấp thêm kinh phí, không có giáo viên dạy bơi khiến các trường gặp nhiều khó khăn trong phổ cập bơi cho học sinh. Trong ảnh: Một hồ bơi di động đã hết hạn sử dụng, đang chờ thanh lý
Việc trang bị hồ bơi di động nhưng không cấp thêm kinh phí, không có giáo viên dạy bơi khiến các trường gặp nhiều khó khăn trong phổ cập bơi cho học sinh. Trong ảnh: Một hồ bơi di động đã hết hạn sử dụng, đang chờ thanh lý

Xã hội hóa phổ cập bơi cho trẻ em bằng cách phối hợp với các hồ bơi tư nhân đang là cách làm được nhiều địa phương áp dụng. Trong đó, mô hình phối hợp phổ cập bơi cho học sinh lớp 5 của H.Trảng Bom tuy mới thực hiện nhưng đã thu được những kết quả khả quan.

Theo đó, chương trình được thực hiện từ cuối năm học 2022-2023. Phòng GD-ĐT đã khảo sát, nắm bắt số lượng học sinh lớp 5 chưa biết bơi và thông báo để phụ huynh đăng ký cho con tham gia phổ cập bơi. Song song đó, Phòng GD-ĐT phối hợp khảo sát, lên danh sách số lượng hồ bơi đạt chuẩn trên địa bàn huyện; tổ chức cuộc họp với các chủ hồ bơi và ban giám hiệu các trường để bàn bạc, lên phương án tổ chức dạy bơi.

Chị NGUYỄN THỊ THƯƠNG, chủ hồ bơi Kids Farm (xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) cho hay: “Tôi thấy đây là một chương trình mang tính nhân văn. Bản thân tôi muốn trẻ em quanh khu vực mình ở biết bơi nên sẵn sàng tham gia, hỗ trợ một phần cho chương trình phổ cập bơi cho học sinh lớp 5”.

“Ban đầu, nhiều chủ hồ bơi và một số ban giám hiệu trường học không đồng ý. Chủ hồ bơi thì không muốn giảm giá, nhà trường thì ngại trách nhiệm. Chúng tôi phải họp và thuyết phục các bên nhiều lần mới có thể triển khai được kế hoạch” - anh Nguyễn Việt Hùng, chuyên viên Phòng GD-ĐT H.Trảng Bom chia sẻ.

Khóa phổ cập bơi bắt đầu được triển khai từ tháng 4, học sinh tham gia học bơi chỉ đóng 285 ngàn đồng, kinh phí còn lại sẽ do huyện tài trợ. Dù vậy, số lượng học sinh đăng ký phổ cập bơi chỉ đạt khoảng ¼ tổng số học sinh lớp 5 trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, với số lượng hơn 1,6 ngàn học sinh tham gia học bơi, H.Trảng Bom không có đủ huấn luyện viên dạy bơi nên Phòng GD-ĐT huyện đã phải liên hệ và mời thêm 4 giáo viên ở nơi khác về dạy.

Với tinh thần chung tay phổ cập bơi, phòng, chống đuối nước cho học sinh, các chủ hồ bơi chịu giảm một phần chi phí, giáo viên dạy bơi nhận mức thù lao thấp hơn thông thường nhưng vẫn làm việc hết trách nhiệm… Nhờ đó, các lớp học bơi đã diễn ra thuận lợi. Tính đến đầu tháng 6, đã có hơn 1,3 ngàn học sinh hoàn thành khóa học bơi. Chương trình phổ cập bơi cho học sinh lớp 5 của Phòng GD-ĐT H.Trảng Bom sẽ kết thúc vào tháng 7 tới đây.

Anh Nguyễn Việt Hùng trực tiếp phụ trách chương trình này vui vẻ cho hay: “Sau khi làm xong khóa phổ cập bơi này, tôi có thể khẳng định, việc phổ cập bơi cho học sinh tuy khó nhưng có thể làm được. Năm sau, H.Trảng Bom chắc chắn sẽ làm tốt hơn năm nay”.

Hải Yến

>>> Bài 3: Cần đẩy nhanh “xóa mù” bơi cho trẻ

Tin xem nhiều