Báo Đồng Nai điện tử
En

Vẽ ước mơ cho người khiếm thính

07:11, 19/11/2022

Với mong muốn giúp các em khiếm thính có thể vẽ nên những ước mơ bằng hội họa, gần 25 năm qua, họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng (hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) luôn miệt mài truyền cảm hứng để giúp các em phát huy năng khiếu nghệ thuật.

Với mong muốn giúp các em khiếm thính có thể vẽ nên những ước mơ bằng hội họa, gần 25 năm qua, họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng (hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) luôn miệt mài truyền cảm hứng để giúp các em phát huy năng khiếu nghệ thuật.

Họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng dạy vẽ cho học sinh khiếm thính tại Trường Khiếm thính Hoa Lan. Ảnh: L.Na
Họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng dạy vẽ cho học sinh khiếm thính tại Trường Khiếm thính Hoa Lan. Ảnh: L.Na

Không chỉ khơi dậy đam mê, họa sĩ Quang Hoàng còn mang đến cho trẻ khiếm thính một sân chơi mỹ thuật và những trải nghiệm thú vị.

* Gần 25 năm dạy vẽ miễn phí

Họa sĩ Quang Hoàng cho biết, ông dạy vẽ miễn phí cho học sinh khuyết tật tại Trường Khiếm thính Hoa Lan (P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) đến nay gần 25 năm. Lớp học vẽ của ông đặc biệt ở chỗ là cả thầy và trò đều không nói chuyện, chỉ giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu (qua cử chỉ của đôi tay). Thời gian đầu, các lớp vẽ miễn phí của ông chỉ có vài chục học sinh khiếm thính, đến nay đã có hơn 90 em ở nhiều độ tuổi khác nhau (từ 3-17 tuổi).

“Người khiếm thính không nghe được âm thanh. Khi giảng dạy, tôi chủ yếu sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, thực hành bằng cách vẽ từng đường nét trên bảng để giúp các em hiểu. Có khi các em hiểu ngay nhưng cũng có khi phải giảng đi giảng lại rất nhiều lần. Thời gian đầu, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Để làm quen với các em, tôi đã phải nghiên cứu rất nhiều về ngôn ngữ ký hiệu, học thêm ngôn ngữ này ở các nữ tu và đọc thêm những cuốn sách liên quan đến trẻ khiếm thính để tiếp cận dễ dàng hơn với các em” - họa sĩ Quang Hoàng chia sẻ.

Họa sĩ NGUYỄN QUANG HOÀNG (sinh năm 1960), nguyên là giảng viên Khoa Gốm, Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Cùng với dạy học, ông tham gia nhiều triển lãm mỹ thuật trong và ngoài tỉnh, đoạt được nhiều giải thưởng cao. Ông được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2011.

Theo họa sĩ Quang Hoàng, dạy vẽ không chỉ giúp học sinh khiếm thính rèn luyện năng khiếu hội họa mà còn rèn luyện tính cách kiên nhẫn cho các em. Bởi có nhiều lúc giáo viên nói/hướng dẫn chưa hiểu, các em rất dễ nổi nóng, bày tỏ thái độ bằng hành động. Do đó, người dạy phải tìm mọi cách giúp các em cảm thấy vui vẻ, hào hứng trong quá trình học tập, sinh hoạt. Một khi các em đã quen, đã hiểu thì rất ngoan, học hành chăm chỉ và ngày càng tiến bộ.

Lớp vẽ tranh miễn phí của họa sĩ Quang Hoàng nhiều năm qua đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các học sinh khiếm thính và phụ huynh. Đây chính là nguồn động viên, cổ vũ tinh thần để ông tiếp tục duy trì lớp vẽ trong suốt thời gian dài, từ khi còn là giảng viên của Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai cho đến hiện tại đã nghỉ hưu. Ông cho hay, việc dạy vẽ mang đến cho ông nhiều niềm vui, nhất là những bức tranh “đặc biệt” do học sinh khiếm thính vẽ luôn để lại những cảm xúc đặc biệt, những ấn tượng khó quên.

* Vẽ những ước mơ…

Có nhiều năm học vẽ tại Trường Khiếm thính Hoa Lan, em Lê Hiến Quyết (15 tuổi, ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Trước đây, em chưa từng nghĩ mình có thể vẽ được những bức tranh như thế này. Sau khi học vẽ với thầy, em có thể vẽ được nhiều chủ đề khác nhau, truyền đạt được lời nói, mong muốn cũng như ước mơ của mình qua mỗi bức tranh. Em đang cố gắng học vẽ thật tốt để sau này có thể truyền lửa tình yêu nghệ thuật lại cho các bạn, các em khiếm thính như cách thầy Hoàng đã và đang thực hiện”.

Họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng hướng dẫn học sinh khiếm thính tại Trường Khiếm thính Hoa Lan học vẽ
Họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng hướng dẫn học sinh khiếm thính tại Trường Khiếm thính Hoa Lan học vẽ

Theo nữ tu Nguyễn Thị Thanh Thủy, Hiệu phó chuyên môn Trường Khiếm thính Hoa Lan, hiện tại trường có 90 học sinh khiếm thính ở nhiều độ tuổi khác nhau. Tùy vào từng độ tuổi mà có các lớp học phù hợp. Thời gian học ở trường của các em khá linh động, buổi sáng học các môn văn hóa, buổi chiều học kỹ năng, năng khiếu và học nghề. Trong đó, nhà trường chú trọng các lớp dạy vẽ, dạy may…

“Nhiều năm nay, các lớp học vẽ do họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng đảm nhiệm đã và đang giúp học sinh khiếm thính vẽ nên những ước mơ… Không chỉ học vẽ mà đây còn là sân chơi bổ ích, lý thú cho các em, khơi dậy tình yêu, đam mê với hội họa. Qua đó, phát triển trí tuệ, năng khiếu cho học sinh. Từ các lớp năng khiếu của trường, nhiều em đã trưởng thành, tìm được việc làm ổn định, có thu nhập để trang trải cuộc sống” - nữ tu Nguyễn Thị Thanh Thủy nói.

Ly Na

Tin xem nhiều